Xem nhanh
Với vai trò công xưởng của thế giới, Trung Quốc đã làm thay đổi những quan niệm truyền thống về sở hữu trí tuệ, dù tích cực hay tiêu cực hơn, nhưng mọi doanh nghiệp đang phải chấp nhận xu hướng đó.
Yekutiel Sherman không thể tin vào mắt mình.
Công ty Israel này đã dành ra một năm để thiết kế sản phẩm có thể sẽ giúp anh trở nên giàu có: một chiếc ốp lưng thông minh có thể kéo dài ra thành gậy selfie. Anh đã gây được một số tiền nhỏ từ gia đình mình, và ra mắt một chiến dịch gây quỹ. Anh thậm chí còn quay cả một đoạn video quảng cáo chuyên nghiệp, cho thấy một cặp đôi đang thực hiện một bức ảnh selfie hoàn hảo ngay trước tháp Eiffel.
Nhưng một tuần sau, khi sản phẩm của anh ra mắt trang Kickstarter vào tháng 12/2015, Sherman đã thực sự sốc khi thấy sản phẩm của mình được bán trên trang AliExpress. Các nhà buôn trên khắp Trung Quốc đều đang bán loại ốp lưng kiêm gậy selfie cho smartphone – giống hệt với thiết kế của Sherman. Một số họ còn bán với giá chỉ 10 USD mỗi chiếc, thấp hơn nhiều so với mức giá mà Sherman muốn bán (47,41 USD). Hơn thế nữa, một số người còn lấy chính tên sản phẩm của Sherman – Stikbox.
Sherman chỉ là một nạn nhân của tình trạng sao chép chóng vánh ở Trung Quốc. Trước khi anh kịp thành lập nhà xưởng để sản xuất sản phẩm của mình, các nhà sản xuất ở Trung Quốc đã sao chép ý tưởng và đánh bại anh bằng một cú đánh trực diện.
Khi những người ủng hộ anh trên trang Kickstarter biết được tin này, họ đều rất nổi giận. “Anh đang tính giá gấp đôi so với những kẻ đã sao chép sản phẩm của mình, nhưng tôi vẫn không biết sản phẩm cuối cùng có tốt hơn sản phẩm sao chép hay không.” Một người bình luận.
Nhiều năm trước đây, các chuyên gia trong ngành công nghiệp phần cứng sẽ đồng cảm hơn với Sherman. Nhưng giờ không ai – ngay cả Sherman còn như vậy nữa, mọi thứ đã thay đổi. Các startup và các nhà sản xuất nước ngoài đang chấp nhận một thực tế rằng: ai đó ở Trung Quốc có thể làm nhái sáng chế độc đáo của bạn, gần như ngay lập tức. Tất cả các công ty hay các doanh nghiệp đều phải chuẩn bị cho điều đó.
Nguồn gốc văn hóa sao chép của Trung Quốc
Jack Ma, người sáng lập ra Alibaba, đã nhận hàng loạt lời chỉ trích khi ông nói với các nhà đầu tư vào tháng 6 vừa qua rằng, hàng giả “đang có chất lượng tốt hơn và giá tốt hơn cả hàng thật,” và đến từ “cùng các nhà máy” như các sản phẩm thật. Dù vậy, vẫn có một phần sự thật trong bình luận của ông.
Rất nhiều các nhà phân tích và các nhà lịch sử đã coi vấn đề hàng giả Trung Quốc có nguồn gốc từ các khía cạnh nhận thức của văn hóa Trung Quốc, như việc nhấn mạnh vào ghi nhớ trong giáo dục, hoặc một chính phủ không khuyến khích sự sáng tạo. Nhưng thay vì vậy, theo lời Silvia Lindtner, người nghiên cứu văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc tại Đại học Michigan, phần nhiều nguyên nhân đến từ sự phát triển tại trung tâm sản xuất đồ điện tử và thiết bị của Trung Quốc tại Thâm Quyến.
Sự tăng trưởng của thành phố trong những năm 90 và đầu những năm 2000 trùng với sự bùng nổ của việc gia công cho các tập đoàn đa quốc gia. Thay vì phải giám sát toàn bộ hoạt động sản xuất cho tất cả các phần bên trong sản phẩm, các công ty phần cứng toàn cầu ký hợp đồng với những nhà sản xuất địa phương tại Thâm Quyến để thiết kế và sản xuất từng phần sản phẩm. Các nhà thầu này sau đó sẽ thuê các nhà thầu phụ nhỏ hơn để giúp họ hoàn thành đơn đặt hàng.
