Internet là một không gian rộng lớn không thể tưởng tượng được với hằng hà sa số các video, hình ảnh, tin bài, sách vở và dữ liệu. Không những thể, nó còn phình lên theo cấp số nhân hàng ngày hàng giờ. Vậy bạn đã bao giờ thử tự hỏi mình rằng, rốt cục toàn bộ không gian Internet nặng bao nhiêu?
[irp]Có lẽ tiền giả định trong đầu rất nhiều người sẽ gán ghép trọng lượng của Internet với một con số khổng lồ nào đó. Câu chuyện hóa ra lại hoàn toàn ngược lại. Liệu bạn có ngạc nhiên không khi biết rằng Internet nặng không hơn một …quả dâu tây. Dĩ nhiên sẽ là một quả dâu tây hơi ngoại cỡ một chút, nhưng thôi nào, dâu nào mà chả là dâu.
Người ta đã tính toán như thế nào để cuối cùng tạo ra một phương trình ngược đời như vậy? Hãy bắt đầu từ một báo cáo gần đây cho rằng mỗi một cuốn sách được tải lên sản phẩm Kindle của Amazon, đều bằng cách nào đó khiến cho thiết bị này nặng thêm một chút.
Nói là báo cáo cho oai, chứ điều này thực ra cũng chẳng có gì lạ lẫm. Mọi sinh viên ngành kĩ thuật đều biết một kiến thức sơ đẳng là: Thông tin được lưu trữ trên các thiết bị điện tử dưới dạng các bit nhị phân. Những bit nhị phân này tồn tại được về mặt vật lý là bởi sự trôi nổi của các điện tích electron giữa các bán dẫn cổng. Và đây là trung tâm của vấn đề, các electron này có trọng lượng.
Chủ nhân của báo cáo này, giáo sư ngành khoa học máy tính John Kubiatowicz thuộc đại học Berkeley, ước lượng rằng khi chiếc kindle đầy sách, trọng lượng của nó sẽ tăng lên 10-18 gram. Đây là một con số thấp đến không tưởng. Loại cân khả dĩ nhất chúng ta chế tạo ra hiện nay chỉ cân đc đến 10-9 gram. Sạc đầy chiếc Kindle thậm chí có thêm vào một khối lượng gấp đến 100 triệu lần con số 10-18 kể trên.
Hóa ra việc cân một quyển sách điện tử lại đơn giản đến vậy. Giờ là lúc để nghĩ rộng ra đến Internet.
Vài năm trước, một nhà vật lý ở đại học Havard tên là Russell Seitz đã đặt ra câu hỏi tương tự, và tiện quá, ngồi cặm cụi tính toán giúp chúng ta luôn.
Trọng tâm trong tính toán của Seitz là máy chủ (server). Internet là một mạng lưới được cấu thành từ 75 cho đến 100 triệu máy chủ. Để vận hành số máy chủ chạy trên điện thế 3 Volt này ngốn một lượng điện năng tương đương 40 tỉ Watt. Từ đây chúng ta tính ra cường độ dòng điện đổi ra Ampere. Và bất cứ dòng điện 1 Ampere nào cũng có từ 10 đến 18 electron đang trôi nổi mỗi giây.
Bum! Mọi chuyện giờ đã quá đơn giản. Vì chúng ta biết trọng lượng của 1 electron, bé tí xíu cỡ 9 x10-28 grams, thế là hóa ra, cả Internet chỉ còn là 50 gram electron đang dịch chuyển. Một quả dâu tây béo ngậy.
Seitz cũng nói thêm rằng nếu cộng các vi mạch trong toàn bộ các máy tính cá nhân, con số sẽ tăng lên gấp ba.
Một phương pháp tiếp cận khác, không phải là đo năng lượng cần để phục vụ máy chủ, mà là năng lượng thực sự chứa trong khối thông tin khổng lồ trên internet.
Đây là phương pháp khó hơn, khi lượng thông tin trên Internet thay da đổi thịt hầu như liên tục với tốc độ kinh khủng. Eric Schmidt, cựu CEO Google, có lẽ là người nổi tiếng nhất từng đưa ra ước lượng về nó. Ông cho rằng toàn bộ Internet chứa khoảng 5 triệu terabyte thông tin và thậm chí gã khổng lồ Google của ông cũng mới chỉ sử dụng 0.004% trong số đó. Ước lượng này của Schmidt có thể đã quá lạc hậu khi mà khối lượng thông tin trên Internet sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm, nhưng nó cho chúng ta một ý tưởng khả dĩ để tính toán.
Có lẽ bây giờ các bạn đã quen với việc đo trọng lượng Internet bằng electron. Thì đây, một email bình thường khoảng 50kb chứa 8 tỉ electron trong đó.
8 tỉ, con số trông thì có vẻ lớn, nhưng sự tí hon đáng kinh ngạc của electron sẽ luôn cào bằng tất cả. Hãy tưởng tượng mỗi khi hoàn tất một bức thư xin việc, bạn chỉ đang thêm vào Internet một khối lượng bằng vài phần triệu gram. Internet, theo Smidcht, chứa được hơn một trăm triệu tỉ bức thư như thế.
Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ tới số lượng khổng lồ của từng video YouTube bạn xem, từng dòng entry Facebook bạn đọc, từng bức ảnh, tựa game, hay bài báo mà bạn lướt qua…. Thế mà khi cộng tất cả chúng lại— không chỉ cho riêng bạn mà cho cả hàng tỉ người dùng Internet khác nữa— cũng chỉ nặng ngang với mấy hạt muối này.
[irp]Nguồn: GenK