Chưa đầy 5 tháng nữa, Microsoft sẽ chính thức ngừng phát hành bản vá miễn phí cho Windows 7. Nhưng hàng triệu máy tính trên thị trường vẫn còn đang sử dụng hệ điều hành này, bất chấp việc phải tiếp xúc với những lỗ hổng bảo mật nguy hiểm mà có thể sẽ không bao giờ được vá.
Nhiều năm nay, Microsoft đã khuyến cáo người dùng Windows 7 nâng cấp lên Windows 10 nhưng nhiều người dùng và doanh nghiệp nhỏ vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng cũ, không lưu tâm đến những cảnh báo về lỗ hổng bảo mật.
Những hệ thống này sẽ dễ trở thành mục tiêu cho tin tặc sau ngày 14/1/2020, khi Microsoft ngừng cung cấp bản cập nhật bảo mật miễn phí cho Windows 7. Theo Kaspersky, khoảng 47% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 38% người tiêu dùng và 38% công ty quy mô nhỏ vẫn còn sử dụng Windows 7.
Windows 7 là phiên bản Windows bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vụ tấn công WannaCry. Tháng 5/2017, mã độc này đã khóa khoảng 300.000 máy tính trên toàn cầu. Nếu không được tiếp tục cập nhật, trong tương lai Windows 7 sẽ dễ mắc những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, ví dụ lỗ hổng “wormable” BlueKeep vừa được tiết lộ gần đây cùng một số lỗi hệ thống nguy hiểm khác. Trong trường hợp của lỗ hổng BlueKeep, Microsoft đã cung cấp bản vá cho cả Windows XP (dù không còn hỗ trợ) để tránh nguy cơ bùng phát mã độc WannaCry khác.
Không chỉ có hệ thống máy tính của các doanh nghiệp và tổ chức quy mô nhỏ vẫn chạy Windows 7. Một số tập đoàn lớn, thậm chí cơ quan trực thuộc chính phủ cũng còn sử dụng hệ điều hành này.
Tháng trước Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh, một trong những cơ quan từng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi WannaCry, vừa thừa nhận họ có một triệu máy tính đang chạy Windows 7. Các doanh nghiệp lớn có thể chọn sử dụng hợp đồng mở rộng với giá ít nhất 25 USD/năm cho mỗi thiết bị sau tháng 1/2020, khi Microsoft ngừng hỗ trợ hệ điều hành này.
Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp và cá nhân chưa cập nhật. Có thể vì lý do kinh tế, hoặc bởi người dùng đã quen thuộc với nền tảng cũ và không cảm thấy thoải mái với hệ điều hành mới. Tuy nhiên, hệ điều hành cũ không còn được hỗ trợ vá lỗi sẽ có nguy cơ rủi ro an ninh mạng cao. Chi phí khắc phục sự cố chắc chắn sẽ nhiều hơn so với chi phí nâng cấp.
“Đây là lý do tại sao chúng tôi khuyên khách hàng nên chuyển sang các phiên bản hệ điều hành được hỗ trợ và cần sử dụng thêm công cụ bảo mật trong quá trình chuyển đổi”, Alexey Pankratov, Giám đốc Giải pháp Doanh nghiệp tại Kaspersky cho biết.
Theo ZDNet