Đối mặt với lệnh trừng phạt từ Mỹ, hãng điện thoại đến từ Trung Quốc ZTE khó có thể tiếp tục “sống” mà thiếu chip của Qualcomm và phần mềm Android.

ZTE buộc phải đóng cửa vì lệnh trừng phạt của Mỹ

Một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc đang phải đóng cửa dần các cơ sở kinh doanh trên toàn cầu vì bị chính phủ Mỹ trừng phạt. ZTE là hãng smartphone lớn thứ hai của Trung Quốc và trở thành nhà cung cấp điện thoại lớn thứ 4 tại Mỹ trong năm 2017.

“Công ty đã ngừng các hoạt động kinh doanh chính,” ZTE tuyên bố trong thông cáo được gửi tới giới giao dịch chứng khoán tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 9/5.

Hoạt động kinh doanh của hãng gặp khó khăn sau khi chính phủ Mỹ cấm các doanh nghiệp nước này xuất khẩu công nghệ cho ZTE. Thực tế cho thấy, nhà sản xuất smartphone đang phụ thuộc rất lớn vào các thiết bị do Mỹ cung cấp, đặc biệt là bộ xử lý của Qualcomm và phần mềm Android của Google.

Theo số liệu của Reuters, các dòng điện thoại của hãng sử dụng ít nhất 25% thiết bị được sản xuất tại Mỹ.

Năm 2017, ZTE thừa nhận đang lên kế hoạch bán công nghệ của Mỹ cho Iran và Triều Tiên. Kết quả, hãng điện thoại lớn thứ hai Trung Quốc buộc phải nộp phạt 890 triệu USD cũng như kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao có liên quan tới kế hoạch trên.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong tháng 4 cáo buộc ZTE tiếp tục nói dối Washington. Công ty này khẳng định rằng đã gửi thư khiển trách và giảm tiền thưởng năm 2016 đối với những cán bộ vi phạm, nhưng phía Mỹ cho hay, nhiều nhân viên vẫn nhận được lương thưởng đầy đủ và không bị khiển trách cho tới tận đầu năm 2018.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 15/4 ra thông báo cấm các doanh nghiệp Mỹ có quan hệ kinh doanh với ZTE.

Dù hệ điều hành Android là mã nguồn mở, nhưng “đại gia” công nghệ này vẫn giữ quyền kiểm soát các ứng dụng như Google Maps và quan trọng nhất là kho Play Store. Nếu không phải ở Trung Quốc, để bán được một chiếc điện thoại Android không có kho ứng dụng của Google là một việc rất khó.

Theo ArsTechnica

Góc quảng cáo