Rất nhiều các nhà máy tham gia trong chuỗi cung ứng rời rạc này là các cơ sở sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình, hoạt động mà không cần sự cho phép của chính phủ. Khi họ làm việc cùng nhau, họ nhận ra rằng họ có thể làm nhiều hơn là việc chỉ cung cấp các bộ phận cho các sản phẩm có thương hiệu. Họ có thể tạo ra các sản phẩm cho riêng họ, đối đầu với thương hiệu kia và tiếp cận với những khách hàng – vốn vẫn còn quá nghèo để có thể mua một chiếc Nokia hay một chiếc iPod.
Họ liên kết với nhau, và chia sẻ hướng dẫn sản xuất cho các thiết bị điện tử cụ thể trên bảng tin nhắn trực tuyến. Vì vậy, nó là điểm khởi đầu cho hiện tượng Shanzhai, nghĩa đen là “sơn trại”, còn nghĩa bóng để ám chỉ tình trạng sao chép sản phẩm, bất chấp các quy định về sở hữu trí tuệ hiện hành. Từ đây, các điện thoại và đồ điện tử với những cái tên như “aPod” hay “Nokla” tràn ngập thị trường vào đầu những năm 2000.
Mã nguồn mở việc sản xuất
Kỷ nguyên Shanzhai trong đồ điện tử tiêu dùng dần dần mờ nhạt khi thu nhập gia tăng và các thương hiệu smartphone có giá cả trở nên phải chăng hơn. Nhưng nó đã tạo ra một nền văn hóa chia sẻ kiến thức giữa các nhà sản xuất, trong đó không có thiết kế sản phẩm đơn lẻ nào là bất khả xâm phạm. Lindtner so sánh văn hóa trong hệ sinh thái sản xuất của Thâm Quyến với phong trào mã nguồn mở giữa các nhà phát triển phần mềm.
Cũng tương tự như việc các lập trình viên thoải mái chia sẻ code cho nhau để cùng tiến bộ, các nhà sản xuất ở Thâm Quyến giờ xem các phần cứng và thiết kế sản phẩm như điều gì đó có thể vay mượn một cách tự do và có thể thay đổi. Thành công trong kinh doanh đến từ tốc độ và khả năng sản xuất, sự độc đáo là không cần thiết.
“Nó là điều dễ hiểu khi việc làm lại hoặc sao chép đã trở thành một phần của văn hóa, và bất kỳ ai tốt hơn và nhanh hơn sẽ giành được hợp đồng.” Lindtner cho biết.
Ngày nay, hiện tượng sao chép ở Trung Quốc đã mở rộng vượt quá các công ty đa quốc gia như Gucci hay Nokia – ngay cả các startup cũng bị ảnh hưởng. Nhờ vào Internet, các nhà máy và các nhà thiết kế có thể tìm kiếm các sản phẩm hit mới một cách dễ dàng: thông qua Kickstarter, Amazon hay Taobao để xem thiết bị nào đang nổi. Họ trao đổi với nhau thông qua các công cụ như WeChat hay phần mềm chat của Alibaba để cùng lên kế hoạch sản xuất và lắp ráp. Việc đó giờ còn dễ dàng hơn so với những ngày trước khi smartphone xuất hiện.
“Toàn hệ thống Trung Quốc đã phát triển quanh ý tưởng rằng bạn có công cụ giao tiếp tức thời và thông tin về cơ bản là vô hạn.” Bunnie Huang, tác giả của “The Essential Guide to Electronics in Shenzhen.” “Vào những năm 80, mọi người nói về việc “sản xuất tức thời” như một điều gì đó đáng mơ ước,” ông nói. “Nhưng giờ, người Trung Quốc thậm chí chẳng biết đến cách sản xuất nào khác.”
Nơi pháp luật gần như vô hiệu
Các doanh nghiệp có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa về pháp lý để giảm thiểu rủi ro bị sao chép. Theo Song Zhu, người tham gia vào các vụ tranh chấp IP (sở hữu trí tuệ) giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc tại hãng luật Ruyak Cherian LLP ở California, bước quan trọng đầu tiên là xin cấp bằng sáng chế cho tính năng và thiết kế của sản phẩm tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc hay bất cứ đâu mà các doanh nghiệp định bán.
