Sau khi Mỹ áp đặt mức thuế mới lên Trung Quốc, các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang gấp rút tìm kiếm nơi để đặt dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, một số nước đầy triển vọng như Việt Nam lại không thể đáp ứng được yêu cầu.

WSJ: Việt Nam chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu

Căng thẳng leo thang trong cuộc chiến Mỹ – Trung sẽ là cơ hội để Việt Nam tỏa sáng. Nếu không phải bây giờ thì sẽ còn nhiều năm nữa quốc gia Đông Nam Á này và một số nơi triển vọng khác mới có cơ hội thay thế Trung Quốc, trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới.

Các chuỗi cung ứng chuyên biệt đã biến Trung Quốc thành cường quốc sản xuất điện thoại và nhiều thiết bị khác như thang nhôm, máy bơm công nghiệp. Những mặt hàng này lại không được chọn sản xuất ở Việt Nam vì thiếu cơ sở hạ tầng, vận chuyển khó khăn do ít đường sắt, cầu cảng tắc nghẽn khiến chi phí vận chuyển đắt đỏ. Các nhà máy có chứng nhận an toàn đạt tiêu chuẩn Mỹ và máy móc chuyên dụng vốn không dễ tìm thấy ở đây.

Việt Nam với dân số chưa bằng một phần mười của Trung Quốc, lại đang rơi vào tình trạng thiếu lao động khi các nhà sản xuất trên toàn cầu đổ xô tìm đến thiết lập nhà máy nhằm tránh thuế quan của Mỹ. Trong khi đó, theo Wing Xu – Giám đốc Tập đoàn Omnidex chuyên sản xuất máy bơm cho công ty cung ứng thiết bị công nghiệp McLanahan Corp có trụ sở tại Pennsylvania (Mỹ) – Trung Quốc đã có khởi đầu 15 năm, hiện nay những doanh nghiệp tại nước này đã có thể sản xuất mọi thứ theo nhu cầu và đúng tiến độ.

WSJ: Việt Nam chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu

Omnidex đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Trong số hơn 80 bộ phận của máy bơm công nghệ, nhà máy ở Việt Nam đến hiện tại chỉ có thể sản xuất được 20 phần. “Bạn không thể chuyển công ty đến Việt Nam và nghĩ rằng ở đó có mọi thứ bạn đang tìm kiếm”, Xu nói.

Các doanh nghiệp Mỹ đang lo lắng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ tiếp tục kéo dài, tuy nhiên rất ít công ty muốn rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn, dù họ vẫn đang ráo riết tìm giải pháp đa dạng hóa phạm vi sản xuất. Nhiều hãng đang tìm cách chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang các nước Đông Nam Á hoặc một số khu vực khác có nhân công rẻ. Họ muốn phân hóa dây chuyền theo chiến lược “China+1”, nghĩa là sản xuất tại Trung Quốc cho chính thị trường Trung Quốc và những quốc gia khác ngoài Mỹ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn đang đàm phán để các đối tác tại Trung Quốc tự chuyển dây chuyền hoạt động ra khỏi thị trường bản địa.

Điều này sẽ dẫn đến quan cảnh sản xuất toàn cầu mới đang bắt đầu hình thành. Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sẽ bị phân chia giữa các nước đang phát triển, một phần trong quy trình sản xuất sẽ được tự động hóa ở Mỹ. Sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng khiến Trung Quốc mất một phần trong chiếc bánh “trung tâm sản xuất” của thế giới.

WSJ: Việt Nam chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu

Tất nhiên, việc xây dựng các cụm sản xuất công nghiệp mới sẽ không xảy ra trong một đêm. Việt Nam cung cấp lao động giá rẻ, nhưng dân số 100 triệu dân vẫn quá nhỏ so với Trung Quốc. Mặt khác, hệ thống cầu đường, giao thông của Việt Nam đang tắc nghẽn và chưa được mở rộng. Ấn Độ có nhân lực, nhưng trình độ kỹ năng lại không tốt và các quy định của chính phủ còn hạn chế. Câu hỏi đặt ra giữa thời điểm hiện tại là ‘doanh nghiệp sẽ đi về đâu’ hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Nhiều công ty đang lựa chọn thành lập nhà máy ở một số quốc gia khác để tăng công suất và phục vụ cho thị trường Mỹ nhưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất tại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu cho những khu vực khác, ít nhất là trong một thập kỷ tới. Trong hơn 20 năm qua, Bắc Kinh đã thành lập và phát triển mạnh các mô hình cụm công nghiệp lớn với những nhà cung cấp gần nhau, hỗ trợ sản xuất nhanh, hiệu quả, ít tốn kém. Hiện tại, khi các hoạt động bị phân mảnh, họ đang đe dọa sẽ tăng giá, kéo dài thời gian giao hàng, khiến doanh nghiệp Mỹ phải chịu nhiều thuế và chi phí nhân công hơn.

