Nhiều nhà vận động nhân quyền đang e ngại những tiêu chuẩn nhận dạng khuôn mặt vừa được các doanh nghiệp Trung Quốc đề xuất sẽ trở thành mối nguy với tự do dân sự.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang tiếp tục phát triển rộng rãi, bất chấp những lo ngại về độ chính xác và cách mà các cơ quan nhà nước sử dụng để theo dõi công dân. Những mối lo càng tăng lên sau báo cáo của Financial Times cho thấy các tổ chức Trung Quốc đang có sức ảnh hưởng rất lớn trong việc định hình công nghệ và tiêu chuẩn nhận dạng khuôn mặt quốc tế.
Trong báo cáo có nêu chi tiết cách những doanh nghiệp Trung Quốc như ZTE, Dahua và China Telecom đề xuất tiêu chuẩn nhận dạng khuôn mặt cho Liên minh Viễn thông Quốc tế của Liên hợp quốc (ITU). Đây là cơ quan chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu trong ngành viễn thông.
Thông thường, các tiêu chuẩn do ITU đặt ra chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên nhiều nhà vận động nhân quyền cho biết những đề xuất được thảo luận trong trường hợp này giống với các chính sách khuyến nghị hơn. Tiêu chuẩn được đề xuất bao gồm từng khuyến cáo cho những trường hợp cụ thể, trong đó gợi ý công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể giúp cảnh sát theo dõi tội phạm, hỗ trợ người sử dụng lao động giám sát nhân viên và được những tổ chức nhà nước dùng để phát hiện các mục tiêu cụ thể trong đám đông.
Mối quan tâm hàng đầu hiện nay là những kỹ thuật này chủ yếu được áp dụng ở các nước đang phát triển, đặc biệt là một số nước ở châu Phi đang thiếu nguồn lực để triển khai tiêu chuẩn riêng. Đây cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc trở thành quốc gia nắm nhiều quyền lực kiểm soát thị phần công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Ví dụ: tháng 6 vừa qua, ITU đã thông qua tiêu chuẩn đèn đường thông minh do ZTE và China Mobile đề xuất. Công nghệ này mô tả thiết kế đèn đường thông minh của ZTE, có thêm tùy chọn tích hợp camera giám sát vào các cột đèn. Một công nghệ tương tự đã được áp dụng ở Hồng Kông để theo dõi và chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Hiện nay Trung Quốc là cường quốc trên thế giới về nhận diện khuôn mặt. Cơ quan thực thi phát luật Bắc Kinh đang áp dụng công nghệ này để giám sát công dân và theo dõi những dự án cấp nhà nước.
Từ lâu, các tổ chức nhân quyền đã lên án hành động của Trung Quốc là vi phạm quyền tự do dân sự. Tháng 10 vừa qua, Mỹ vừa thêm 28 tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó có 8 tập đoàn công nghệ chuyên về camera giám sát, trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhân dạng khuôn mặt. Động thái này nhằm trừng phạt Bắc Kinh vì có hành động ngược đãi các dân tộc thiểu số.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các công ty trong danh sách đen có liên quan đến vi phạm nhân quyền. Công nghệ của những doanh nghiệp này được chính quyền Bắc Kinh sử dụng để thực hiện chiến dịch đàn áp, giám sát, giam giữ hàng loạt và chống lại người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và một số nhóm thiểu số Hồi giáo.