Sẽ rất bất ngờ nếu Facebook, LinkedIn hay Apple gặp khó khăn tại một thị trường địa phương nào đó. Nhưng ở Trung Quốc, những cản trở mà họ vấp phải đã không còn là điều gây ngạc nhiên nữa.

Các 'ông lớn' công nghệ Mỹ lại đụng 'bức tường' mới ở Trung Quốc
Ứng dụng WhatsApp của Facebook đã bị chính phủ Trung Quốc chặn vào cuối tháng 7.2017
ẢNH: REUTERS

Theo The New York Times, chỉ trong vài tuần qua những “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu đã phải trải qua một mùa hè đầy thách thức. Cụ thể, WhatsApp, một trong những ứng dụng phổ biến nhất của Facebook, đã bị chặn bởi chính phủ Trung Quốc vào tuần qua.

LinkedIn, mạng xã hội toàn cầu chuyên dành cho doanh nghiệp và các cá nhân có nhu cầu kết nối, tìm việc, đã lùi bước trước những kết quả tẻ nhạt thu được từ Đại lục. Và Apple cũng phải tung ra một khoản đầu tư trị giá hàng tỉ USD khi nhu cầu iPhone tại quốc gia châu Á sụt giảm.

Bị cám dỗ bởi thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới và tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có, sẵn sàng chi bộn tiền cho các sản phẩm công nghệ mới, nhiều công ty công nghệ Mỹ, từ Amazon cho đến Apple đều không ngần ngại nhảy vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài một số tên tuổi lâu năm như IBM và Intel, hiếm có hãng công nghệ nào có được sự hiện diện bền vững tại đất nước châu Á.

“Nhìn chung thị trường Trung Quốc rất khó khăn. Đây là nơi cạnh tranh khắc nghiệt nhất cho các dịch vụ và công nghệ tiêu dùng, thậm chí đối với cả các doanh nghiệp nội địa”, Andy Tian, nhà đồng sáng lập Asia Innovations Group tại Bắc Kinh, cho biết.

Suốt nhiều năm qua, các công ty công nghệ toàn cầu như Google, Twitter và Snapchat đã bị chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp kiểm duyệt. eBay thì bị đánh bại bởi Tập đoàn Alibaba. Còn Uber phải bán mảng kinh doanh tại Đại lục và giao chìa khóa kinh doanh cho đối thủ địa phương Didi Chuxing. “Đơn giản là các công ty công nghệ lớn không có hi vọng tại đây”, James McGregor, chủ tịch khu vực Trung Quốc của Công ty tư vấn APCO Worldwide, nói.

So với các nước khác trên thế giới, văn hóa internet của Trung Quốc có sự khác biệt rất lớn và đôi khi rất kỳ quặc. Yêu cầu kỹ thuật bộ lọc internet của nước này cũng có đặc trưng riêng gây khó khăn cho các hãng công nghệ bên ngoài. Đối với những công ty đã vượt qua tất cả những khó khăn cơ bản để bước chân vào đất nước đông dân nhất thế giới, thì họ cũng không tránh khỏi những “đòn” đối xử thô bạo không thể hiểu nổi của thị trường nội địa.

“Về cơ bản thị trường Trung Quốc giống như một cuộc chiến giữa một bên là những người đã được đào tạo bài bản để tham dự Olympic và một bên là các tay chơi đường phố. Trong khi vận động viên Olympic còn đang chờ còi xung trận thì các đối thủ đường phố đã nhảy vào và đánh gục họ chỉ với một cái khuỷu tay. Mọi thứ có thể hình dung như vậy, ở đó không có bất kỳ quy tắc nào cả”, ông Tian nói.

Trong số trường hợp những công ty công nghệ bị chèn ép tại Đại lục, có lẽ Facebook là đơn vị vấp phải nhiều khó khăn hơn cả. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đã bị chặn vào năm 2009, ngay sau khi bạo loạn sắc tộc xảy ra ở miền tây nước này. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg buộc phải thực hiện nhiều phương cách nhằm cố gắng trở lại thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, Mark đã nói tiếng Quan Thoại tại một diễn đàn công cộng lớn, thậm chí còn ăn tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến thăm tới Mỹ. Song, sau tất cả nỗ lực đó, tuần trước ứng dụng WhatsApp của Facebook đã bị Bắc Kinh thẳng tay chặn cửa. Hiện chưa rõ liệu WhatsApp có bị chặn hoàn toàn hay không, nhưng đến nay người dùng nước này vẫn không thể gửi tin nhắn, hình ảnh hay gọi điện qua WhatsApp.

Mặc dù vị trí của Apple có vẻ vững vàng hơn Facebook khi đã xây dựng được một doanh nghiệp bán lẻ tại Trung Quốc, nhưng hãng công nghệ giá trị nhất thế giới cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ luật pháp. Chỉ một tuần trước khi WhatsApp bị gián đoạn, Apple cho biết để đảm bảo luật pháp, hãng sẽ làm việc với một công ty địa phương nhằm thành lập một trung tâm dữ liệu lớn ở phía tây nam Đại lục như một phần trong khoản đầu tư mới nhất trị giá 1 tỉ USD.

Được biết, Apple gần đây đã bổ nhiệm bà Isabel Ge Mahe vào vị trí tổng giám đốc Apple ở Trung Quốc vì bên cạnh kinh nghiệm chuyên sâu về kỹ thuật, bà Isabel đã sinh ra ở nước này và nói tiếng Quan Thoại.

Tuy nhiên, làm Bắc Kinh hài lòng chỉ là một phần trong hàng trăm thách thức của Apple. Doanh thu của Apple tại nền thương mại lớn nhất thế giới đã giảm liên tục trong hai năm qua trước sức cạnh tranh ngày càng tăng của các nhà sản xuất điện thoại thông minh nội địa, với các sản phẩm chất lượng cao, chi phí thấp.

Có lẽ nếu tiếp tục chọn tiến lên phía trước, sẵn sàng chấp nhận một loại thành công khiêm tốn ở thị trường Trung Quốc, thì những cái tên nổi bật của Thung lũng Silicon sẽ còn phải nỗ lực và chịu đựng rất nhiều trên chặng đường dài đầy gian nan.

Nguồn: Thanhnien

Góc quảng cáo