Mục lục bài viết
Dù phần lớn các gói cước Internet hiện nay đều được quảng cáo không giới hạn dữ liệu. Nhưng thực tế nhà mạng thường hạ băng thông khi bạn xài vượt quá ngưỡng cho phép, khiến tốc độ truy cập giảm, ảnh hưởng đến trải nghiệm dịch vụ.
Đa số người dùng sẽ chọn những gói cước không giới hạn dữ liệu để tiết kiệm chi phí. Khi đó, bạn cần có biện pháp quản lý và kiểm soát tốt để tránh sử dụng quá mức dung lượng tối đa. Nếu đang dùng điện thoại Android, bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây. Lưu ý, giao diện điện thoại sẽ thay đổi, tùy thuộc vào nhà sản xuất, kiểu máy và phiên bản hệ điều hành.
Đặt giới hạn dữ liệu
Bạn có thể cài đặt để điện thoại đưa ra cảnh báo khi sử dụng gần hết giới hạn dữ liệu mà vẫn chưa kết thúc chu kỳ thanh toán hàng tháng. Tất nhiên với tính năng này bạn cũng có thể cài đặt giới hạn ở mức tối thiểu, không cho phép thiết bị sử dụng dữ liệu di động trong mọi trường hợp. Để cài đặt giới hạn dữ liệu, bạn làm theo cách sau:
Vào Cài đặt (Settings) > Mạng & Internet (Network & Internet) > Dữ liệu sử dụng (Data usage) > Cảnh báo & giới hạn dữ liệu (Data warning & limit).
Chọn Chu kỳ sử dụng dữ liệu (App Data Usages Cycle) rồi thiết lập ngày bắt đầu tính phí dữ liệu hàng tháng.
Quay lại và bật Đặt cảnh báo dữ liệu (Set data warning), nhập lượng dữ liệu cần giới hạn.
Cũng tại trang này, bạn có thể chọn Đặt giới hạn dữ liệu (Set Data Limit) để tắt hoàn toàn dữ liệu di động khi đạt tới giới hạn.
Sử dụng chế độ tiết kiệm dữ liệu
Các thiết bị từ Android 8 trở lên thường được trang bị chế độ Tiết kiệm dữ liệu (Data Saver). Nếu bật tính năng này, các ứng dụng và dịch vụ không thể truyền phát dữ liệu dưới nền khi tắt Wi-Fi.
Để kích hoạt chế độ Tiết kiệm dữ liệu, bạn làm theo cách sau:
Vào Cài đặt (Settings) > Mạng và Internet (Network & internet) > Dữ liệu sử dụng (Data usage) > Tiết kiệm dữ liệu (Data Saver). Sau đó chọn bật Sử dụng tiết kiệm dữ liệu (Use Data Saver).
Trong trường hợp cần một số ứng dụng chạy trong nền ngay cả khi đã bật chế độ Sử dụng Tiết kiệm Dữ liệu. Ví dụ bạn muốn nhận thông báo từ Facebook, Twitter, tin nhắn WhatsApp… hãy làm như sau:
Thực hiện lại theo các bước trên để vào mục Tiết kiệm dữ liệu (Data Saver), chọn mục Không giới hạn dữ liệu (Unrestricted data), sau đó kéo xuống và bật những ứng dụng bạn muốn cho chạy dưới nền.
Sử dụng ứng dụng quản lý dữ liệu riêng
Chế độ Tiết kiệm Dữ liệu (Data Saver) có thể giúp quản lý các ứng dụng ở chế độ nền. Nhưng nếu muốn kiểm soát dữ liệu di động một cách chi tiết hơn, bạn có thể cân nhắc ứng dụng Google Datally, My Data Manager hoặc một số chương trình quản lý dữ liệu khác trong Play Store.
Những phần mềm này không chỉ tự động ngăn ứng dụng hoạt động ở chế độ nền, mà còn hỗ trợ bạn đặt giới hạn dữ liệu hàng ngày, quản lý thời gian sử dụng, cài đặt giờ đi ngủ, lên kế hoạch kiểm soát dung lượng khi sắp hết gói cước, hỗ trợ quản lý dữ liệu một cách tối ưu nhất.
Một ứng dụng phổ biến khác là My Data Manager, có khả năng theo dõi việc sử dụng dữ liệu trên một hoặc nhiều thiết bị, sắp xếp cảnh báo, kiểm tra việc sử dụng dữ liệu trong gói cước gia đình (biết người nào sử dụng bao nhiêu phần trăm dữ liệu của tháng), đồng thời theo dõi mức tiêu thụ dữ liệu của người dùng. Bạn có thể dựa vào đó để tìm gói cước phù hợp với mình và người thân.
Theo The Verge