Nếu bạn sinh sau năm 1985 thì bạn nhỏ tuổi hơn Windows, vì phiên bản đầu tiên của hệ điều hành máy tính này được giới thiệu vào ngày 20/11 cách đây đúng 30 năm.
Microsoft tạo ra Windows là để kế thừa cho nền tảng MS-DOS. Và đây có thể được coi là một bước ngoặc cực lớn, mở đường cho những phiên bản Windows hiện đại mà chúng ta sử dụng ngày nay. Mặc dù Windows 10 hiện tại đã khác rất nhiều so với phiên bản Windows 1.0 đầu tiên, tuy nhiên vẫn còn một vài thứ nguyên bản còn sót lại như thanh cuộc, menu kéo xuống, các biểu tưởng, hộp hội thoại và những ứng dụng như Notepad và MS Paint.
Với Windows 1.0 thì người dùng cũng bắt đầu làm quen với con chuột, con trỏ và những cú click. Trước đó trên MS-DOS thì sẽ phải gõ những dòng lệnh. Và cùng với hệ điều hành MacIntosh đầu tiên, chuột đã thay đổi gần như hoàn toàn cách người dùng tương tác với máy tính. Vào thời điểm đó, nhiều người than phiền rằng Windows 1.0 quá tập trung vào các thao tác với chuột thay vì lệnh qua bàn phím. Và phiên bản hệ điều hành Windows đầu tiên của Microsoft không được đón chào nồng nhiệt, nhưng nó đã tạo ra một cuộc chiến giữa Apple, IBM và Microsoft nhằm phổ biến máy tính đến với mọi người.
Vào năm 1985, hệ điều hành Windows 1.0 “yêu cầu” 2 đĩa mềm (floppy disk), dung lượng 256 KB, và một card đồ hoà. Nếu bạn muốn chạy nhiều chương trình, bạn cần có một máy tính với ổ cứng và bộ nhớ 512 KB. Nếu so với hiện tại thì mức dung lượng 256 KB là rất nhỏ, chỉ tương đương với những file text hay ảnh kích thước nhỏ; chắc chắn không thể giúp một chiếc máy tính hoạt động được. Tuy nhiên 30 năm trước, mọi thứ mới chỉ bắt đầu.
Trong khi Apple vượt trội hơn các công ty khác về việc tạo ra một giao diện người dùng tập trung vào các thao tác dựa trên con chuột, và kết hợp giữa cả phần cứng lẫn phần mềm. Microsoft lại đi làm những hệ điều hành PC DOS giá rẻ dành cho Windows, và họ tự định vị mình là một công ty phần mềm.
Với Windows 1.0, Microsoft bước một bước quan trọng trong việc tập trung làm ứng dụng và các phần mềm cốt lõi. Microsoft đã giúp cho các đối thủ trong ngành sản xuất máy tính có cơ hội cạnh tranh với IBM, vốn thống lĩnh thị trường PC vào thời điểm đó. Ngoài ra, những nhà phát triển phần mềm cũng dễ dàng tạo ra các ứng dụng, chứng minh cho việc Windows là nền tảng mở và dễ dàng tinh chỉnh theo ý muốn.
Vì thế, các nhà sản xuất PC bắt đầu đổ xô sang dùng Windows, và hệ điều hành này nhận được sự hỗ trợ từ các công ty phần mềm quan trọng. Điều này dẫn đến việc ngày càng có nhiều ứng dụng cho các đối tác sản xuất phần cứng để giúp họ bán máy tính của mình. Từ đó tạo ra một nền tảng khổng lồ cho Microsoft. Đó là một nền tảng cho phép bạn cập nhật và nâng cấp lên tất cả các phiên bản của Windows, như theo video minh hoạ dưới đây.
Tới thời điểm này, sau 30 năm, Windows vẫn đang thống trị thị trường máy tính cá nhân và thực sự sẽ còn lâu để điều này thay đổi. Microsoft vẫn đang tiếp tục phát triển Windows và biến thể nó để có thể sử dụng trên nhiều thiết bị khác nhau, dùng trong doanh nghiệp và dần tiến đến “đám mây”. Rõ ràng với sự phổ biến của điện thoại thông minh và máy tính bảng như hiện nay, Microsoft phải có những bước đi nhanh hơn, vì Windows đang phải đối mặt với những thử thách rất lớn. Nền tảng di động của Windows cũng đã được phát triển, tuy nhiên cho tới hiện tại thì vẫn chưa thành công. Vì thế, có thể vào năm 2045, chúng ta lại kỷ niệm sự kiện Windows tròn 60 tuổi nhưng liệu nó có giống như hiện tại không? Hay là lúc đó mọi thứ sẽ thay đổi.
Mời các bạn cùng xem lại một số hình ảnh và các cột mốc đáng nhớ trong suốt chặng đường 30 năm của Windows, kể từ năm 1985.
WINDOWS 1.0 (1985) – nơi Windows bắt đầu với phiên bản 1.0, một giao diện đồ hoạ người dùng hoàn toàn mới, hỗ trợ chuột và các ứng dụng quan trọng.
