Chiều ngày 12/10, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ, dẫn đầu là TS. Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ tư vấn) đã đến thăm và làm việc tại văn phòng Ví điện tử MoMo.
Tại buổi gặp gỡ các thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ và Ban lãnh đạo Ví MoMo đã những trao đổi cởi mở xoay quanh nội dung vai trò của các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam.
Đại diện Ví điện tử MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp (Đồng sáng lập, Phó chủ tịch) đã dẫn đoàn tham quan các bộ phận quan trọng, được xem là “trái tim của MoMo”. Trong đó có Trung tâm Công nghệ Sản phẩm, Bộ phận nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), Bộ phận phát triển giải pháp kết nối cho các doanh nghiệp SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, hộ gia đình), Đơn vị phát triển ứng dụng và quản lý vận hành.
Vào tháng 9/2020, MoMo chính thức công bố cán mốc 20 triệu người sau 10 năm ra mắt thương hiệu Ví MoMo trên thị trường. Đây là giai đoạn mở ra chiến lược mới của của Ví điện tử MoMo, trở thành siêu ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam. Sự xuất hiện của MoMo từ khi thị trường còn trong giai đoạn chưa hình thành cho đến khi bùng nổ như hiện nay đã để lại những dấu ấn:
1. Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp: Đặc biệt là việc hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay MoMo xây dựng hệ sinh thái hơn 120.000 điểm chấp nhận thanh toán của các đối tác lớn nhỏ, trong và ngoài nước, từ xe đẩy trái cây cho tới hộ kinh doanh. Tại trung tâm đầu não, MoMo thành lập bộ phận “Giải pháp cho đối tác” (Merchant Solution) chuyên tập trung phát triển, sáng tạo các giải pháp kết nối cho các doanh nghiệp SMEs.
Các giải pháp dành cho đối tác của Ví MoMo đáp ứng 4 yếu tố mà các doanh nghiệp cần sau thời kỳ covid, nhất là trong kỷ nguyên số: Cung cấp hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt; Tìm kiếm khách hàng mới; Khả năng Chăm sóc khách hàng tốt hơn, thấu hiểu khách hàng hơn và cuối cùng chính là giải quyết bài toán Quản lý doanh thu và chi phí. Với giải pháp của mình, các đối tác của Ví MoMo sẽ có thêm hàng triệu khách hàng mới và chăm sóc khách hàng với chi phí thấp hơn. Đồng thời, các đối tác nhỏ, đơn lẻ (như các tiểu thương, người bán hàng rong, các bạn trẻ khởi nghiệp,..) đều có thể tương tác trên nền tảng Ví MoMo, tăng khả năng bán hàng và tăng tính cạnh tranh.
“Phát triển siêu ứng dụng sẽ mang đến network effect (hiệu ứng mạng) cho toàn bộ hệ sinh thái. Khi số lượng đối tác trên hệ thống MoMo và số lượng dịch vụ cung cấp tăng lên, lượng người dùng sẽ tăng theo, hỗ trợ lẫn nhau và tương tác để khách hàng có thêm nhiều dịch vụ mới hơn và thực hiện nhiều giao dịch mua sắm hơn. Rất nhiều đối tác hiện nay đang gặp vấn đề là họ không biết người khách hàng của mình là ai hoặc không đủ nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ hoàn chỉnh. Siêu ứng dụng mà MoMo xây dựng sẽ là nền tảng hữu hiệu giúp bất kỳ đối tác nào cũng dễ dàng tiếp cận được tập người dùng, hiểu được khách hàng của mình là ai ngay trên ứng dụng”, ông Nguyễn Bá Diệp (Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo) cho biết.
Ngay trong Quý 4/2020, người dùng Việt Nam sẽ thật sự được trải nghiệm Siêu ứng dụng từ Ví MoMo. Với siêu ứng dụng, các đối tác có thể có thêm hàng triệu khách hàng mới, cũng như chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả với chi phí thấp. Đặc biệt, siêu ứng dụng sẽ tạo điều kiện cho các đối tác nhỏ bé, đơn lẻ có thể tương tác trên nền tảng Ví MoMo, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Siêu ứng dụng MoMo sẽ đóng vai trò như những “CTO, CMO, CFO” của đối tác, đặc biệt là các SMEs. Nói rộng hơn là tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam. Đây chính là yếu tố chính trong Chiến lược New Retail – xu hướng mà các doanh nghiệp Việt đang hướng đến. Khi đó, bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến hoà hợp trong cùng một trải nghiệm thống nhất do dữ liệu dẫn dắt (data driven).
