Giới chuyên gia nhận định quyết định mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ban bố mới đây có ảnh hưởng sâu rộng hơn sự hình dung của nhiều người. 

Vừa qua, giới chức Trung Quốc đã đưa ra các động thái mới nhất liên quan đến hoạt động ICO (viết tắt của Initial Coin Offerings, hiểu đơn giản là việc một công ty phát hành một đồng tiền ảo mới cho mục đích tài trợ, gọi vốn).

Theo Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã quyết định dừng tất cả các hoạt động gọi vốn liên quan đến ICO ngay lập tức. Quyết định này có thể ảnh hưởng đến tất cả các nhà đầu tư tham gia vào ít nhất 75 dự án ghi nhận được tính đến giữa tháng 7, cũng theo Bloomberg.

Chính phủ Trung Quốc vừa có chính sách ảnh hưởng lớn đến thị trường Bitcoin và tiền ảo

Được biết, hiện có khoảng 43 nền tảng ICO tại Trung Quốc. 60% trong số này được đặt tại Quảng Đông, Bắc Kinh và Thượng Hải, Ủy ban Chuyên gia về Công nghệ An ninh Tài chính Internet Quốc gia tiết lộ trong một báo cáo phát đi hồi tháng Bảy.

Tất cả các nền tảng này đã thu hút được số vốn lên tới 2,6 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 399 triệu USD từ 105.000 nhà đầu tư tính đến ngày 18 tháng 7 vừa qua. ICOAGE, ICOINFO và ICO365 là ba nền tảng ICO lớn nhất cho hoạt động tài trợ và hiện đang nắm giữ khoảng 64% thị phần. ICOINFO cho biết nền tảng này đã tự nguyện dừng tất cả hoạt động ICO để ngăn chặn rủi ro từ tuần trước.

Chính phủ Trung Quốc vừa có chính sách ảnh hưởng lớn đến thị trường Bitcoin và tiền ảo
Số dự án ICO tại Trung Quốc tăng vọt trong năm 2017.

Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết tiền ảo “không được phát hành bởi các cơ quan tiền tệ… không có tính pháp lý tương đương tiền tệ, và không thể và không nên được lưu hành như một đồng tiền trên thị trường”.

PboC nói thêm “tất cả các nền tảng tài trợ tiền ảo đều không được tham gia vào hoạt động trao đổi tiền hợp pháp”. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nghiêm cấm các nền tảng này “cung cấp thông tin, giá và các dịch vụ trung gian”.

Adam Efrima, giám đốc vận hành nền tảng eToro tại Trung Quốc, mô tả động thái nói trên là một “vụ lớn” bằng cách khẳng định “nó ảnh hưởng nhiều hơn những gì mọi người đang nghĩ”. Dù vậy, Wong Joon Ian, phóng viên tiền ảo của Quartz cho biết nhiều sàn tiền ảo tại Trung Quốc thông báo tới khách hàng của mình rằng việc trao đổi tiền ảo sẽ vẫn diễn ra, mặc cho các động thái của giới chức.

Tuy nhiên, Efrima trao đổi với Business Insider rằng không khó để thấy rất nhiều người Trung Quốc tham gia thị trường này đang tỏ ra sợ hãi. Adam Efrima chia sẻ ông đang chờ đợi những văn bản hướng dẫn tiếp theo theo từ cơ quan chức năng nhưng tỏ vẻ lạc quan bởi “trong dài hạn, nó có thể mang đến lợi ích bởi sẽ có ít dự án hơn và ít vụ lừa đảo hơn, vì thế có thể củng cố giá của những đồng tiền ảo”. Trước đó, người này nhận định việc dừng các dự án ICO là để loại bỏ các dự án lừa đảo.

Không chỉ Trung Quốc, trước đó không lâu, giới chức Hàn Quốc cũng đưa ra một quyết định tương tự. Business Korea cho biết Chính phủ nước này giữ quan điểm “tiền ảo không được coi là tiền, cũng như sản phẩm tài chính” đồng thời “thắt chặt các hình phạt” cho hoạt động ICO.

Nguồn: GenK 

Góc quảng cáo