Ngay cả khi khuôn mặt không hiện diện trên camera, danh tính của bạn vẫn bị phát hiện vì cách đi bộ bởi phần mềm “nhận dạng dáng đi”.

Trung Quốc giám sát người dân bằng công nghệ "nhận dạng dáng đi"

Theo ABC News, chính quyền Trung Quốc vừa bắt đầu triển khai công cụ giám sát mới mang tên “nhận dạng dáng đi” (gait recognition) đối với người dân nước này. Phần mềm sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để xác nhận danh tính bằng cách phân tích hình dáng khi đi bộ của con người, thậm chí ngay cả khuôn mặt bị ẩn trên camera.

Hệ thống giám sát được dùng hàng loạt trên đường phố Bắc Kinh và Thượng Hải. Huang Yongzhen, CEO của Watrix cho biết, hệ thống có thể nhận dạng người dân trong khoảng cách 50m cho dù bạn quay lưng hay che mặt.

Công nghệ mới này dựa trên cái nhìn cận cảnh và hình ảnh có độ phân giải cao của người bị nhận dạng. Qua đó, phần mềm sẽ đưa ra tỉ lệ nhận diện chính xác nhất lên đến 94%.

Trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng ở Bắc Kinh, Huang nói “Bạn không cần hợp tác với mọi người để xác nhận danh tính của họ. Chương trình không dễ bị đánh lừa bởi dáng đi khập khiễng, xiêu vẹo. Dựa vào đó, chúng tôi phân tích tất cả những đặc điểm trên cơ thể của bạn (ví dụ như độ dài sải chân, nhịp bước chân, góc hông, tốc độ đi…)”.

Nguồn tin cho biết, Watrix đã huy động được 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 14,5 triệu USD) để thúc đẩy sự phát triển của phần mềm “nhận dạng dáng đi”. Sau đó bán lại chương trình này cho các tổ chức khác.

Cảnh sát Trung Quốc hiện đang dùng AI trong việc nhận diện khuôn mặt để xác nhận danh tính của mọi người nhằm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Bên cạnh đó, họ còn triển khai hệ thống camera giám sát hoạt động của người dân ở khắp mọi nơi, từ khu vui chơi đến trường học, nơi công cộng hay ở bệnh viện. Phương pháp này có thể phát hiện người nào đó chỉ trong vài giây và cho độ chính xác lên đến 99%.

Tất nhiên không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi bị giám sát. Phần mềm này còn nhận được sự quan tâm từ nhân viên an ninh ở các tỉnh xa của Trung Quốc. Chẳng hạn như vùng Tân Cương, nơi đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các tay súng Hồi giáo và những người ly khai.

Shi Shusi, nhà bình luận Trung Quốc cho biết, chính phủ nước này dùng công nghệ sinh trắc học để giám sát người dân nhằm phục vụ cho công tác an ninh. Đồng thời duy trì trật tự xã hội cũng như bảo vệ tài sản của họ.

Đây không phải là công nghệ mới. Trước đó, những nhà khoa học ở Nhật Bản, Anh, Mỹ… đã nghiên cứu lĩnh vực này từ hơn mười năm trước. Họ thử nghiệm khả năng nhận dạng con người qua dáng đi của hệ thống bằng nhiều cách khác nhau. Các giáo sư đến từ Đại học Osaka đã làm việc với Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (Japan’s National Police Agency) về việc sử dụng chương trình nhận dạng dáng đi trên cơ sở thí điểm từ năm 2013.

Nhưng một số ít người cố gắng thương mại hóa công cụ này. Theo Gabriel Tal, công ty FST Biometrics có trụ sở tại Israel, đã phải đóng cửa hồi đầu năm nay vì gặp khó khăn về kỹ thuật đối với sản phẩm của mình.

Mark Nixon, một chuyên gia hàng đầu về công nghệ nhận dạng dáng đi của Đại học Southampton (Anh) cho biết, phần mềm này phức tạp hơn các công nghệ sinh trắc học khác. Tuy nhiên, công cụ không có khả năng xác định người cần theo dõi trong thời gian thực. Thay vào đó, người sử dụng phần mềm phải tải video lên chương trình, mất khoảng 10 phút để tìm kiếm và phân tích thay vì dùng một hình ảnh duy nhất.

Huang cho biết, ông đã rời khỏi học viện để đồng sáng lập Watrix vào năm 2016 vì muốn phát triển công nghệ đầy tiềm năng này. Mặc dù không tốt bằng phần mềm nhận diện khuôn mặt, thế nhưng tỉ lệ xác định danh tính chính xác lên tới 94% đủ để thương mại hóa.

Ngoài ra, công cụ nhận dạng dáng đi còn có thể được dùng để phát hiện người bị nạn từ xa. Nixon tin rằng công nghệ này có thể làm cho cuộc sống trở nên an toàn và thuận lợi hơn.

Theo ABC News

Góc quảng cáo