Việt Nam hiện có tới 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp 47% vào GDP cả nước, theo IDC – Tập đoàn dữ liệu quốc thế giới công bố hồi đầu tháng 9/2020. Nếu tham gia vào quá trình chuyển đổi số, nhóm các doanh nghiệp này có thể đóng góp đến 30 tỉ USD vào GDP quốc gia vào năm 2024. Số liệu IDC cũng cho thấy có tới 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa những sản phẩm mới ra thị trường. Tỉ lệ này tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, chỉ ở mức 32%.
2. Thúc đẩy tài chính toàn diện: Phối hợp cùng các Ngân hàng, Tổ chức tài chính, Ví điện tử MoMo sẽ xây dựng thang điểm tín dụng cá nhân (credit scoring) khi sử dụng MoMo, giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính, bảo hiểm một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Theo báo cáo của Google 2019, chỉ có khoảng 30% người Việt Nam trên độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, thấp hơn so với những quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tuy nhiên, tỉ lệ người lớn sử dụng smartphone tại Việt Nam lại chiếm tới 72%. Do đó, MoMo hướng tới phát triển giải pháp tài chính toàn diện cho người dân Việt Nam khắp mọi vùng miền nhằm giúp họ, đặc biệt nhóm thu nhập thấp có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay chính thức một cách dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, MoMo cũng không ngừng cải tiến và sáng tạo để cho ra những sản phẩm giải trí trên nền tảng ứng dụng công nghệ để biến các hoạt động thanh toán hàng ngày trở nên thú vị, thân thiện hơn với người dùng.
3. Đồng hành phát triển Chính phủ điện tử: Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cùng Chính phủ xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử cho dịch vụ công là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của MoMo. Đến nay, người dùng của MoMo tại 40 tỉnh, thành trên toàn quốc đã có thể thanh toán phí, lệ phí, đóng phạt hành chính bằng Ví điện tử MoMo.
Khởi đầu từ đầu tháng 4/2019, MoMo đã triển khai phối hợp Đề án Thành phố thông minh với TP. Đà Nẵng để người dân có thể thanh toán điện tử cho các dịch vụ hành chính công qua ví điện tử MoMo. Từ những dấu hiệu tích cực ban đầu, ứng dụng MoMo cũng được hỗ trợ để phối hợp cùng chính quyền nhiều tỉnh, thành phố mở rộng mô hình thanh toán điện tử cho các dịch vụ khác trên địa bàn thành phố như thu phí chung cư, phí đỗ xe, học phí, viện phí, thanh toán cho nhà hàng, khách sạn, cơ sở du lịch.
Tỉ trọng của thanh toán không tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong kinh tế tăng dần qua các năm cho thấy tín hiệu tích cực trong chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu cập nhật mới nhất cho thấy tỉ trong thanh toán phi tiền mặt, đặt biệt qua kênh di động tăng mạnh mẽ. Cụ thể, thanh toán qua kênh điện thoại di động trong 4 tháng đầu năm 2020 đã tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
“MoMo không nhìn thanh toán dịch vụ công như mảng kinh doanh thông thường mà nó sẽ tạo ra những tác động lớn về mặt vĩ mô. Việc thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến về bản chất là thúc đẩy sự phát triển của xã hội, “xây dựng nền tảng của một xã hội không tiền mặt” như mục tiêu Chính phủ hướng tới”, ông Diệp nhấn mạnh.
4. Tạo cảm hứng cho các startup khởi nghiệp sáng tạo: Không chỉ tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chặng đường MoMo đã đi qua đã đặt nền móng cho những công ty fintech tiếp tục phát triển.
MoMo là một trong những ví đầu tiên thành lập tại Việt Nam và cũng là đơn vị tiên phong hợp tác với các ngân hàng, đối tác doanh nghiệp, mở rộng hệ sinh thái và tạo cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho những công ty khác tham gia vào hệ sinh thái Fintech Việt Nam luôn đổi mới và phát triển để người dùng có thể tiếp cận tới những sản phẩm dịch vụ tốt nhất. Nếu như năm 2015, thị trường Fintech Việt Nam chỉ có 5 ví điện tử thì đến nay đã có 37 ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động.
Cũng tại buổi gặp gỡ, Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã có buổi trao đổi với Ban lãnh đạo Ví MoMo, trong đó, nhấn mạnh vị trí, vai trò của Fintech nói chung và Ví MoMo nói riêng với sự phát triển chung của kinh tế – xã hội.
Không dừng lại ở cung cấp dịch vụ thanh toán, sự sáng tạo, nhanh nhạy với thị trường cùng nền tảng công nghệ vững mạnh, các đơn vị như Ví MoMo đang ngày một khẳng định vị trí quan trọng của mình, tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Việt Nam, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh trình bày những kết quả đạt được đại điện Ví MoMo cũng có những đề xuất liên quan đến hành lang pháp lý dành cho Fintech, cụ thể:
- Thúc đẩy và mở rộng thanh toán dịch vụ công (thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nộp phạt vi phạm hành chính,…) thông qua hình thức không tiền mặt và có cơ chế trà phí phù hợp.
