Chậm chạp, ngủ quên trên chiến thắng để không nhận ra những đối thủ tiềm tàng đang phát triển quá nhanh, đó là cái kết của Yahoo Messenger.
Khá giống Nokia trong lĩnh vực điện thoại, Yahoo là một tên tuổi lớn của lĩnh vực dịch vụ Internet, tuy ở hai mảng khác nhau song sự lận đận của hai hãng lại có khá nhiều nét chung, Nokia không theo được đà phát triển quá nhanh kể từ thời điểm Apple tung ra chiếc iPhone đầu tiên, rồi đến Google với hệ điều hành Android, còn Yahoo lại không lường được sự phát triển vũ bảo của Facebook, Snapchat, WhatsApp… đến khi nhận ra được thì hầu như đã quá muộn màng để có sự thay đổi, việc mua lại Tumblr có thể xem là nước đi khá tốt để giữ lại được một cộng đồng vẫn còn yêu chơi blog, song thực tế là Yahoo đã phải cắt bỏ rất nhiều những dịch vụ nổi tiếng nhưng không thể đem về doanh thu.
Nói về cái chết của ứng dụng Yahoo Messenger, có thể xem 3 nguyên nhân dưới đây là vững chắc:
1. Phiên bản di động phát triển chậm chạp
Năm 2009, smartphone bắt đầu bùng nổ, Yahoo hầu như không đưa ra được một phiên bản di động cho dịch vụ chat của mình, người dùng khi đó đã phải cài đặt các ứng dụng bên thứ ba khác – chúng sử dụng hàm API do Yahoo cung cấp để người ta có thể trò chuyện với nhau. Mãi đến năm 2010 phiên bản cho Android và iOS mới xuất hiện, tuy nhiên ở đợt đầu ra mắt nó lại thiếu đi quá nhiều thứ chủ chốt của Yahoo như chưa có khả năng Buzz bạn bè, gửi file không ổn định, tin chat đôi khi không gửi đi… những điều này gây tâm lý không thoải mái cho người dùng.
Nhận định về việc này, nhiều người dùng tâm huyết và đến cả chuyên gia cũng có cùng nhận xét rằng có vẻ Yahoo đã ngủ quên trên chiến thắng, khi nhận ra thời đại mobile đã tới quá nhanh, hãng đã trở tay không kịp nên làm ra một sản phẩm không đủ tốt.
2. Bị Facebook tích cực lôi kéo người dùng
Việc Yahoo đóng cửa dịch vụ blog Yahoo! 360 đã góp phần rất lớn vào việc hãng đã mất lượng người dùng về tay Facebook. Riêng tại Việt Nam, Yahoo! 360 được xem là một sản phẩm rất thành công, thời kỳ chơi blog này kéo dài hơn cả những dự đoán của các chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực internet, trước đây khi Yahoo tuyên bố đóng cửa Yahoo! 360, gần như ngay sau đó Yahoo! Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo công bố dịch vụ blog Yahoo! 360 Plus vẫn tiếp tục được duy trì tại Việt Nam.
Song việc duy trì này không lâu, tháng 7/2009, Yahoo! 360 bị đóng cửa, các bài viết bị xóa sạch, Yahoo! 360 Plus tại Việt Nam lại khó dùng hơn, tuy hỗ trợ đồng bộ bài từ Yahoo! 360 sang nhưng lại bị mất comment và nhiều vấn đề khác nên cũng không thể giúp cải thiện tình hình.
Thời điểm này, người dùng Internet Việt Nam quay sang một giải pháp giao tiếp xã hội khác là Facebook. Gần như ngay lập tức, rất nhiều người bắt đầu di chuyển nhà sang Facebook, hàng loạt lời kết bạn được gửi đi giữa cộng đồng những người đã từng gắn bó với nhau trên Yahoo! 360. Tuy với Facebook người dùng Việt không còn dùng để viết blog nhiều nữa, nhưng việc này đã vô tình giới thiệu cho người dùng một hình thức giao tiếp trên mạng hoàn toàn mới, một cách kết bạn hoàn toàn mới.