Sự chuyển dịch này là cơ hội mà Việt Nam đang chờ đợi. Quy trình sản xuất giày thể thao và áo khoác chuyên dụng đã được chuyển về đây từ nhiều năm trước, khi lương nhân công Trung Quốc đang ngày càng tăng. Tập đoàn Samsung Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng quy trình sản xuất tại Việt Nam. Chính phủ đang mong muốn mở rộng ngành công nghiệp điện tử và kỹ thuật vì giá trị dây chuyền cao.

Nhiều doanh nghiệp đã khởi động đầu tư vào Việt Nam từ năm ngoái với một loạt sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, những công ty đã quen với hoạt động tại Trung Quốc cho biết họ phải vật lộn để thích nghi ở Việt Nam vì không có sẵn giải pháp. Một vấn đề nữa là thị trường Việt Nam đang thiếu công nhân, khiến nhiều doanh nghiệp bị chậm tiến độ vì không đủ nhân công. Một số công ty đang chọn phương pháp thuê lại nhà máy để hoạt động, thay vì hợp đồng với doanh nghiệp trong nước.

Việc mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp đến Việt Nam đã có từ lâu. Giữa những năm 1990, Nike đã bắt đầu đặt hàng với các nhà máy tại đây. Khi lương nhân công tăng lên, nhiều đơn đặt hàng quần áo, đồ chơi, giày dép… đã được chuyển sang các nước như Bangladesh, Myanmar và Việt Nam để tiết kiệm chi phí.

WSJ: Việt Nam chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu

Tập đoàn Canon Nhật Bản bắt đầu sản xuất máy in ở miền Bắc từ năm 2012. Nhưng dây chuyền sản xuất máy in, máy ảnh rất lớn và nghiêm ngặt. Trong số 175 nhà cung cấp của Canon tại Việt Nam chỉ có 20 công ty bản địa, chủ yếu sản xuất bộ phận nhựa và bao bì. Những thành phần quan trọng còn lại chủ yếu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Tốc độ sản xuất tại Việt Nam chỉ bắt đầu tăng tốc từ năm ngoái, khi các doanh nghiệp bắt đầu đánh giá lại tiềm năng phát triển tại đây.

ChinaSavvy là một doanh nghiệp Trung Quốc chuyên nhận đơn hàng sản xuất kim loại phức hợp của các nước phương Tây từ đầu những năm 2000. Sau đó, công ty này sẽ làm việc với một số nhà máy nội địa để sản xuất với “giá Trung Quốc”. Cuối năm 2018, sau khi Mỹ áp mức thuế mới, nhiều khách hàng của ChinaSavvy đã bắt đầu đặt vấn đề mong muốn công ty chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh thuế.

Christopher Devereux – chủ công ty ChinaSavvy – đã đến Việt Nam kiểm tra hàng chục nhà máy và tiến hành đổi tên thương hiệu thành Omnidex để hợp thức hóa hồ sơ quốc tế. Sau khi quyết định dời quy trình sản xuất máy bơm cho tập đoàn McLanahan ở Pennsylvania (Mỹ) sang Việt Nam, ông cho biết hoạt động tại đây gặp rất nhiều khó khăn. Ông phải đi nhiều nơi để thử nghiệm quy trình chế tạo, không có nhiều xưởng đúc đáp ứng được nhu cầu của ông, cũng không có chuyên gia kiểm soát chất lượng đủ chuyên môn. Kỹ sư Trung Quốc phải liên tục đi về giữa hai nước để kiểm tra chất lượng mẫu. Mặt khác, việc sản xuất các bộ phận lớn hơn của máy bơm không thể chuyển khỏi Trung Quốc khiến thiết bị được sản xuất ở hai nước và không thể hoàn toàn thoát thuế quan Mỹ.

WSJ: Việt Nam chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu

Nhiều doanh nghiệp đã quen với việc có thể mua mọi thứ ở Trung Quốc, khi chuyển sang thị trường khác họ phải “vật lộn” để thích nghi. Theo thời gian, các nhà máy ở quốc gia tỷ dân đã tạo ra mô hình tinh chỉnh riêng và mạng lưới cung ứng phát triển tốt, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp.

Muốn chuyển quy trình sang Việt Nam, doanh nghiệp phải nghiên cứu xây dựng lại toàn bộ dây chuyền từ đầu, xác định với nhà máy ở Trung Quốc xem những bộ phận nào phía Việt Nam không có khả năng sản xuất. Sau đó đàm phán về các tiêu chuẩn chất lượng, tính tương thích và giá cả. Toàn bộ quá trình này tốn rất nhiều chi phí và nhân lực mà không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng thực hiện. Chưa kể đến những rủi ro sau đó nếu dây chuyền không thể hoạt động vì bất kỳ lý do nào.

Theo Wall Street Journal

Góc quảng cáo