Hôm nay, Samsung đã chính thức ra mắt bộ đôi Galaxy Z Fold3 và Galaxy Z Flip3, bài này mình sẽ mở hộp và trên tay nhanh cho các bạn có cái nhìn đầu tiên.
Galaxy Z Flip3
Được định vị tập trung vào tín đồ thời trang và nữ giới, Galaxy Z Flip3 có thiết kế gập gọn nhẹ. Sản phẩm nắp gập đời thứ hai này khiến chúng ta dễ liên tưởng đến thời hoàng kim của điện thoại gập vỏ sò, nhưng thay vì chỉ có màn hình ở một mặt thì Galaxy Z Flip3 gập cả màn hình vào trong.
Nhìn chung, Galaxy Z Flip3 là một chiếc điện thoại ưu tiên cho chiều dài, bạn hoàn toàn có thể cầm máy thoải mái bằng một tay, bởi chiều ngang của máy khiêm tốn hơn hầu hết các smartphone đang có trên thị trường. Thay vào đó, chiều dài của máy sẽ khiến bạn khó mà thao tác bằng một tay.
Dù vậy, với khả năng gập, bạn có thể tận dụng việc chia đôi màn hình để mở một lúc hai ứng dụng ở hai nửa màn hình.
Hôm qua lúc chụp, mình có post hình mặt lưng của Z Fold3 này lên tài khoản Facebook thì nhận được ý kiến khen chê nhiều. Nhiều bạn đánh giá mặt lưng này nó xấu, nhưng cũng có nhiều bạn rất ưng vì thiết kế này có kèm theo kiểu gập nữa nên nhìn rất ‘cưng’.
Riêng mình thì nghĩ do cái máy mình cầm có màu đen nên trông nó có vẻ không được đẹp, chứ Galaxy Z Flip3 có tới 4 màu là Kem Ivory, Đen Phantom, Xanh Phantom, Tím Lilac, thấy ảnh quảng cáo và có một vài anh em media khác cầm màu khác chụp ảnh lên nhìn cũng rất ổn.
Mình ban đầu cũng thắc mắc lúc mở ra hoàn toàn thì mặt lưng không thấy logo Samsung, nhưng khi gập lại thì ‘à hóa ra logo nằm đây’, chắc chiếc Z Fold3 cũng tương tự.
Phần module camera đi liền mạch là kính, cái này dùng để bảo vệ cho một màn hình LCD nhỏ ở bên cạnh. Theo mình cái màn hình này là rất tiện, từ việc bạn có một màn hình liveview để chụp ảnh selfie bằng camera sau (mình khá hiếm khi chụp ảnh selfie với camera trước), coi tin nhắn/thông báo, ghi âm, đếm giờ, coi thời tiết… tất cả chỉ bằng thao tác bấm vào nút nguồn, chẳng cần phải mở màn hình ra… rất tiện lợi.
Thao tác chụp ảnh thì thực sự nhẹ nhàng: bạn bấm nút nguồn, bấm camera, có thể lựa chọn góc rộng hoặc camera thường bằng cách vuốt lên/xuống màn hình nhỏ xíu này, rồi chụp bằng cách bấm nút âm lượng, cực kỳ lẹ.
Khi gập lại, máy khá gọn gàng trong túi áo và quần của mình, nhưng độ dầy thì chắc chắc là hơn. Theo mình nó cỡ một chiếc hộp phấn trang điểm – điều này có lẽ Samsung nhắm tới khi định hướng Z Fold3 nhắm đến đối tượng nữ giới.
Ở ảnh này cho thấy máy không gập sát hoàn toàn ở phía màn hình, đây có lẽ là điều Samsung muốn để màn hình có thể sử dụng được lâu bền trong thời gian dài.