WINDOWS 2.0 (1987) – tiếp tục với nền tảng điện toán 16-bit, có card VGA và các phiên bản đầu tiên của Word, Excel.
WINDOWS 3.0 (1990) – có được một giao diện người dùng mới tốt hơn và hệ thống quản lý Chương trình và tập tin (Program and File manager). Trò chơi Gỡ mìn (Minesweeper) cũng có phiên bản cập nhật 3.1.
WINDOWS NT 3.5 (1994) – là phiên bản thứ hai của NT, và nó thực sự đánh dấu cho việc Microsoft nhảy vào mảng máy tính cho doanh nghiệp với độ bảo mật cao hơn và các tính năng chia sẻ file.
WINDOWS 95 (1995) – là một trong những phiên bản quan trọng nhất trong lịch sử Windows. Microsoft đã chuyển sang sử dụng nền tảng 32-bit và ra mắt thanh menu Start. Một kỷ nguyên mới trong việc thể hiện các ứng dụng cài trên máy, và ứng dụng Internet Explorer cũng ra mắt trong một bản cập nhật.
WINDOWS 98 (1998) – được phát triển dựa trên thành công của Windows 95 và Microsoft tiếp tục cải thiện khả năng hỗ trợ phần cứng cũng như hiệu năng hoạt động. Microsoft cũng tập trung vào trải nghiệm duyệt web cùng các gói tính năng và ứng dụng như Active Desktop, Outlook Express, Microsoft Chat và NetMeeting.
WINDOWS ME (2000) – tập trung vào giải trí đa phương tiện và người dùng tại nhà, nhưng nó hoạt động không ổn định và nhiều lỗi. Ứng dụng Windows Movie Maker lần đầu tiên xuất hiện trên ME, cùng với phiên bản cập nhật của Windows Media Player và Internet Explorer.
WINDOWS 2000 (2000) – được phát triển dành cho các máy chủ và doanh nghiệp. Dựa trên Windows NT, Microsoft đã tạo ra một hệ điều hành với công nghệ mã hoá tập tin mới, DLL cache, cùng tính năng cắm và chạy cho phần cứng.
WINDOWS XP (2001) – thực sự thoả mãn được nhu cầu sử dụng tại nhà lẫn hỗ trợ cho công việc. Windows XP cũng được phát triển dựa trên Windows NT nên có nhiều điểm tương đồng.
WINDOWS VISTA (2007) – là một sự đổi mới trong giao diện với bộ Aero UI cùng cách tính năng bảo mật được nâng cấp. Tuy nhiên, giống ME, Windows Vista không được người dùng chào đón nồng nhiệt. Microsoft đã mất 6 năm để phát triển Windows Vista nhưng nó chỉ hoạt động tới với các phần cứng mới. Phần quản lý tài khoản người dùng bị chỉ trích rất nhiều và Vista được xem là một trong những phiên bản thất bại của Windows.
WINDOWS 7 (2009) – được ra mắt để sửa chữa thất bại của Vista. Và Microsoft đã làm điều đó cực tốt. Chắc chắn nhiều bạn vẫn sẽ còn sử dụng Windows 7 với giao diện thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng. Minh chứng cho điều đó là hiện nay Windows 7 là một trong những phiên bản Windows phổ biến nhất.
WINDOWS 8 (2012) – là một sự thay đổi hoàn toàn về giao diện. Thanh menu Start bị loại bỏ và thay thế bởi giao diện Metro, với màn hình Start Screen. Windows 8 cùng Metro UI được thiết kế để thay thế kiểu trải nghiệm ứng dụng cũ, và Microsoft tập trung vào những máy tính có màn hình cảm ứng hay là tablet. Tuy nhiên Windows 8 có vẻ quá phức tạp với đa số người dùng máy tính PC, vì thế Microsoft phải suy nghĩ lại về tương lai của Windows.
WINDOWS 10 (2015) – Microsoft đã mang trở lại thanh menu Start và một giao diện “bớt xa lạ” hơn. Windows 10 được thiết kế dành cho những chiếc máy tính lai và máy tính bảng. Các ứng dụng mới như Cortana, Microsoft Edge và Xbox One cũng được chuyển sang PC.
30 năm là một cột mốc đáng nhớ và như các bạn thấy, Windows đã phải liên tục thay đổi để phù hợp hơn với xu thế, với sự phát triển của phần ứng hay là sự đòi hỏi từ người dùng. Chắc chắn là Windows sẽ còn gắn bó với chúng ta trong một thời gian dài nữa và Microsoft sẽ còn phải làm việc nhiều nữa nếu muốn giữ vững vị trí của mình.
Chúc mừng Windows tròn 30 tuổi!
Mời các bạn chia sẻ những suy nghĩ của mình về Windows, cũng như là những kỷ niệm đáng nhớ với hệ điều hành mà có lẽ ai cũng đã từng xài qua này.