Tập đoàn ZTE của Trung Quốc đã phải chấp nhận án phạt 900 triệu USD vì vi phạm về việc hạn chế buôn bán với Iran.
Được thành lập vào năm 1985, ZTE có trụ sở đặt tại tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Đây là là hãng cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 4 tại thị trường Mỹ, chiếm 7% thị phần, sau Apple, Samsung và LG Electronics.
Là công ty chuyên bán các thiết bị di động cầm tay cho 3 trong số 4 tập đoàn viễn thông lớn nhất nước Mỹ là AT&T, T-Mobile và Sprint Corp. ZTE có công ty con tại Mỹ, Châu Á, Chây Âu, và Nam Mỹ.
Việc ZTE bị Mỹ xử phạt với số tiền 900 triệu USD xảy ra khi công ty này bị cáo buộc vi phạm về hạn chế buôn bán hàng hóa và kiểm soát xuất khẩu. Trong suốt thời gian từ năm 2010 đến đầu năm 2016, ZTE đã bán phần cứng và phần mềm do các công ty công nghệ tại Mỹ chế tạo cho nhà mạng viễn thông lớn nhất ở Iran.
ZTE đã thừa nhận có sai phạm với ba cáo buộc, trong đó có hành vi cản trở pháp luật khi che giấu thông tin với các nhà điều tra liên bang. Họ sẽ phải trả khoản tiền 892 triệu USD, cùng với đó là mức phạt 300 triệu USD được treo trong 7 năm nếu ZTE không tuân thủ quyết định của phía Mỹ.
Theo AFP, các nhà điều tra đã cho biết tập đoàn ZTE chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp các lô hàng trị giá khoảng 32 triệu USD mà không có giấy tờ hợp lệ. Các mặt hàng xuất khẩu trái phép bao gồm các bộ định tuyến, bộ vi xử lý, máy chủ được Mỹ kiểm soát nghiêm ngặt vì lý do an ninh và chống khủng bố.
Điều đó cho thấy công ty này hoàn toàn ý thức được việc kinh doanh của mình đã vi phạm các điều cấm. Tháng 3/2016, Bộ thương mại Mỹ đã áp dụng một số hạn chế xuất khẩu đối với doanh nghiệp viễn thông này.
Ông Zhao Xianming, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ZTE cho biết trong một tuyên bố vào ngày 07/03: “ZTE thừa nhận có sai phạm, xin chịu trách nhiệm về những hành vi này và giữ cam kết hướng đến thay đổi tích cực tại công ty.”