Các doanh nghiệp cũng nên ký “Thỏa thuận NNN” với các đối tác Trung Quốc tiềm năng trước khi tiết lộ bất cứ thông tin sở hữu trí tuệ nào. Thỏa thuận này có thể ngăn chặn các đối tác sử dụng các tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, sau lần xem đầu tiên (“non-use”: không sử dụng), không chia sẻ nó với người khác (“non-disclosure ”: không tiết lộ), hoặc không vi phạm quan hệ đối tác và tự ý bán các đơn vị sản phẩm dư (“non-circumvention ”: không hủy ngang).
Nhưng ngay cả với những sự bảo vệ này, không có gì đảm bảo rằng bạn có thể chấm dứt việc ai đó sao chép sản phẩm của mình. Zhu cho biết, vấn đề không nằm ở tòa án Trung Quốc, mà nằm ở việc thực thi các quy định. Chiến thắng một nhà máy trong một vụ kiện là tương đối dễ dàng. Nhưng việc theo kiện mọi nhà máy và chiến thắng họ là việc rất tốn kém thời gian và tiền bạc.
“Có thể có đến hàng trăm nhà máy nhỏ, những người đã nhìn thấy sản phẩm của bạn trên Internet và nghĩ “Ồ tôi cũng có thể làm cái này”, Zhu cho biết. “Làm thế nào bạn có thể đóng cửa tất cả các nhà máy đó? Thậm chí làm thế nào bạn tìm ra họ là ai? Và số tiền mà bạn dành cho việc đi kiện sẽ lớn hơn số tiền mà bạn nhận được khi thắng kiện.”
Đó là tình thế mà Sherman đang gặp phải với Stikbox. Trong khi anh vẫn chưa theo đuổi các hành vi pháp lý nào, anh cho biết anh đã giành ra 20% thời gian của mình để theo dấu các nhà máy sao chép sản phẩm của mình thông qua các trang thương mại trực tuyến lớn ở Trung Quốc. Đôi khi anh phải mất đến 5 ngày để hình dung ra vị trí của một nhà máy.
“Các nhà máy sao chép này không cho biết địa chỉ của mình trên Alibaba, thay vào đó chỉ có công ty thương mại đại diện cho họ. Đôi khi bạn phải lần theo hai đến ba công ty thương mại trước khi bạn tìm ra được nhà máy sản xuất thực sự.” Anh tiết lộ với trang Quartz.
Ý tưởng tuyệt vời không còn quan trọng
Sự lây lan của việc sản xuất sao chép không chỉ làm đau đầu các công ty phần cứng và các startup. Nó còn thách thức cả các quan niệm truyền thống về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quan niệm về việc loại ý tưởng nào là có giá trị, loại ý tưởng nào không.
Hàng thập kỷ trước, một công ty hay một doanh nghiệp có thể nổi lên với một ý tưởng và sau đó dành ra nhiều năm liền để có được bản quyền sáng chế, hoàn thiện thiết kế, sắp xếp kế hoạch sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường. Các hợp đồng ràng buộc với các đối tác giúp đảm bảo những ý tưởng sẽ không bị rò rỉ với các đối thủ cạnh tranh, nhưng vì vậy sẽ làm gia tăng chi phí thành lập nhà máy, tìm nguồn cung ứng, và quản lý chuỗi sản xuất.
Việc chuyển dịch trung tâm sản xuất của thế giới đến Trung Quốc đã làm những rào cản trên biến mất. Các nhà máy đã được thiết lập trong các tòa nhà tạm thời. Nguồn lao động giá rẻ, dồi dào. Việc cung ứng các bộ phận rất dễ dàng nhờ các sàn giao dịch trực tuyến như Alibaba. Kết quả là các ý tưởng thông minh dễ dàng chuyển thành các sản phẩm thực hơn, để được thương mại hóa nhanh hơn.
