Mục lục bài viết
Nghiên cứu mới đây cho thấy cho trẻ tiếp xúc với màn hình điện tử quá nhiều sẽ khiến chất trắng trong não chậm phát triển, dẫn đến giảm khả năng nhận thức, lâu biết nói và kỹ năng đọc viết kém.
Những năm gần đây, thời gian sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em đã tăng đến mức đáng báo động. Các chuyên gia nghiên cứu về tác động của TV, máy tính bảng và điện thoại thông minh vừa báo cáo những đứa trẻ từ 3-5 tuổi sử dụng màn hình nhiều hơn 1 giờ mỗi ngày mà không có sự can thiệp của bố mẹ có mức độ phát triển chất trắng trong não thấp hơn so với trẻ bình thường.
“Đây là nghiên cứu đầu tiên ghi nhận mối liên quan giữa sử dụng màn hình với quá trình hình thành cấu trúc não và kỹ năng của trẻ ở độ tuổi mẫu giáo”, tiến sĩ John Hutton – nhà nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Nhi Cincinnati – cho biết.
Ở trẻ em, chất trắng là chìa khóa cho sự phát triển ngôn ngữ, khả năng đọc viết và nhận thức. “Điều này rất quan trọng vì não bộ phát triển nhanh nhất trong năm năm đầu tiên. Khi đó, bộ não rất linh hoạt, có khả năng tiếp thu mọi thứ, đang trong quá trình hình thành những kết nối mạnh mẽ và tồn tại lâu dài”, ông nói thêm.
Thiết bị thông minh ở khắp nơi xung quanh trẻ
Các nghiên cứu cho thấy việc chăm chú vào màn hình TV, điện thoại quá mức có liên quan đến việc trẻ em thiếu khả năng chú ý và suy nghĩ rõ ràng, đồng thời làm tăng thói quen ăn uống và một số hành vi kém.
Có mối tương quan giữa việc quá tập trung vào màn hình với việc chậm nói, ngủ không sâu giấc, trẻ không nghe lời, giảm tương tác giữa cha mẹ và bé.
“Những đứa trẻ xem TV, điện thoại, sử dụng thiết bị điện tử nhiều thường lớn lên trong những gia đình cùng dành phần lớn thời gian cho máy tính và các thiết bị thông minh. Khi trẻ xem chương trình truyền hình 5 giờ một ngày thì có thể cha mẹ chúng dành 10 giờ tập trung vào màn hình máy tính. Họ sẽ đặt trẻ bên cạnh và cho chúng iPad hoặc điện thoại để giải trí vì không có thời gian tương tác với con”, Hutton nói.
Ngoài ra, các thiết bị này có mặt ở khắp nơi khiến trẻ em có nhiều nguy cơ tiếp xúc với chúng mỗi ngày. Trẻ có thể xem điện thoại khi sắp ngủ, trên đường đi chơi, khi ăn hoặc khi cha mẹ quá bận rộn… Hơn nữa, độ tuổi các bé tiếp xúc với những loại màn hình điện tử ngày càng thấp.
“Khoảng 90% trẻ em sử dụng các thiết bị có màn hình khi 1 tuổi. Chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu trong đó trẻ em bắt đầu tiếp xúc với màn hình khi chúng 2-3 tháng tuổi”, Hutton nói. Ông đã công bố một số nghiên cứu sử dụng công nghệ MRI để xem xét tác động của TV và điện thoại đến khả năng đọc của trẻ.
Nghiên cứu sử dụng một phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) đặc biệt để kiểm tra não của 47 trẻ hoàn toàn khỏe mạnh (27 bé gái và 20 bé trai) chưa bắt đầu học mẫu giáo. Hình ảnh MRI cho thấy rõ lượng chất trắng trong não. Chất trắng là bộ phận kết nối các thành phần khác nhau của chất xám.
Chất trắng chiếm 60% não bộ, bao gồm hệ thống sợi trục thần kinh có bao myelin, tế bào sao và các thần kinh đệm. Đây là phần chịu trách nhiệm truyền tải tín hiệu thần kinh, giúp các vùng não bộ phối hợp hoạt động nhịp nhàng với nhau, từ đó chúng ta có thể suy nghĩ, tập trung và xử lý vấn đề nhanh hơn. Ngoài ra, chất trắng còn đóng vai trò quan trọng giúp điều tiết cảm xúc, hoạt động đi lại và giữ thăng bằng cho cơ thể.
Đây là một hệ thống tương tự như dây cáp, chúng kết nối với thành phần khác nhau trong não giúp cơ thể phối hợp nhịp nhàng hơn. Khi những “dây cáp” này không phát triển sẽ làm chậm tốc độ xử lý của não. Mặt khác, nghiên cứu cho thấy khả năng đọc, tung hứng và chơi một loại nhạc cụ sẽ cải thiện tổ chức và cấu trúc chất trắng trong não.
Trước khi chụp MRI, trẻ em được kiểm tra nhận thức, cha mẹ sẽ điền vào một hệ thống tính điểm về thời gian sử dụng thiết bị có màn hình được phát triển bởi Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP).
Thử nghiệm đo lường mức độ và thời gian trẻ được tiếp xúc với màn hình (trong bữa ăn, trên xe hơi, khi đang xếp hàng tính tiền?), tần suất tiếp xúc (tuổi bắt đầu, số giờ, lúc đi ngủ?), nội dung trẻ được xem (tự chọn hay các bài hát, chương trình giáo dục?) và khả năng tương tác (trẻ xem một mình hay cùng cha mẹ thảo luận về chương trình đang xem?)
