Tổng thống Donald Trump vẫn thường gọi điện cho những người bạn cũ, các đối tác kinh doanh hay thân tín của mình từ chiếc điện thoại iPhone trong khu vực Nhà Trắng. Điều này giúp tình báo Trung Quốc và Nga dễ dàng có được truy cập để nghe lén hội thoại cá nhân cũng như sở thích của ông.

Trung Quốc và Nga nghe lén điện thoại của ông Trump

Thông tin được New York Times đưa ra dựa trên báo cáo từ cơ quan tình báo Mỹ, đồng thời chỉ rõ lực lượng an ninh đã nhiều lần cảnh báo người đứng đầu quốc gia không sử dụng điện thoại iPhone cá nhân mà phải dùng đường thoại bảo mật riêng của Nhà Trắng.

Bất chấp các quy định và nhắc nhở, ông Trump vẫn thực hiện các cuộc điện thoại cá nhân từ máy riêng và tất cả những gì Nhà Trắng có thể làm là hy vọng vị Tổng thống của họ không thảo luận vấn đề tuyệt mật trong lúc không được đảm bảo an ninh.

Theo The Verge, tình báo Mỹ có đủ lý do để tin rằng đồng nghiệp của họ từ Trung Quốc, Nga thường xuyên nghe lén các cuộc gọi của ông Trump thông qua nhiều cách khác nhau. Mục đích nhằm tránh Tổng thống Mỹ tiếp tục leo thang trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Gián điệp nước này hy vọng bằng cách nghe lén có thể nắm bắt được thói quen, hành vi của lãnh đạo nước Mỹ, từ đó sử dụng những người thân cân của ông nhằm tạo ảnh hưởng tới các quyết sách.

Trong khi đó, gián điệp Nga có thể đang hoạt động cho những chiến dịch ít tinh vi hơn bởi mối quan hệ khá thân thiết giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Người đứng đầu Nhà Trắng đang sử dụng tới 3 chiếc iPhone, trong đó có 2 máy được Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) bảo vệ nhằm hạn chế tối đa khả năng bị nghe lén hoặc tấn công thông qua các lỗ hổng của thiết bị. Chiếc iPhone thứ 3 là một mẫu bình thường như mọi người vẫn dùng mỗi ngày và đây là thiết bị ông dùng để gọi cho người thân, quen biết cũ bởi đã lưu trữ danh bạ.

Việc nghe lén điện thoại được thực hiện đơn giản đối với các cơ quan tình báo Mỹ cũng như ngoại quốc bởi kết nối phải được truyền qua lại giữa các trạm tiếp sóng và vệ tinh. Việc ghi âm các cuộc điện đàm của lãnh đạo quốc tế được xem là một hình thức gián điệp hiệu quả cao hiện nay.

Cựu Tổng thống Barrack Obama – người tiền nhiệm của ông Trump – sử dụng những chiếc iPhone đã được chỉnh sửa để không thể thực hiện cuộc gọi hay chụp ảnh mà chỉ có thể nhận tin nhắn, email từ một địa chỉ đặc biệt thiết lập sẵn. Thiết bị này thậm chí không có microphone, trong khi tin nhắn bị cấm.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngừng sử dụng chiếc điện thoại Android kém bảo mật của mình, nhưng ông vẫn ít tuân thủ theo các tiêu chuẩn được đặt ra trước đó về thiết bị điện tử. Một điểm sáng hiếm hoi trong thói quen sử dụng máy của vị lãnh đạo này là không dùng tin nhắn văn bản hay email, giúp giảm phần nào nguy cơ từ các vụ tấn công do tin tặc và cơ quan tình báo nước ngoài thực hiện.

Theo The Verge

Góc quảng cáo