20 năm trước, Winamp là tương lai của âm nhạc số. Nhưng giờ đây đó chỉ là ký ức xa vời.

Winamp - Cái chết của một tượng đài âm nhạc
Giao diện thân thuộc của Winamp những năm cuối thế kỷ 20. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Winamp (Windows Advanced Multimedia Products) ra đời ngày 21.4.1997, khi ý nghĩ về nghe nhạc trên máy tính vẫn ở dạng lý thuyết xa vời và hầu hết mọi người đều không hiểu “MP3” có nghĩa gì. Winamp không phải là ứng dụng chơi nhạc đầu tiên trên PC, nhưng là chương trình giúp người dùng tạo danh sách phát nhạc, đơn giản chỉ bằng thao tác kéo – thả bài nhạc vào playlist trên cửa sổ rồi bắt đầu tận hưởng.

Ứng dụng này kết hợp với mạng chia sẻ tập tin thuở ban đầu như Napster đã thay đổi cách người ta khám phá và nghe nhạc. Winamp dẫn đầu xu hướng đó, phát triển tới 90 triệu người dùng (con số khổng lồ ở thời điểm khi máy tính và internet còn xa lạ với phần đông dân số thế giới).

Chương trình có ưu điểm bộ cài nhẹ, có thể tùy chỉnh và biến việc nghe nhạc trở nên dễ dàng hơn bất cứ phần mềm nào trước đó. Winamp mau chóng trở thành hiện tượng, dù đứng sau đó chỉ là một đội 4 người phát triển. Cộng đồng cũng mau chóng thêm vào khả năng tùy biến như tiện ích phụ trợ, hệ thống giao diện tùy biến cho phép các nhà thiết kế, lập trình tùy chỉnh không giới hạn.

Winamp - Cái chết của một tượng đài âm nhạc
Bộ cài chương trình nằm gọn trong một chiếc đĩa mềm. ẢNH: HOWTOGEEK

Nhưng giờ đây, sau 21 năm, gần như chẳng thể tìm được ai sử dụng chương trình này để nghe nhạc trên máy, dù rằng ứng dụng chưa bị khai tử hoàn toàn.

Câu chuyện đầy mê hoặc của ứng dụng này bắt đầu xuống dốc khi dính vào các vụ mua lại, giống với nhiều doanh nghiệp công nghệ khác trong thập niên 90 của thế kỷ 20. Vào tháng 6.1999, AOL mua lại Nullsoft – công ty đứng sau Winamp – với giá 80 triệu USD. Đây là số tiền khổng lồ cho 4 thành viên phát triển lúc đó, nhưng AOL lại không thực sự biết cần phải làm gì với “thứ” mà họ vừa mua.

Lượng truy cập vào website của Winamp tăng cao, mang về doanh thu quảng cáo khổng lồ và hàng nghìn người đã trả 10 USD để mua phiên bản cao cấp của ứng dụng này. Nhưng đó chỉ là thắng lợi về mặt doanh thu.

AOL vẫn tiếp tục kiếm tiền bằng dịch vụ dial-up chẳng mấy ai quan tâm của mình. Và công ty này xác định những phần mềm như Winamp là cơ hội để quảng bá cho dịch vụ dial-up của họ. Việc cài đặt chương trình lúc này trở thành quá trình đăng ký tài khoản cho AOL và vì vậy, nhiều người dùng quyết định ngừng sử dụng Winamp.
Cyrus Farivar – cây viết cho Ars Technica thời điểm đó đã nói về sự sụt giảm người dùng của Winamp: “Những người sử dụng Winamp chủ yếu là người yêu thích âm nhạc, dân nghiền máy tính, người quan tâm tới birate bản nhạc MP3 mà họ nghe. Nói cách khác, thành phần này ‘dị ứng’ với cách làm của AOL”.

Và cuộc khủng hoảng chưa dừng lại ở đó

Năm 2001, Apple ra mắt iPod, một sản phẩm được chào đón và tạo ra làn sóng mới trên thị trường. Năm 2003, iTunes xuất hiện trên PC, đánh dấu tháng ngày tận diệt của Winamp. Tất cả những người mua iPod đều chuyển qua dùng iTunes để nghe nhạc. Chương trình này cần phải cài trên máy tính để tải nhạc vào iPod, trong khi rất nhiều người sở hữu sản phẩm này.

Nếu không mua iPod, người ta cũng dễ dàng nhận ra iTunes khá hấp dẫn. Chương trình có thể định dạng và xử lý nhạc từ đĩa CD chỉ với vài cú nhấp chuột, tính năng tìm kiếm khá nhanh chóng. Trong khi giao diện Winamp hơi lộn xộn thì iTunes lại sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, dễ dàng để sử dụng. Winamp được cấu thành bởi vài cửa sổ khác nhau trên màn hình, trong khi đối thủ chỉ có một.

Winamp - Cái chết của một tượng đài âm nhạc
Phiên bản mới nhất của Winamp ra đời từ 5 năm trước. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Winamp vẫn được nhiều người ưa tìm tòi sử dụng, nhưng iTunes lại hợp với đại đa số người dùng vốn chỉ cần chương trình đọc được bài hát từ CD và ngồi nghe. Bản thân Winamp cũng cố chống chọi qua khó khăn khi mang tới tính năng chuyển nhạc vào iPod (hỗ trợ không chính thức) nhưng như vậy là chưa đủ. Apple đã chiếm lĩnh thị trường phần mềm chơi nhạc và vận hành tới ngày nay (dù giờ đây iTunes cũng lộn xộn chẳng kém).

Lượng người dùng cơ sở của Winamp sụt giảm và AOL quyết định đóng hẳn dịch vụ này vào năm 2013. Nhưng kế hoạch thay đổi vào phút chót khi Radionomy mua lại Nullsoft. Lúc này, website của Winamp đăng thông báo sẽ sớm có phiên bản cập nhật được tung ra. Nhưng tới nay đã 5 năm từ thời điểm đó và người dùng vẫn chưa thấy kết quả.

Vậy những ai yêu mến ứng dụng trên còn có thể tải về và sử dụng ở thời điểm này? Câu trả lời là có, nhưng không hoàn toàn. Website chủ của Winamp đã không thay đổi gì từ 5 năm qua, khi người dùng chọn mục Tải về sẽ hiển thị thông tin dẫn sang một chủ đề tạo trên diễn đàn. Tại đây sẽ có hướng dẫn tới một địa chỉ được rút gọn, nơi người dùng có thể tìm thấy và tải phiên bản Winamp 5.666 về cho máy tính Windows. Phiên bản này ra đời từ năm 2013 nhưng vẫn còn hoạt động tới nay.

Chương trình đã khá “cao tuổi” nên khi thử nghiệm cài trên Windows 10, vấn đề đầu tiên sẽ xuất hiện: không tương thích với màn hình độ phân giải cao. Để khắc phục, người dùng cần thay đổi giao diện của ứng dụng và chọn lại tỷ lệ hiển thị. Nếu dùng giao diện cổ điển, hãy bấm tổ hợp phím tắt Ctrl + D để phóng kích thước cửa sổ lên gấp hai lần mặc định.

Phần mềm vẫn còn một số lỗi do đã lâu không có phiên bản cập nhật, giao diện người dùng trông cũ kỹ và nếu tăng kích thước hiển thị lên cho vừa với tỷ lệ, độ phân giải màn hình hiện nay sẽ thấy răng cưa rõ rét ở viền. Nhưng tính năng nghe nhạc thì vẫn tốt như thời những năm 2000 vậy.

Nguồn: Thanhnien

Góc quảng cáo