Khi những tin đồn rộ lên vào tháng 8 năm ngoái cho rằng Baidu – gã khổng lồ tìm kiếm của Trung Quốc đang tìm cách mua lại ứng dụng tin tức trị giá 22 tỷ USD, thì đại diện của Toutiao đã phản pháo báo giới đơn giản bằng một câu hỏi châm biếm: “Các bạn liệu có nhầm lẫn giữa người mua và người bán?”.

Cơ sở để Toutiao “tự tin” có phần hơi thái quá như vậy là vì họ đang phát triển thần tốc. Sau khi ra mắt vào năm 2012, họ đã thu hút được đến hơn 700 triệu người dùng tại Trung Quốc với hơn 68 triệu tài khoản hoạt động mỗi ngày, giá trị công ty cũng đã tăng lên đến 22 tỷ USD qua đợt huy động vốn hồi tháng 10/2017.

Biểu đồ giá trị công ty Toutiao

Không những thế, Bytedance – cha đẻ của Toutiao cũng vừa mua lại ứng dụng quay video hát nhép theo nhạc Musical.ly vào tháng trước, ứng dụng vẫn còn sốt trong giới trẻ ở Mỹ – với giá vào khoảng 1 tỷ USD.

Thành công của Toutiao đến từ việc áp dụng công nghệ học sâu (deep learning) để nắm bắt sở thích và thị hiếu của người dùng, từ đó điều chỉnh các thuật toán của mình để kiếm về nhiều lượt xem hơn. Nghe có vẻ quen thuộc, nhưng sức mạnh thực sự tuỳ thuộc vào “đội quân” lập trình (coder) của mỗi tổ chức và mang đến khác biệt.

Văn phòng Toutiao

Bytedance đã “phô diễn” điều này tại Thế vận hội Rio, với hàng trăm bài tin ngắn tạo nên từ Toutiao bot (người máy – phóng viên nhân tạo) có lượt xem cao ngất ngưỡng. Họ cũng chính là người đứng sau 4 trong 6 nền tảng video ngắn nổi tiếng nhất tại Trung Quốc.

Toutiao cung cấp hơn 200.000 bài báo và các video mỗi ngày – chắt lọc ra từ gần 4.000 đơn vị đưa tin trên khắp đất nước Trung Quốc. Khi mở ứng dụng, bạn sẽ thấy loạt bài đăng theo nhiều lĩnh vực, từ tin tức chính trị, xã hội cho tới những video hài hước.

Mỗi cú chạm của bạn cho phép Toutiao nắm bắt được sở thích người dùng từ đó điều chỉnh luồng thông tin phù hợp, và tạo sự “cá nhân hoá” đối với mỗi người dùng. Chủ đề bài báo hiển thị trên ứng dụng của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, dựa trên xu hướng, sở thích đọc tin của từng người ở những thời điểm khác nhau. Toutiao tự tin tuyên bố có thể “học và thấu hiểu” người dùng chỉ trong vòng 24 giờ.

Ứng dụng tin tức Toutiao

120 triệu người dùng hàng ngày của Toutiao trung bình dành đến 74 phút/ngày để đọc tin tức trên ứng dụng, nhiều hơn bất kể đối thủ nào trong và ngoài nước, bao gồm cả Facebook và thậm chí là WeChat, những nền tảng chỉ chiếm được 66 phút/ngày của người dùng. Qua đó, hơn một nửa thời gian là người dùng tiêu tốn vào việc xem video, đặc biệt có rất nhiều clip do 800.000 người dùng tự cung cấp và chia sẻ, từ giới nghệ sĩ nổi tiếng (celebs) ở Thượng Hải cho đến người nông dân tại Hà Nam. Một trong số đó là Kun, có thể gọi anh là vlogger về thực vật, chăm sóc cây cảnh. Anh có đến hơn 360.000 người theo dõi, kiếm về 10.000 nhân dân tệ (vào khoảng 1.500 USD) mỗi tháng, khoản tiền được Toutiao chia sẻ lại từ doanh thu quảng cáo.

Một số ý kiến tỏ ra lo ngại cho Baidu trước sự phát triển chóng mặt của Toutiao. Ứng dụng tin tức này đặt mục tiêu năm nay sẽ kiếm về được 50 tỷ Nhân dân tệ (NDT) từ quảng cáo, trong khi con số của Baidu vào năm ngoái chỉ là 15 tỷ NDT, đây vẫn là công cụ tìm kiếm lớn nhất ở Trung Quốc. Ngoài chủ đề bài viết, video, thì quảng cáo cũng được các chuyên gia thuật toán ở Toutiao cho “học sâu” để hiển thị gần nhất với nhu cầu của người dùng.

Một lần nữa ta thấy Toutiao tạo được sự khác biệt về công nghệ, vì trí tuệ nhân tạo (AI) và nguyên lý học sâu (deep learning) đã được sử dụng rất rộng rãi trong nhiều ứng dụng, nhưng mấu chốt không phải “bạn chọn nền tảng nào?” mà là “bạn tối ưu nền tảng ấy đến mức nào?”, Toutiao rõ ràng đang tự hào và cảm thấy may mắn vì sở hữu một đội ngũ lập trình viên rất tuyệt vời.

Sự ra đời của Toutiao, kết hợp cùng Meituan – dịch vụ trực tuyến từ việc ship món ăn, đến đặt vé xem phim, và Didi Chuxing – mô hình chia sẻ phương tiện di chuyển tựa như Uber và Grab, đã mang lại nhiều niềm hi vọng cho một nhóm dịch vụ internet mới “TMD”, sẽ phá vỡ sự độc tôn của bộ 3 “BAT” – Baidu, Alibaba & Tencent.

Toutiao vs Baidu

Thông thường, nhiều start-up về dịch vụ trực tuyến sẽ gia nhập cùng “BAT” để có thể truy cập vào tập người dùng, các thuật toán và cả những khảo sát có sẵn. Nhưng Bytedance lại có một hướng đi táo bạo hơn, đó là tìm kiếm tập người dùng mới, thông qua các loại hình dịch vụ internet khác. Trước khi đem về Music.ly, công ty này cũng đã kịp mua lượng lớn cổ phần của các tổ chức tin tức Ấn Độ, Indonesia, tiếp đến là Flipagram – đối thủ sừng sỏ của Instagram tại Mỹ. Chưa dừng lại ở đó, nhiều nguồn tin cho rằng Bytedance còn đang tìm cách thâu tóm cả Reddit, mạng xa hội hỏi đáp lớn nhất thế giới có trị giá gần 2 tỷ USD.

Toutiao mua cổ phần Flipagram

Có thể thấy, Bytedance không những sống tốt khi không cần đến tam tấu BAT, mà còn có tham vọng “đấu tay đôi” cùng gã khổng lồ này. Xem chừng câu hỏi “Ai mới là người mua?” được gởi đến báo giới của Toutiao thực sự là một lời thách thức của Bytedance dành cho Baidu, chứ không đơn thuần chỉ là lời châm biếm.

Theo economist

Góc quảng cáo