Ajay Bhatt, trưởng nhóm phát minh ra USB, đã tiết lộ nguyên nhân khiến đầu cắm USB có hai mặt khác nhau là để tiết kiệm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra nhiều rắc rối cho người dùng trong quá trình sử dụng.

Vì sao USB truyền thống không thể đảo đầu cắm như USB-C?

Universal serial Bus (USB) ra đời cách đây hơn 20 năm và đến nay đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, chuyên kết nối tất cả các thiết bị ngoại vi với PC. Thế nhưng trong quá trình sử dụng, thỉnh thoảng người dùng sẽ khó chịu khi gặp phải trường hợp cắm nhầm mặt USB, phải thử lại 2 – 3 lần mới chính xác.

Ajay Bhatt cho biết chính bản thân mình cũng cảm thấy khó chịu khi cắm sai mặt USB, tuy nhiên ông khẳng định thiết kế này không hề nhầm lẫn mà để tiết kiệm chi phí cho sản phẩm. Thực tế, tại thời điểm đó nếu tạo ra một USB có hai mặt giống nhau sẽ cần gấp đôi dây và mạch, khiến chi phí sản xuất cũng tăng theo. Bhatt nói rằng ông lường trước được sự bất tiện này nên đã đổi thiết kế đầu cắm thành hình chữ nhật để dễ sử dụng hơn so với đầu tròn.

Thay vì tăng thêm chi phí, nhóm của Bhatt chọn chiến lược giá rẻ và đã thành công nhờ thuyết phục được tất cả các hãng máy tính lớn trên thế giới chấp nhận mô hình này. “Chúng tôi đã mất nhiều thời gian chứng minh công nghệ này không thể thiếu”, Bhatt nói.

Năm 1998, Steve Jobs đã phát hành iMac đầu tiên có cổng USB. Ngày nay, USB đã trở thành tiêu chuẩn công nghiệp. USB-C ra đời năm năm trước với nhiều cải tiến như khả năng cung cấp năng lượng lớn, truyền dữ liệu nhanh, linh hoạt với hai mặt giống nhau, dễ sử dụng và khắc phục được sự bất tiện của phiên bản cũ.

Nói về ý tưởng của USB, Bhatt cho biết ông lấy cảm hứng từ trải nghiệm bản thân. Trước đó, mỗi khi cần kết nối với một thiết bị mới, người dùng phải sử dụng nhiều dây và nhiều cổng khác nhau, phức tạp và không thân thiện.

Theo: NPR

Góc quảng cáo