Trong bối cảnh người người nhà nhà chuyển sang Facebook, số lượng bạn bè tăng lên từng ngày thì việc Facebook chat dần dần thay thế cho hệ sinh thái của Yahoo cũng là chuyện tất yếu.
3. Bỏ qua cơ hội phát triển thành mạng xã hội
Yahoo Messenger có chức năng nổi bật nhất là chat room, nơi bạn có thể vào chat với những người dùng chưa quen trên mạng, Bạn có thể tạo những chat room nói về các vấn đề rất cụ thể và có thể kiếm được rất nhiều bạn mới trên đó.
Tuy nhiên, khả năng mở rộng mạng lưới quan hệ của bạn vẫn bị giới hạn trong bức tường của từng chat room. Chat room này không thể kết nối với chat room khác. Nói cách khác, việc mở rộng bạn bè của Yahoo vẫn còn bị hạn chế. Trong khi đó, Facebook (giai đoạn đầu) cho phép kết bạn mà không có bất kì rào cản nào. Tính năng tìm kiếm, gợi ý bạn bè của Facebook cũng rất tiện lợi. Khi mà nhu cầu kết nối ngày càng tăng cao nhưng YM không đáp ứng kịp, người dùng bắt đầu dần dần chuyển sang xài sản phẩm khác là đương nhiên.
Minh chứng cho việc Yahoo có thể làm mạng xã hội: Hãy nhìn cách Zalo đang làm social network ngày nay, nó khá tương đồng với Yahoo Messenger ngày trước. VNG hiện nay có thể xem là khá giống Yahoo ngày trước: tiền nhiều, người giỏi, thương hiệu nổi, hệ thống sản phẩm cực kì đa dạng trải dài từ tin tức, thể thao cho đến tài chính và cả công nghệ gợi ý. Nếu Yahoo khôn khéo kết hợp chúng lại thành một mạng xã hội chat theo kiểu Zalo thì mọi thứ có lẽ đã khác.
Vậy mà Facebook từng được Yahoo đề nghị mua lại: Mùa hè năm 2006, Yahoo muốn thâu tóm Facebook với giá 1 tỉ USD – con số rất lớn thời bất giờ. Khi đó nhiều nhà đầu tư và lãnh đạo của Facebook cũng đang muốn bán công ty. Nhưng cũng vào thời điểm này Facebook đang chuẩn bị ra mắt tính năng News Feed, và nếu thành công thì người ta dự đoán con số 1 tỉ USD là quá rẻ. Quý 2 năm đó, Yahoo hạ lời mời chào xuống còn 850 triệu USD sau báo cáo tài chính không khả quan, vậy nên ban lãnh đạo Facebook chỉ mất 10 phút nói chuyện để quyết định không bán công ty nữa.
Yahoo Messenger tái sinh, nhưng liệu có cứu được tình hình?
Tháng 12/2015, Yahoo ra mắt lại ứng dụng Messenger hoàn toàn mới. Tuy nhiên đây lại đang là thời điểm Facebook đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, có mặt trên tất cả mọi nơi, và có mạng lưới bạn bè cực kì rộng nên việc làm mới app Yahoo Messenger gần như không giúp được nhiều. Một dịch vụ hầu như không có người dùng so với một dịch vụ có 1,5 tỉ người xài tích cực hằng tháng, đó là một so sánh buồn nhưng hoàn toàn là sự thật.
Chưa nói đến Facebook Messenger, các app chat OTT như WhatsApp, Viber, LINE cũng đang phát triển rất mạnh với nhiều chức năng từ vui vẻ cho đến chuyên nghiệp, lại còn được quảng bá và truyền thông vô cùng tích cực.
Do vậy, trừ khi Yahoo đưa ra được những tính năng đột phá để có thể lôi kéo được người dùng, bằng không thì khả năng Yahoo Messenger hoàn toàn đóng cửa là điều có thể dự đoán trước được.
Tham khảo: Tinhte