Tổ chức World Wildlife Fund (WWF) mới đây đã công bố một báo cáo chi tiết về sự suy giảm đa dạng sinh học trên hành tinh.
Với tình trạng môi trường ngày càng ô nhiễm như hiện nay, toàn thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã. Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (World Wide Fund For Nature – WWF), do biến đổi khí hậu và dưới sự tác động của con người, hàng triệu loài động vật đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các nhà khoa học ước tính rằng, tốc độ tuyệt chủng hiện đã cao gấp 1000 lần so với trước đây. Cụ thể, số lượng các loài động vật có xương sống trên toàn cầu đã giảm 60% từ năm 1970 đến năm 2014.
Trong đó có sự tận diệt của con người bằng những hoạt động như khai thác mỏ, các đồn điền cây bột giấy, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chăn nuôi, khai thác gỗ không bền vững, thuỷ điện, nông nghiệp quy mô nhỏ. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và dân số đông kéo theo mức tiêu thụ lương thực. thực phẩm tăng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Báo cáo đã chỉ ra một tương lai khó tưởng tượng khi rừng, đại dương, sông ngòi bị tàn phá nghiêm trọng. Con người đã và đang phá hủy môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc chất thải nhựa gây ô nhiễm biển cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Những mảnh vụn nhựa được tìm thấy ở khắp mọi nơi như bờ biển, trên mặt nước và trong đại dương. Ngay cả vực Mariana, rãnh đại dương sâu nhất nằm trên phần đáy của khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương cũng có chất thải này.
Kể từ năm 1950, gần 6 tỷ tấn cá và động vật không xương sống đã được “tiêu thụ” từ các đại dương trên thế giới. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã tiêu diệt hơn 50% diện tích san hô và rừng đước ven biển.
Các nhà khoa học đã liệt kê ra những nguyên nhân có ảnh hưởng lớn nhất đến sự tuyệt chủng của động vật hoang dã như đánh bắt hải sản quá mức, sự suy giảm, mất cân bằng hệ sinh thái và ô nhiễm. Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra những phương pháp có thể cải thiện tình trạng trên.
Vẫn còn thời gian để hành động
Báo cáo cũng đã gợi ý cách tiếp cận cũng như sáng kiến nhằm cải thiện môi trường sống trong bối cảnh con người đang đối mặt với ảnh hưởng lớn chưa từng thấy. WWF hy vọng rằng, với báo cáo này sẽ giúp cho mọi người có ý thức hơn với môi trường sống và mối nguy cơ tiềm tàng khi thiên nhiên bị tàn phá.
Đồng thời qua đó có thêr chung tay tiến đến một thỏa thuận toàn cầu mới vì thế giới tự nhiên. Ngoài ra, cần có chiến lược để bảo vệ thiên nhiên, với mục tiêu đến năm 2030 không còn tổn thất đa dạng sinh học.