Chính phủ Trung Quốc đã triệu tập nhiều hãng công nghệ lớn, gồm Microsoft và Dell từ Mỹ, Samsung Hàn Quốc… để cảnh báo rằng họ sẽ phải đối mặt với hậu quả nặng nề nếu tuân theo lệnh cấm của Mỹ và không tiếp tục làm ăn với Huawei.
Theo New York Times, tuần trước chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ lập “danh sách đen” gồm những doanh nghiệp và tổ chức không đáng tin để trả đũa lệnh cấm của Washington. Cảnh báo này được đưa ra trong cuộc họp tổ chức hồi đầu tuần bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc, có sự tham dự của Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nước này. Sự tham gia của ba cơ quan chính phủ đã cho thấy mức độ quan trọng của sự việc.
Cuộc họp có góp mặt của đại diện nhiều hãng công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới. Thông tin chi tiết đang được giữ bí mật, tuy nhiên, theo nhiều đồn đoán, có vẻ như vấn đề chính đang xoay quanh việc tăng cường hỗ trợ cho Huawei, dù tên công ty không được đề cập cụ thể.
Tháng trước, Nhà Trắng đã đưa Huawei vào “blacklist”, bắt buộc tất cả các doanh nghiệp Mỹ ngừng hợp tác kinh doanh với công ty này vì lo ngại các rủi ro an ninh. Lệnh cấm Huawei khiến nhiều hãng công nghệ như Google, Microsoft, ARM phải ngừng cung cấp linh kiện cho nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc, đẩy nhiều doanh nghiệp lớn và một số quốc gia rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu.
Từ lâu, việc sản xuất linh kiện, hóa chất, lắp ráp thiết bị điện tử đã biến Trung Quốc thành nền tảng cho nhiều hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia lớn. Nhìn rộng hơn, cảnh báo được Bắc Kinh đưa ra đang nhằm bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc trước những tác động xấu mà lệnh cấm Huawei mang lại.
Khi mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung tan vỡ, chính quyền Bắc Kinh lo ngại những công ty lớn sẽ tìm cách đẩy dây chuyền sản xuất đi nơi khác để tránh rủi ro dài hạn. Cuộc họp này có thể đã truyền thông điệp rằng nếu doanh nghiệp có ý định hưởng ứng lệnh cấm Huawei sẽ đứng trước hình phạt của Trung Quốc.
Đối với công ty trực thuộc Mỹ, Trung Quốc nhấn mạnh rằng hành động của Washington đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, những hãng công nghệ tuân thủ lệnh cấm Huawei sẽ đối mặt với hậu quả vĩnh viễn.
Trong quá khứ, Bắc Kinh từng sử dụng những doanh nghiệp đa quốc gia như một công cụ ngoại giao. Chẳng hạn, trong chuyến thăm cấp cao tới Mỹ năm 2015, ông Tập đã dừng chân tại Seattle trước khi tới Washington. Ở đó, ông gặp một trong các Giám đốc điều hành công nghệ Mỹ – Trung Quốc như một cách để nhấn mạnh chiều sâu quan hệ kinh tế hai nước. Khi đó, Tổng thống Barack Obama đang tìm cách kềm hãm những hoạt động thương mại và quy tắc đầu tư chống cạnh tranh của ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên với chính quyền của Tổng thống Trump, kịch bản này có vẻ ít hiệu quả, bởi vì doanh nghiệp đang bị buộc phải lựa chọn giữa vi phạm luật pháp Mỹ hoặc đối điện với áp lực của Bắc Kinh. Hơn nữa, công ty Mỹ sẽ không chọn vi phạm luật pháp của nước họ, đặc biệt là trong bối cảnh này.
Tiến trình đàm phán thương mại hiện tại đã được liên kết với việc cấm Huawei. Tuy nhiên lệnh cấm Huawei lại không thể được giải quyết thông qua kênh thương mại chính thức. Ví dụ, tranh chấp bị tác động bởi những cáo cuộc gian lận Mỹ đưa ra với Giám đốc Huawei, bà Meng Wanzhou – người đang chờ thủ tục dẫn độ ở Canada, cùng nhiều cáo buộc khác mà Huawei liên tục phủ nhận.
Giữa bối cảnh hiện tại, cách duy nhất để giải quyết vấn đề là một cuộc đàm phán riêng giữa Huawei và chính quyền Mỹ. Các cuộc thương thảo Mỹ – Trung gần đây đã bị trì hoãn nhiều lần, dự kiến Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp nhau cuối tháng này tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Nhật Bản.