Các nhà nghiên cứu của Google vừa tuyên bố đạt được “uy thế lượng tử” (Quantum Supremacy) lần đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, ở hiện tại thành tựu này chưa có nhiều ý nghĩa thực tiễn.

"Uy thế lượng tử" của Google có ý nghĩa thực tiễn như thế nào?

Cụ thể, Google cho biết máy tính lượng tử 53 bit của hãng có tên Sycamore chỉ mất 200 giây để thực hiện một phép tính mà Summit – siêu máy tính mạnh nhất thế giới – phải mất 10.000 năm mới giải xong.

Đây được xem là thành công rất lớn của Google trên cuộc đua giành vị trí dẫn đầu trong ngành khoa học lượng tử. Theo CEO Google, Sundar Pichai, điện toán lượng tử cũng quan trọng với công ty tương đương trí tuệ nhân tạo.

Trên thực tế, hệ thống máy tính lượng tử của Google chưa thể sử dụng ở thời điểm hiện tại mà chỉ tạo ra các con số ngẫu nhiên để chứng minh Sycamore thực sự hoạt động tốt hơn so với Summit. Các nhà nghiên cứu hy vọng hệ thống này sẽ trở nên hữu ích trong nhiều năm nữa. Khi không còn bị rào cản về mặt kỹ thuật thì máy tính lượng tử sẽ vượt xa những thiết bị máy tính cổ điển.

Tuy nhiên, tuyên bố của hãng đã gây ra nhiều tranh cãi. IBM, đối thủ của Google, phủ nhận thành công này. Đại diện IBM nói “gã khổng lồ tìm kiếm” đang phóng đại và cường điệu hóa thành tựu của mình.

IBM cho biết siêu máy tính Oak Ridge có thể giải quyết những vấn đề ngẫu nhiên trong 2,5 ngày hoặc ít hơn, tùy thuộc vào cách lập trình hệ thống. Họ lập luận rằng “uy thế lượng tử” của Google đòi hỏi phải có hệ thống máy tính lượng tử để giải quyết vấn đề, trong khi đó máy tính cổ điển cũng có thể xử lý được bài toán đó.

Máy tính tiêu chuẩn và máy tính lượng tử là hoàn toàn khác nhau. Trong khi máy tính tiêu chuẩn thực hiện các phép tính với “bit” 0 hoặc 1, thì máy tính lượng tử sử dụng “qubit”, lấy giá trị bất kỳ từ 0 đến 1. Trên thực tế, tạo ra hệ thống máy tính lượng tử đủ ổn định đã là một kỳ tích. Công nghệ này tuy rất phức tạp, nhưng lại có thể ứng dụng để khám phá ra nhiều giải pháp cho một vấn đề.

Khi được hỏi tại sao lại dành hơn 13 năm để nghiên cứu “uy thế lượng tử” mà có thể phải mất hàng thập kỷ nữa mới được ứng dụng vào thực tế, CEO Sundar Pichai cho biết: “Cần xây dựng một máy tính lượng tử có khả năng hoạt động với nhiều qubit hơn để khái quát hóa hệ thống, chạy các thuật toán phức tạp hơn trong thời gian dài. Thật ra trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần sự đột phá. Tương tự như năm xưa anh em nhà Wright phát minh ra máy bay. Vào thời điểm đó, chiếc máy bay đầu tiên chỉ bay trong 12 giây, và không có ứng dụng thực tiễn nào cho phát minh đó. Không ai ngờ rằng về sau máy bay sẽ trở nên hiện đại như bây giờ”.

Khoa học lượng tử thu hút được nhiều sự quan tâm còn bởi vì vũ trụ hoạt động trên nền tảng này. Từ đó, con người có thể nghiên cứu và hiểu thêm về thiên nhiên. Pichai hy vọng bước đột phá của công ty trong tương lại có thể được ứng dụng giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống như tạo ra các loại thuốc mới, thiết kế pin hiệu quả, sản xuất phân bón ít năng lượng hơn…

Kể từ khi xuất hiện các qubit thử nghiệm đầu tiên, nhiều hãng công nghệ đã chạy đua để đạt đến “uy thế lượng tử”. Cụm từ này do nhà vật lý học Mỹ John Preskill đặt ra để xác định bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử điện toán – khi máy tính lượng tử có thể bộc lộ hết tiềm năng thực sự, vượt qua các hệ thống máy tính thông thường.

Theo (1), (2)

Góc quảng cáo