WhatsApp rất tiện lợi cho việc liên lạc giữa doanh nghiệp và người dùng, tuy nhiên tính năng này đang bị lợi dụng nghiêm trọng.

WhatsApp hiện đã có hơn 2 tỷ người dùng khắp thế giới, riêng Ấn Độ đã đạt 500 triệu người dùng chiếm một phần tư số tài khoản hiện tại. Meta đã cố gắng thương mại hóa dịch vụ tại quốc gia này, và các chiến dịch gần đây có vẻ như đã thành công. Thế nhưng đối với đối tượng khách hàng thì mọi chuyện có vẻ không được êm ả như vậy.

Nhiều người dùng đã liên tục bị nhận các tin rác trong suốt 2 tháng qua với số lượng tăng dần. Điều tệ nhất ở đây là người dùng luôn bị các doanh nghiệp mà họ chưa bao giờ liên lạc hoặc biết đến nhắn tin, làm dấy lên mối lo ngại về việc bị lộ thông tin cá nhân.

WhatsApp tại Ấn Độ tràn ngập tin nhắn rác

Mọi chuyện bắt đầu khi một khách hàng nhận được tin nhắn từ ngân hàng của mình, giới thiệu các dịch vụ trên WhatsApp như một phương thức liên lạc với khách hàng trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên ngay sau đó vị khách hàng đã liên tục phải nhận tin nhắn từ dịch vụ bảo hiểm, tư vấn cho vay mua nhà của ngân hàng. Điều đáng nói là các tin nhắn này đều đến từ những tài khoản lạ.

Vào tháng 12 năm 2022 và tháng 1 năm 2023, nhiều người đã lên tiếng than phiền khi họ liên tục nhận được tin nhắn của nhiều nhãn hàng bao gồm Myntra, Borosil, Eureka Forbes, P&G, M&S, Domino’s, Tanishq. Dù cho nhiều người nói rẳng họ chỉ mua một vài thứ từ các nhãn hàng trên trong vòng 12 tháng trở lại, họ đã liên tục nhận được tin nhắn từ các nhãn hàng này.

Điều này được nhiều người so sánh với các tin nhắn rác SMS. Tuy nhiên khác với SMS, thứ có thể được lọc ra với nhiều ứng dụng chặn tin nhắn rác khác nhau, các tin nhắn WhatsApp không thể bị lọc và người dùng phải chặn bằng tay rất mất thời gian và khó khăn. Nhưng theo Meta, việc các doanh nghiệp liên lạc với khách hàng hoàn toàn là lựa chọn của khách hàng. Trong một tuyên bố gửi tới TechCrunch năm ngoái, Meta viết:

“Nhắn tin là cách thức mới trong kinh doanh, tốt hơn cả e-mail và điện thoại. Luật của chúng tôi bắt buộc các doanh nghiệp phải thông báo trước khi họ có thể nhắn tin với khách hàng. Đồng thời chúng tôi cũng cung cấp cho khách hàng nhiều cách để chặn tin nhắn hoặc báo cáo khi có vấn đề.”

“Chúng tôi luôn làm việc với các doanh nghiệp để chắc chắn rằng các tin nhắc đều mang tính hỗ trợ, đồng thời giới hạn số tin nhắn có thể gửi trong ngày. Tuân thủ đúng các quy tắc này cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp và quan trọng hơn là khách hàng.”

WhatsApp tại Ấn Độ tràn ngập tin nhắn rác

Như vậy, rõ ràng nhiều nhãn hàng đã coi thường những chính sách này khi nhiều người cho biết họ không hề được tham khảo hoặc hỏi ý kiến về việc có muốn được liên lạc thông qua WhatsApp hay không.

Tồi tệ hơn, nhiều người dùng đã bắt đầu nhận phải những tin nhắn lừa đảo từ các nhãn hàng mà họ chưa hề dùng qua. Ví dụ như EaseMyTrip, dù cho nhiều người chỉ sử dụng MakeMyTrip để chuẩn bị cho chuyến đi của họ, vì lý do nào đó EaseMyTrip với cái tên gần giống đã liên tục liên lạc họ. Khi bị chặn, EaseMyTrip lại xuất hiện với số điện thoại khác, nhiều người cho biết đã chặn tới ba số điện thoại của EaseMyTrip.

Dù cho vấn đề về tin nhắn rác đã tăng đột biến trong vòng 2 tháng vừa qua, đây không phải là một hiện tượng mới. WhatsApp vẫn là một phần quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ tại Ấn Độ, tuy nhiên với bước đẩy mạnh về hướng tin nhắn doanh nghiệp thì Meta đã biến dịch vụ này trở thành một thứ phiền phức tại quốc gia đông dân này.

Cũng phải nói thêm, Google cũng đã phải đối mặt với tình trạng tương tự khi triển khai RCS tại Ấn Độ với hàng loạt các tin nhắn rác. Tuy nhiên Google đã nhanh tay giải quyết mọi việc khi ngưng ngay dịch vụ tin nhắn doanh nghiệp, điều mà Meta hiện vẫn chưa làm.

Theo Androidcentral

Góc quảng cáo