Tòa án Tối cao Mỹ vừa đồng ý tiếp nhận vụ kiện bản quyền tỷ USD kéo dài gần 10 năm giữa hai hãng công nghệ Google và Oracle.

Vụ kiện bắt đầu từ năm 2010, Oracle tố cáo Google vi phạm bản quyền hai bằng sáng chế và 37 giao diện lập trình ứng dụng (API) Java của công ty. Google đã bác bỏ cáo buộc này, hãng nói theo luật Sử dụng hợp pháp (Fair Use), công ty không cần phải có giấy phép khi sử dụng phần mềm nguồn mở. Cuối cùng, tòa án kết luận các API của Oracle không có bản quyền, nhưng có một số chức năng và tập tin bảo mật đã vi phạm quy tắc bản quyền.

Năm 2017 vụ kiện được đưa lên Tòa án phúc thẩm của Liên bang Hoa Kỳ. Năm 2018, Tòa tuyên bố việc Google sử dụng phần mềm Java của Oracle đã “vượt quá giới hạn sử dụng hợp pháp”. “Gã khổng lồ tìm kiếm” có thể phải trả cho Oracle mức tiền phạt lên đến 8,8 tỷ USD. Điều này một lần nữa lật ngược phán quyết ban hành năm 2016. Google đã đệ trình một bản kiến ​​nghị lên Tòa án Tối cao vào đầu năm nay. Và hôm qua cơ quan này đã đồng ý tiếp nhận đơn kháng cáo của Google chống lại quyết định của Tòa án Liên bang năm ngoái theo hướng có lợi cho Oracle.

Vụ kiện bản quyền giữa Google và Oracle vẫn chưa có hồi kết

Có hai vấn đề chính trong vụ tranh chấp giữa Google và Oracle. Điều thứ nhất, ngay từ đầu các API có bản quyền hay không. Với các giao diện phần mềm đã đăng ký bản quyền, việc chỉ sao chép phần cấu trúc thiết kế, không phải phần mã, theo luật là hoàn toàn hợp pháp. Điều này đã được quy định rõ ràng trong luật Sử dụng Hợp pháp.

Các nhà phát triển thường sử dụng giao diện tương tự trên các hệ điều hành khác nhau để tạo ra ứng dụng trên một hệ thống, sau đó biên dịch chúng sang nền tảng khác. Nếu tòa án quyết định các giao diện phần mềm hoàn toàn có bản quyền thì có lẽ rất nhiều lập trình viên sẽ thực sự khốn đốn.

Vấn đề thứ hai là liệu một mã code mới bản chất tương tự giao diện lập trình ứng dụng có bản quyền thì có được phép sử dụng những API đó một cách hợp pháp hay không. Google lập luận là có, trong khi Oracle nói không.

Cuộc chiến giữa hai hãng công nghệ này đã dẫn đến sự chia rẽ giữa giới công nghệ và chính quyền. Microsoft và Mozilla nghĩ quyết định của Tòa án Circuit Court sẽ gây tổn hại cho ngành công nghệ, nhưng chính phủ Mỹ lại cho rằng hành động của Google nếu được những công ty khác bắt chước sẽ gây tổn hại cho chủ sở hữu bản quyền trí tuệ.

Góc quảng cáo