- Cơ chế pháp lý cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: Ngành tài chính với đặc thù là mạch máu của nền kinh tế thường phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ chế quản lý rủi ro, hành lang pháp lý dành cho Fintech cũng còn cần có quan điểm khoan dung, dễ chấp nhận hơn. Song song, là tinh thần khuyến khích các Fintech phát triển thông qua các cơ chế hỗ trợ về miễn giảm thuế, thu hút nhân tài,… Như vậy cũng phù hợp với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà Chính phủ hướng tới.
“Một khi đã có sự tham gia của công nghệ, người dân Việt Nam chắc chắn sẽ thuận tiện hơn trong tiếp cận các dịch vụ tài chính, sớm thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện của Chính phủ. Vì vậy, tinh thần pháp lý dành cho các Fintech mà Ví MoMo nói riêng và các đơn vị khác nói chung mong muốn là có sự bằng giữa lợi ích và rủi ro nhất định. Nếu như đổi mới đem lại lợi ích đến 99% thì cũng cần có quan điểm khoan dung hơn với 1 – 2% rủi ro có thể tăng lên khi mà chúng ta khuyến khích và cho phép các hình thái mới phát triển”, ông Nguyễn Bá Diệp (Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo) bày tỏ.
Về phía Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, sau khi lắng nghe phần trình bày và kiến nghị từ Ví MoMo cũng đã có phát biểu kết luận. Trong đó, các thành viên Tổ tư vấn khẳng định mục tiêu cuối cùng của cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý đối với thị trường Fintech vẫn phải lấy sự an toàn của người dân và nền tài chính quốc gia làm trọng. Nhưng chắc chắn sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ, xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) phát biểu:
“Hôm nay đến thăm và làm việc với Ví MoMo chúng tôi rất tự hào, rất là vui vì các bạn là sản phẩm do người Việt xây dựng và vận hành. Lần đầu tiên chúng tôi tiếp cận với một công ty hoàn toàn dùng công nghệ để xử lý các vấn đề về tài chính, điều này trái ngược với chúng tôi. Chúng tôi xuất phát điểm là những người làm công tác kinh tế vĩ mô, làm công tác tài chính để nhìn vào cách thức quản lý xã hội, quản lý nền kinh tế. Chúng tôi cũng không dám nói là các chính sách vĩ mô mà chúng tôi đề ra là hoàn toàn hợp lý nhưng chúng ta cũng cần ý thức rõ: Trong quá trình phát triển của nền kinh tế cần phải có sự đồng bộ giữa công nghệ và cơ chế chính sách. Đúng là hiện nay cơ chế chính sách chúng ta vẫn đang ở tư tưởng chủ đạo là phòng rủi ro tránh sự cố cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, như các bạn biết vĩ mô là lấy ổn định làm trọng, ổn định của nền kinh tế và ổn định xã hội. Đây cũng là một mâu thuẫn dễ hiểu trong quá trình phát triển.
Chúng tôi ghi nhận và hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục có những buổi trao đổi kỹ hơn. Chúng tôi cũng không dám hứa tất cả kiến nghị của Ví MoMo đều được giải quyết nhưng chúng tôi có thể hứa là sẽ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chia sẻ không chỉ với Ví MoMo mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech để chúng ta hình thành môi trường kinh doanh hợp lý, hài hòa.
Một lần nữa xin thay mặt Tổ tư vấn chúc Ví MoMo sẽ thành công trong quá trình phát triển của mình, thành công trong việc thực hiện ước mơ của mình, trở thành những người đi đầu trong lĩnh vực công nghệ mới và là thương hiệu đáng tự hào cho Việt Nam”.
Danh sách đoàn Tổ Tư Vấn Kinh Tế của Thủ Tướng Chính Phủ ghé thăm và làm việc với Ví MoMo:
- Ông Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Đại biểu quốc hội khóa XIV)
- Ông Trương Văn Phước (Thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng)
- Ông Nguyễn Quang Thuấn (Phó chủ tịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Hội đồng Lý luận trung ương)
- Ông Nguyễn Văn Thạo (Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Ương)
- Ông Nguyễn Xuân Thành (Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng)
- Ông Đào Minh Thắng (Giúp việc Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng)
- Ông Chu Khánh Lân (Giúp việc Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng)
Tổ Tư vấn Kinh tế có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm. Ngoài ra, Tổ tư vấn còn phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiệm vụ tư vấn, khuyến nghị các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động thất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế. Tham gia ý kiến các báo cáo, đề án lớn về kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ.