Xem nhanh
- Sai lầm 1: “Tôi không có khiếu sáng tạo”
- Sai lầm 2: “Tôi đang chờ cảm hứng sáng tạo đến với mình”
- Sai lầm 3: “Làm việc một mình, tôi vẫn sáng tạo được”
- Sai lầm 4: “Chỉ với phương pháp này, tôi mới sáng tạo được”
- Sai lầm 5: “Tôi làm việc tốt nhất khi chịu áp lực cao”
- Sai lầm 6: “Tôi nhất định phải theo đuổi ý tưởng này”
Chúng ta cùng nghiệm xem mình có những tư duy sai lầm trong công việc sáng tạo như bài viết đề cập không nhé!
Sai lầm 1: “Tôi không có khiếu sáng tạo”
Thực tế: Trong bất cứ ngành nghề nào, không chỉ riêng lĩnh vực sáng tạo, khi bạn cho rằng mình không thể làm được việc gì đó, tức là bạn đã cho phép bản thân không cần cố gắng theo đuổi các giá trị ấy nữa. Nhưng chỉ cần bạn suy nghĩ tích cực hơn về khả năng của mình, chịu thay đổi và mong cầu sự hoàn thiện chính là bạn đang tạo cơ hội thành công cho mình.
Hãy tập thay đổi câu chuyện bạn đang nói với chính mình. Nếu vẫn chưa có lòng tin, bạn nên tìm đến những người đã thành công trong lĩnh vực của bạn và nghe câu chuyện của họ, bạn sẽ thấy những người thành công trong công việc đều sở hữu tính cách cởi mở, ham học hỏi, sẵn sàng đổi mới cách làm việc và ít nghĩ đến tiêu cực, thất bại hay bỏ cuộc.
Sai lầm 2: “Tôi đang chờ cảm hứng sáng tạo đến với mình”
Thực tế: Cảm hứng sáng tạo chỉ đến khi bạn chủ động tìm đến nó. Khi bạn giành thời gian suy nghĩ đến các bản thảo hàng giờ, tìm hiểu và thực hiện bản thảo ở nhiều góc độ khác nhau sẽ giúp bạn hiểu vấn đề hơn, sự sáng tạo cũng được dẫn dắt tốt hơn từ những ý tưởng. Do đó, hãy bắt tay ngay vào hành động, thay vì chỉ ngồi “há miệng chờ sung”, chờ cảm hứng, chờ ý tưởng đến với bạn.
Sai lầm 3: “Làm việc một mình, tôi vẫn sáng tạo được”
Thực tế: Bạn đã từng ngồi lì trong phòng làm việc cả ngày nhưng vẫn bí ý tưởng? Những lúc như vậy là lúc bạn nên tìm đến bạn bè, đồng nghiệp để tham khảo ý kiến của họ. Một vấn đề phức tạp đòi hỏi góc nhìn đa chiều; và một ý tưởng xuất sắc đòi hỏi sự đóng góp đánh giá của tập thể.
Sai lầm 4: “Chỉ với phương pháp này, tôi mới sáng tạo được”
Thực tế: Bạn đã bao giờ nghĩ rằng mình nên phá bỏ giới hạn, thử những điều mới và khám phá những góc khác trong tư duy của mình chưa?
Thông thường mỗi người có cách tìm cảm hứng của riêng mình. Ví dụ vẽ sơ đồ tư duy, dùng bảng biểu số liệu, sưu tập các hình ảnh,… Nhưng nếu bạn có những phương pháp làm việc linh hoạt, chắc chắn bạn sẽ có sự chủ động hơn là tự gò ép mình vào lối mòn.
Sai lầm 5: “Tôi làm việc tốt nhất khi chịu áp lực cao”
Thực tế: Hãy cẩn thận vì bạn đang lẫn lộn động lực và áp lực đấy. Gần deadline là lúc bạn phải giải quyết các thứ thật nhanh với áp lực thời gian, nó khiến ta lặp lại lối mòn tư duy cũ thay vì tập trung cho phát kiến mới, hoặc không kịp kiểm tra các lỗi sai, kèm theo đó chắc chắn là stress.
Để giải quyết điều này, bạn cần tìm ra một động lực rõ ràng, thứ sẽ nhắc nhở lý do bạn chọn làm công việc này cũng như những giá trị bạn sẽ muốn mình tạo ra.
Sai lầm 6: “Tôi nhất định phải theo đuổi ý tưởng này”
Thực tế: Cơn ác mộng của người làm sáng tạo là khi những đứa con tinh thần của họ còn dang dở, họ bị mắc kẹt trong những suy nghĩ nửa vời và cố gắng bao nhiêu đi nữa thì vẫn không ưng ý. Hẳn rằng bạn từng có những ý tưởng thật đẹp đẽ, thật ấn tượng, nhưng để tạo ra một sản phẩm như trong tâm tưởng thì không đơn giản.
Thay vì cố gắng đi tới, bạn hãy chấp nhận lùi một bước hay thậm chí đi lại từ đầu. Trở lại từ những điều cơ bản có thể sẽ khiến mọi thứ đang rối bòng bong trở về đúng vị trí.