Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) cho biết họ có thể giúp những người mắc bệnh hay quên nhớ lại phần ký ức đã bị mất bằng cách dùng ánh sáng kích hoạt lại các tế bào nhất định trong bộ nhớ.
Kết luận trên được công bố trên tạp Science ngày 29-5 sau nhiều nghiên cứu được tiến hành trên các con chuột thí nghiệm mắc chứng hay quên.
Các nhà khoa học nhận thấy phần trí nhớ đã mất của chúng không bị mất vĩnh viễn mà được lưu lại ở một số neuron thần kinh mà bộ não không thể kết nối đến được. Từ đó, họ đã dùng ánh sáng để kích hoạt các neuron này hoạt động trở lại, giúp các con chuột có thể nhớ lại phần ký ức đã quên.
Kết quả này trái ngược hoàn toàn với giả thuyết lâu nay cho rằng mất trí nhớ ở chứng hay quên là do việc lưu trữ của bộ nhớ có vấn đề, chứ không phải vì não không có khả năng nhớ lại.
Susumu Tonegawa, giáo sư tại khoa sinh học MIT, người từng đoạt giải Nobel và là trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu: “Đa số nhà nghiên cứu ủng hộ lý thuyết lưu trữ, nhưng nghiên cứu này cho thấy lý thuyết trên có lẽ là sai”, “Kết quả nghiên cứu này có nghĩa là những ký ức trong quá khứ có thể không bị xóa đi mà chỉ đơn giản là bị “thất lạc” và bộ não không thể tìm thấy để lấy lại”.
Giáo sư Tonegawa cũng cho biết ông hi vọng những phát hiện mới mẻ này sẽ thúc đẩy các nghiên cứu trong tương lai về việc khôi phục trí nhớ cho người mắc chứng hay quên.