Nếu tính về thời gian thì thảm hoạ Galaxy Note7 chưa quá xa. Tuy nhiên với kết quả kinh doanh quý IV/2016 vừa được Samsung Electronics công bố, thì hãng này đã có bước vượt qua thảm hoạ Note7 một cách khả quan bằng mức tăng 50% lợi nhuận quý so với cùng kì, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Theo báo cáo của Samsung Electronics, lợi nhuận quý IV/2016 tăng mạnh nhờ mảng chip nhớ – tăng đến 77% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên chi tiết đáng lưu ý nhất có lẽ lại là ngay trong mảng di động khi đạt tăng trưởng lợi nhuận 12%. Đây là con số không chỉ bất ngờ đối với giới chuyên môn nói riêng mà cũng gây ngạc nhiên đối với những SamFan nói chung, chính vì thế mà giá cổ phiếu Samsung những ngày qua đã tăng trở lại trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc.

Vì sao các đối thủ chưa quật ngã được Samsung?
Bảng doanh thu của mỗi ngành hàng bao gồm doanh thu liên phân khúc. Trong đó: CE (Consumer Electronics – Điện tử tiêu dùng), IM (IT & Mobile Communications – IT và truyền thông di động), DS (Device Solutions – Thiết bị giải pháp), DP (Display Panel – màn hình hiển thị). Thông tin thu nhập hàng năm được thống kê dựa trên các mảng kinh doanh năm 2016.

Cách đây chưa lâu chính người viết bài này đã có bài “Hạt bụi nào hoá kiếp Note 7…” với kì vọng những tính năng công nghệ mới, đột phá của mẫu smartphone tiên phong nhưng yểu mệnh là Galaxy Note7 sẽ được dần đưa vào các sản phẩm ra đời về sau của Samsung. Và đã có thể thấy sau đó, những công nghệ như bút S-Pen của Note7, hay tiêu chuẩn kháng nước kháng bụi IP68…, đã dần được đưa vào các mẫu máy tính bảng hay smartphone Galaxy tầm trung của Samsung. Riêng tính năng bảo mật mống mắt, theo lời đồn đoán cho rằng sẽ được “hoá kiếp” vào mẫu Galaxy S8 trong thời gian tới.

Không quá khó để thấy được rằng, Samsung đã bước qua thảm hoạ của Galaxy Note7 không chỉ bằng các chiến dịch xử lí khủng hoảng thương hiệu trên mặt trận truyền thông, mà họ còn lấp đầy khoảng trống Note7 để lại bằng việc làm mới lại mẫu Galaxy S7 và S7 edge với những chiếc “áo mới” như Xanh coral hay Đen bóng trong thời điểm quý IV/2016 và tháng 1/2017. Việc làm mới từ “chiếc áo” cùng với truyền thông quảng bá đã giúp cho Galaxy S7/S7 edge được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, cho dù nó đã được chính thức lên kệ gần một năm trước đó.

Vì sao các đối thủ chưa quật ngã được Samsung?

Nhưng cũng phải nói rằng Samsung cũng đã ít nhiều gặp “may”, là iPhone 7/7 Plus đã không làm được điều người ta dự đoán là tạo nên trận “cuồng phong” công nghệ mới kéo đổ hoàn toàn Samsung ở phân khúc flagship. iPhone 7/7 Plus dù được đánh giá cao nhưng mức giá cũng quá cao, đã phải cắt giảm sản lượng 10% như thời 6s/6s Plus. Bên cạnh đó, ngoài iPhone thế hệ 7 thì trên thị trường toàn cầu cũng không có những mẫu flagship nào đủ sức mạnh thương hiệu khiến cho Samsung phải chật vật hơn. Trong năm 2016 làng smartphone thế giới chứng kiến sự lớn mạnh của các thương hiệu Trung Quốc như Huawei, OPPO, Vivo, nhưng những hãng này chỉ lấy đi được thị phần của các đối thủ tầm trung khác chứ chưa làm suy suyển được vị thế số 1 của Samsung.

Nếu nhìn từ thị trường Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ hơn là, ngoài phân khúc cao cấp thì ở phân khúc tầm trung và cận cao cấp thì Samsung có dải sản phẩm đủ rộng để cạnh tranh và đáp ứng các chọn lựa đa dạng của người tiêu dùng. Đây cũng là điểm mạnh chính yếu mà các thương hiệu Trung Quốc đang nổi lên chưa thể làm được.

Đơn cử tại thị trường Việt Nam, ở “đấu trường đẫm máu” tầm trung trên dưới 6 triệu đồng Samsung đầu tư mạnh mẽ khâu bán hàng cho Galaxy J7 Prime để đấu lại với OPPO F1s, Huawei GR5 2017, Vivo V5…, nhưng ngoài “vũ khí chiến lược” các thương hiệu còn lại hầu như còn rất ít các sản phẩm rải đều ở các tầm giá khác ngoại trừ OPPO có 2-3 mẫu, trong khi Samsung thì hết tung dòng A đến dòng J, On… lên đến hàng chục mẫu ken dày các phân khúc. Nhờ đó, nếu doanh số phân khúc flagship có suy giảm thì ở các phân khúc khác cũng đủ để cứu vãn tình hình.

Vì sao các đối thủ chưa quật ngã được Samsung?
Ảnh: Đức Trung (tinhte.vn)

Câu cửa miệng “trong nguy có cơ” hay lúc gặp nguy khốn thì ý chí, sự mạnh mẽ vươn lên càng gắn kết bộ máy hơn. Trong một bài phân tích trước đây về thảm hoạ Note7 cũng đăng tải trên VnReview tôi đã nhận định rằng: Note7 làm khó Samsung nhưng khó quật ngã được Samsung vì hãng này đang có một nền tảng vững vàng về tài chính, thương hiệu, công nghệ và thị trường.

Và theo tôi, trong thảm hoạ Note 7 mà “táo khuyết” không làm khó được nhiều đối với Samsung thì trong thời gian tới, với sự bảo thủ cố hữu, Apple càng khó quật ngã được hãng điện thoại xứ kim chi. Thậm chí ngược lại, sắp tới một khi Galaxy S8 ra mắt, có thể iPhone 7/7 Plus và các mẫu flagship của những đối thủ khác sẽ phải gặp khó.

Trong thế tương quan cạnh tranh trên thị trường hiện nay, các thương hiệu smartphone Trung Quốc đang lên nếu bành trướng được thanh thế thì trước tiên có lẽ lấy đi thị phần của các hãng tầm trung như HTC, Sony, LG.v.v… trước khi đủ lực để đấu với Samsung. Huawei đã tuyên bố sẽ giành lấy vị trí của Samsung, Apple nhưng đó là mục tiêu còn việc thực hiện được tới đâu sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó cốt lõi nhất là thế và lực.

Bài học Note7 đã khiến Samsung phải đầu tư cả một trung tâm thí nghiệm pin tại Gumi (Hàn Quốc) với 8 bước kiểm tra an toàn pin. Bài học này cũng chắc chắn sẽ khiến Galaxy S8 ra mắt với sự thận trọng, chuẩn bị kĩ càng và mạnh mẽ hơn.

Thẩm Hồng Thụy

Nguồn: Vnreview

Góc quảng cáo