Với các bạn thích chụp hay quay bằng camera selfie cũng như thực hiện gọi video call, nửa dưới của Z Fold3 được thiết kế có trọng lượng nặng hơn nửa trên một chút, giúp bạn dễ dàng đặt thiết bị mở ra trên mặt phẳng, thậm chí có thể điều chỉnh góc sao cho khung hình ghi nhận được tốt nhất.
Galaxy Z Fold3
Nếu nói Z Flip3 là một sự cải tiến vược bật từ chiếc điện thoại vỏ sò trước đây, thì với mình chiếc Z Fold3 lại có thể xem là phiên bản hoàn hảo hơn hẳn dòng Flip. Với Fold3, bạn sẽ có chiếc điện thoại 2 trong 1 – vừa là một chiếc smartphone dạng thanh với màn hình ở ngoài đáp ứng hầu hết công việc, vừa có một màn hình cực rộng ở bên trong để có thể thoải mái thực hiện những công việc thông thường như với một chiếc tablet hoặc máy tính xách tay.
Như mình đã nói ở trên, khi mở ra bạn sẽ không kiếm được logo Samsung, vì hãng đã khắc nó ở phần bản lề. Máy sẽ có 5 camera nhé, 3 camera ở mặt lưng, 1 camera selfie ở mặt trước ở dạng đục lỗ trong màn hình, 1 camera ở trong màn hình gập, được thiết kế ẩn dưới màn hình.
Tương tự Z Flip3, chiếc Z Fold3 cũng bố trí nút âm lượng và nút nguồn (kèm đầu đọc vân tay) nằm gần camera sau, thuộc cạnh phải.
Máy bố trí loa đôi ở cả cạnh trên và dưới nhé.
Về trọng lượng, với mình Z Fold3 là chiếc smartphone nặng, nên bạn nào nói dùng máy này để chơi game thời gian dài thì chắc hẳn là người thường ưa vác các thiết bị có trọng lượng lớn (máy ảnh, máy quay phim chẳng hạn).
Không khó để nhận ra camera ẩn sau màn hình gập của Z Fold3, bạn chỉ cần chọn màn hình màu trắng là sẽ thấy, chọn màn hình đen thì khó thật đấy.
Như đã nói ở trên, với một màn hình đầy đủ ở mặt trước, tuy về bề ngang thì có hơi hẹp hơn các smartphone hiện tại nhưng mình hoàn toàn có thể thực hiện các thao tác thông thường.
Độ sắc nét và màu sắc của màn hình ngoài trên máy Z Fold3 mình thấy rất tốt, hoàn toàn không thể xem là một màn hình phụ cho màn hình gập bên trong.
Trong thông cáo của mình, Samsung cho biết Z Fold3 có độ bền gấp đôi thế hệ trước nhờ cải tiến chất liệu và thiết kế, đặc biệt máy có tích hợp khả năng chống nước. Theo mình thì chống vậy thôi chứ thiết kế gập như vậy thì khó mà ngăn hết nước nếu như để lâu dưới trời mưa, vì vậy dùng máy có lẽ cũng phải cẩn thận điều này.
Ở một số trải nghiệm chuyển đổi màn hình từ ngoài đến trong thì mình thấy hình như Z Fold3 lưu phiên làm việc là khác nhau. Cụ thể là với màn hình ngoài, mình thử dời một icon từ trong khay ứng dụng lên màn hình chính. Khi hoàn tất, mình thử mở vào màn hình gập thì icon đó không xuất hiện ở màn hình chính, buộc lòng mình phải thực hiện lại thao tác này.
Trên đây là mở hộp và trải nghiệm nhanh với bộ đôi smartphone mới nhất của Samsung. Mình sẽ có bài đánh giá trong thời gian tới.
Có thông tin thêm là Samsung cũng chính thức ra mắt phiên bản giới hạn Thom Browne với chỉ 200 bộ duy nhất tại Việt Nam vào ngày 19.8.2021. Bạn quan tâm có thể truy cập trang samsung.com/vn nha.