Kết quả cho thấy những đứa trẻ sử dụng màn hình điện tử nhiều hơn thời gian khuyến nghị của AAP (một giờ mỗi ngày) và không có sự tương tác của cha mẹ sẽ chậm phát triển chất trắng trong não hơn.
“Thời gian sử dụng thiết bị có màn hình trung bình ở trẻ là hơn 2 giờ mỗi ngày, trong phạm vi khoảng 1 giờ đến 5 giờ.
Vùng chất trắng chịu trách nhiệm điều hành hoạt động cũng bị rối loạn và chậm phát triển (vùng màu xanh trong ảnh dưới).
“Những phát hiện này rất hấp dẫn, nhưng chỉ mới sơ bộ”, Jenny Radesky – một vị bác sĩ nhi khoa không tham gia vào nghiên cứu – nhận xét.
Thực tế, không phải việc sử dụng thiết bị làm kiềm hãm quá trình sản sinh chất trắng mà là thời gian xem TV quá thụ động, khiến não không tư duy và chậm phát triển. Và việc tập trung vào màn hình nhiều khiến trẻ không có những trải nghiệm khác tốt cho não.
Những năm đầu đời, trẻ cần được tương tác, khuyến khích nói và giao tiếp, chơi với những người yêu thương để phát triển tư duy, tập giải quyết vấn đề và một số kỹ năng khác. Thực tế, các neuron trong não liên kết với nhau nên khi chúng ta thực hành một việc gì càng nhiều, hoạt động đó càng được củng cố và “khắc sâu” vào tâm trí.
Kết quả kiểm tra cho thấy ít kỹ năng hơn bình thường
Ngoài kết quả MRI, kết quả kiểm tra nhận thức cho thấy thời gian tập trung vào TV, điện thoại quá mức cũng liên quan đáng kể đến việc phát triển kỹ năng đọc viết và khả năng sử dụng ngôn ngữ biểu đạt của trẻ. Ngoài ra, trẻ sẽ phản xạ chậm, khả năng gọi tên các đối tượng cũng kém hơn so với bình thường.
Hutton lưu ý rằng kết quả này chỉ tương đối, cần thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng chuyên sâu hơn để tìm hiểu các chi tiết cụ thể. Tuy nhiên, theo thời gian, tác động của thiết bị điện tử với trẻ sẽ tăng lên. Càng lớn, các bé sẽ càng có xu hướng chậm phát triển hơn so với bạn bè đồng lứa. Những đứa trẻ khởi đầu với bộ não chậm phát triển hiếm khi có kết quả tốt và thành công ở trường học.
Radesky muốn thử nghiệm được nhân rộng trong những quần thể nghiên cứu khác. “Các nhà nghiên cứu và bác sĩ nhi khoa nên lấy kết quả này làm nền tảng khởi đầu cho những nghiên cứu khác trong tương lai. Có nhiều yếu tố về môi trường sống và gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ – ví dụ sự căng thẳng, sức khỏe và tinh thần của bố mẹ, những trải nghiệm vui chơi và thời gian tiếp xúc với ngôn ngữ. Không có yếu tố nào trong số đó được tính trong nghiên cứu này”, bà nói.
Phụ huynh nên làm gì?
Theo Radesky, mọi quyết định trong việc nuôi dạy con cái của cha mẹ đều ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, nhưng chúng ta có thể xem đây là một cơ hội quan trọng. Những hoạt động tương tác với phụ huynh như: đọc, hát, chuyện trò, đi dạo hoặc dành thời gian rảnh rỗi để chơi cùng… có thể giúp bé phát triển tích cực hơn.
Tùy thuộc vào từng độ tuổi khác nhau mà phụ huynh có thể cân nhắc xem có nên cho bé tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, TV hay không. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn theo từng độ tuổi dưới đây:
Trẻ sơ sinh
Tất cả trẻ em dưới 18 tháng tuổi đều không nên tiếp xúc với màn hình điện tử, trừ trường hợp trò chuyện video với gia đình và người thân. Ở độ tuổi này, các bé cần tương tác với người chăm sóc và môi trường xung quanh. Một nghiên cứu cho thấy ngay cả khi bật TV thụ động trong phòng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng chơi và tương tác của trẻ với môi trường xung quanh.
Trẻ mới biết đi
Khi tròn 2 tuổi, các bé có thể học từ ngữ trong những mẫu đối thoại hoặc trong video chúng xem hằng ngày. Nếu có phụ huynh xem cùng và giải thích nội dung, trẻ sẽ tiếp thu tốt hơn.
Trẻ mẫu giáo
Đối với trẻ từ 3-5 tuổi, một chương trình truyền hình được thiết kế tốt có thể giúp bé cải thiện khả năng nhận thức, tăng vốn từ vựng và phát triển một số kỹ năng xã hội. Tuy nhiên AAP lưu ý nhiều ứng dụng giáo dục trên thị trường hiện nay lại không được đầu tư và phát triển bởi các chuyên gia. Phương pháp tốt nhất là phụ huynh nên chơi cùng hoặc cho bé tiếp xúc nhiều với những bạn đồng trang lứa.
Tương tự như trẻ mới biết đi, các bé mẫu giáo sẽ tiếp thu những bài học tốt hơn nếu có người xem và tương tác cùng.
Theo CNN