Các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận với thực tại mới này. Việc tạo ra một sản phẩm với một thiết kế hay tính năng đột phá là không đủ (Ví dụ một ốp lưng smartphone biến thành gậy selfie). Các công ty hoạt động trong việc tạo ra các sản phẩm thực giờ phải tạo ra những sản phẩm không thể sao chép một cách chính xác khi bán ra, bằng cách tập trung vào một tính năng đặc biệt họ có thể bảo vệ, hoặc tạo ra một thương hiệu danh giá đến nỗi người tiêu dùng muốn trả tiền cho nó.
“Nếu bạn có một sản phẩm đơn giản chỉ có một số nhu cầu thị trường, bạn sẽ bị sao chép.” Benjamin Joffe, người làm việc tại HAX, một quỹ đầu tư mạo hiểm thường tiếp xúc với các startup về phần cứng sản xuất tại Trung Quốc, cho biết. “Một câu hỏi còn lớn hơn nữa là, bạn thực sự có những gì để bảo vệ ý tưởng của mình?”
Các công ty có thể tự bảo vệ mình khỏi nạn sao chép bằng cách đầu tư vào phần mềm được cài đặt trong phần cứng sản phẩm và bảo vệ nó. Một ví dụ điển hình là Apple với iOS, hệ điều hành độc quyền trên chiếc iPhone. Hoặc họ có thể đầu tư vào xây dựng hình ảnh thương hiệu như Go-Pro, sản phẩm quen thuộc với những người dùng mê thể thao và chụp ảnh.
Ngoài ra, một công ty cũng có thể làm ra một sản phẩm đòi hỏi phải có một bí quyết sản xuất tinh vi, vì vậy các nhà máy trung bình sẽ ngần ngại trong việc sao chép nó.
Một ví dụ là startup Native Union, có trụ sở tại Hong Kong, đã tạo ra một tai nghe cho smartphone với hình dáng cong trông như tay cầm điện thoại kiểu cũ. Đó là một ý tưởng thông minh, nhưng đã bị sao chép ngay lập tức. Nhà sáng lập Igor Duc sau đó đã thay đổi hướng đi của công ty và bắt đầu làm ra một sản phẩm hoàn toàn khác – một ốp lưng cho smartphone làm bằng đá cẩm thạch (đá marble) của Ý với giá 80 USD mỗi chiếc. Nó khó làm hơn so với một thiết bị điện tử tiêu dùng trung bình, vì vậy có thể ngăn chặn việc sao chép.
“Khi bạn sử dụng một vật liệu hiếm như đá cẩm thạch, bạn cần phải thành thạo về nó, để biết chất lượng tốt là như thế nào, và bạn cần một cái máy rất đặc biệt mới có thể tạo hình cho nó.” Duc cho biết. “Trong khi các sản phẩm nhựa ép rất dễ sao chép, những gì chúng tôi đang làm phức tạp hơn.”
Mặt tích cực của nạn sao chép
Joffe, một nhà đầu tư mạo hiểm, cho rằng các công ty thậm chí vẫn có thể thu lợi nhuận từ việc sao chép, khi nó có thể mang đến nhiều sự nhận thức hơn về sản phẩm. “Nếu bạn có nhiều khách hàng mua sản phẩm giả, có nghĩa là nó sẽ tạo ra nhiều sự nhận thức hơn về sản phẩm thật, và nó sẽ trở thành thứ đáng khao khát. Tại một thời điểm nào đó, người ta sẽ có đủ khả năng mua sản phẩm thật.”
Đó là điều Sherman nhắc nhở bản thân, khi anh cố gắng lấp đầy đơn đặt hàng trong lúc những người nhìn thấy sản phẩm của anh trên Kickstarter suy nghĩ đến việc tìm mua một sản phẩm thay thế trên Taobao.
“Có rất nhiều loại ốp lưng kết hợp gậy selfie khác, nhưng họ chỉ sao chép thiết kế của chúng tôi. Vì vậy nó cho thấy rằng sản phẩm của chúng tôi đáng để sao chép.” Anh cho biết. “Câu trích dẫn nảy ra trong đầu tôi là “Việc bắt chước là hình thức chân thành nhất của sự tâng bốc”.”
Tuy nhiên, Sherman ước tính rằng, anh đã mất đến “hàng trăm nghìn USD” từ doanh thu tiềm năng do nạn sao chép. Việc bắt chước ở đây không chỉ là hình thức chân thành nhất của sự tâng bốc, nó cũng khá đắt đỏ nữa.
Theo GenK