Theo kiểm tra, các đường dẫn trỏ về website Zing MP3 xuất hiện rất hạn chế khi tìm kiếm trên Google.
Từng có thời gian thị trường nghe nhạc số tại Việt Nam rất sôi động với sự cạnh tranh quyết liệt. Nhưng đến nay theo đà thay đổi thói quen nghe nhạc của người dùng, có trang vẫn sống khỏe, có trang đã “trôi vào dĩ vãng”.
Nhiều người dùng trên mạng xã hội mới đây đã phản ánh không thể tìm thấy bài hát trên dịch vụ nghe nhạc miễn phí Zing MP3 bằng cách tìm kiếm thông qua Google.
Zing MP3 có đang bị chơi xấu?
Trước đây, nếu người dùng gõ tên bài hát vào Google, hầu hết 90% đường dẫn bài hát từ mp3.zing.vn sẽ xuất hiện đầu tiên, tiếp sau là kết quả từ các trang khác. Tuy nhiên hiện Google chỉ hiển thị đường dẫn đến các trang khác mà hầu như không thấy bóng dáng xuất hiện của cổng âm nhạc quen thuộc này.
Qua tìm hiểu, sự việc này đã diễn ra khoảng hơn một tuần nay. Có khả năng Zing MP3 đang bị “ông lớn” Google “trừng phạt” vì vi phạm các nguyên tắc trong SEO (Search Engine Optimization – một thuật ngữ chỉ nhóm các hành động nhằm tối ưu website cho các cỗ máy tìm kiếm như Google, giúp hiển thị đầu tiên ở trang kết quả), từ ngữ chuyên ngành gọi là “dính Google Sandbox”.
Theo đó, một website bị dính “Google Sandbox” sẽ chịu nhiều hình thức “phạt” khác nhau như bị hạn chế xuất hiện khi người dùng tìm kiếm hoặc nặng hơn là vĩnh viễn không thể tìm thấy trên Google. Đây là một trong những thuật toán và động thái Google đưa ra nhằm đối phó với các website sử dụng con đường “không chính thống” để gây ảnh hưởng tới kết quả tìm kiếm, giảm trải nghiệm của người dùng.
Một chuyên gia SEO tại Việt Nam cho rằng dịch vụ lớn, uy tín và tồn tại đã lâu như Zing MP3 rất khó bị dính các lỗi cơ bản dẫn tới Google Sandbox, mà nhiều khả năng là do các đối thủ chơi xấu. Trong bối cảnh thị trường nhạc số và các dịch vụ giải trí trực tuyến nở rộ, việc cạnh tranh gay gắt dẫn tới các đối thủ “chơi xấu” lẫn nhau là điều không khó hiểu. “Hạ” được đối thủ trên mặt trận Google gần như dẫn tới 50% chiến thắng về con số lượng truy cập.
SEO không còn là mảnh đất màu mỡ?
Anh Nhan Thế Luân – CEO NCT Corp, đơn vị sở hữu website NhacCuaTui trao đổi với Kul: “Đa số các trang nghe nhạc miễn phí lớn hiện nay tại Việt Nam đều đang chuyển hướng sang đầu tư cho ứng dụng di động, theo xu thế chung của sự bùng nổ công nghệ thông tin tại Việt Nam, chứ không chạy theo tăng trưởng lượng người xem trên định dạng web truyền thống như trước đây nữa. NhacCuaTui cũng không nằm ngoài xu hướng đó”
Ngoài ra, một số chuyên gia làm việc trong ngành cũng cho biết, vì Google ngày càng “thông minh”, đặc biệt chức năng “Knowledge Graph” ra mắt đã khiến các website về nghe nhạc bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo đó, khi người dùng tìm kiếm một bài hát hoặc thông tin về một ca sĩ nào đó, Google sẽ tự động đề xuất các bài hát hoặc album tương tự, lấy nguồn chủ yếu từ YouTube. Người dùng có thể nhấn vào đó và nghe ngay trên trang kết quả, không còn cần phải vào các website nghe nhạc nữa. “Bị Google ‘gặm dần’ như vậy thì cũng đau”, một chuyên gia than thở.
Knowledge Graph đang khiến các website nghe nhạc gặp khó khăn.
Theo Kul