Vittoria Casa – nghị sĩ của đảng Five Star (Ý) – vừa trình dự luật mới, đề nghị đưa những thanh thiếu niên sử dụng điện thoại quá mức cho phép đến trung tâm cai nghiện để giảm bớt tình trạng “nghiện smartphone” ngày càng phổ biến theo chiều hướng xấu.

Ý đề xuất cai nghiện smartphone cho thanh thiếu niên

Dự luật cho biết 80% thanh thiếu niên Ý sống trong nỗi sợ mất điện thoại và không kết nối được với Internet, còn gọi là hội chứng nomophobia. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy việc mong chờ những lượt like khi đăng bài viết trên mạng xã hội sẽ kích thích não tiết ra dopamine, hoạt chất gây nghiện tương tự như khi đánh bạc.

Trong dự luật, bà Casa đề nghị mở khóa học ở trường về mức độ nguy hiểm của việc nghiện smartphone và tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức cho phụ huynh. Trong trường hợp xấu nhất có thể đưa những thanh thiếu niên “nghiện nặng” đi cải tạo tại các trung tâm y tế. Dự luật cũng yêu cầu cảnh sát giám sát chặt chẽ việc sử dụng điện thoại quá mức cho phép, nhưng hiện chưa rõ việc theo dõi sẽ được triển khai như thế nào.

Theo The Sun, một nghiên cứu cho thấy 15% thanh thiếu niên Ý dành hơn 10 giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại. Một nửa người dân ở độ tuổi 15-20 kiểm tra điện thoại ít nhất 75 lần một ngày và 62% thanh thiếu niên nhắn tin đến tận khuya, thiếu ngủ và không thể tập trung học tập ở trường vào hôm sau. Các chuyên gia đổ lỗi cho phụ huynh vì thường xuyên sử dụng điện thoại trước mặt con cái và cho phép trẻ độ tuổi 11-13 sử dụng mạng xã hội.

Dù một số nghiên cứu đã kết luận sử dụng điện thoại nhiều sẽ gây nghiện, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ về quan điểm này. Andrew Przybylski – nhà tâm lý học thực nghiệm tại Viện Internet Oxford (Anh) – cho biết: “Những quy định kiểu này là ý tưởng khá tồi tệ. Trung Quốc và một số nơi khác trên thế giới đã áp dụng, nhiều trung tâm cai nghiện công nghệ vì lợi nhuận mọc lên và đã có nhiều trường hợp tử vong”.

Przbylski hoài nghi về những kết quả nghiên cứu nghiện smartphone và internet. “Không có bằng chứng cụ thể cho thấy tình hình đang trở nên tồi tệ hơn”, ông nói. Cũng như video game bạo lực, ứng dụng, tính năng trên điện thoại và các công nghệ kỹ thuật số khác thường có cả mặt tốt lẫn mặt xấu.

Przbylski nghĩ rằng nên có căn cứ khoa học vững chắc hơn trước khi kết luận. Tháng 10 tới, ông sẽ dẫn đầu một nghiên cứu quy mô lớn về cách công nghệ kỹ thuật số ảnh hưởng đến thanh thiếu niên.

Theo Business Insider

Góc quảng cáo