Chỉ trong nửa đầu 2018, cả nước có thêm 24 tỉnh thành triển khai Chính quyền thông minh qua Zalo và con số này đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo thống kê đến tháng 7/2018, Việt Nam có 26 tỉnh thành ứng dụng mô hình Chính quyền thông minh qua Zalo, trong đó đến 24 địa phương triển khai đầu năm nay. Thời gian tích hợp thành công hệ thống khá nhanh chóng, có thể chỉ gói gọn trong vòng hai tuần, nhưng mang lại hiệu quả rất tích cực và lâu dài cho cả nhà nước và người dân.
Đây được xem là bước tiến dài về cải cách thủ tục hành chính, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin-cho”…mà người dân vẫn kêu than lâu nay, mang lại hiệu quả tích cực, phù hợp với xu thế của cách mạng 4.0.
Ông Nguyễn Ngọc Hai – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, đây là một chương trình quan trọng trong thời đại 4.0. “Việc xây dựng mô hình chính quyền điện tử trên Zalo nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân, giúp quá trình giải quyết thủ tục hành chính được thuận tiện hơn”, ông nói.
Ưu điểm của mô hình này là người dân có thể tra cứu và nhận kết quả của hơn 2.000 thủ tục hành chính như đăng ký kết hôn, hộ tịch, hộ kinh doanh, cấp giấy phép lái xe quốc tế, giấp phép xây dựng, giấy sở hữu nhà đất,… thậm chí cả kết quả giải quyết khiếu nại, tranh chấp.
Thay vì phải trực tiếp đến trung tâm hành chính, người dân có thể thực hiện các thao tác nhanh chóng và dễ dàng thông qua ứng dụng Zalo ngay trên điện thoại. Chính quyền các tỉnh cũng có thể chủ động gửi thông tin quan trọng tới người dân đầy đủ, chính xác.
Không chỉ dừng lại ở mức tra cứu, nhận kết quả hồ sơ, một số địa phương đã có kế hoạch cho người dân làm thủ tục trực tiếp bằng cách điền thông tin vào tờ khai điện tử và đính kèm hình ảnh giấy tờ cần thiết qua Zalo đến Trung tâm hành chính công của tỉnh.
Nếu thành công, mô hình này sẽ giải quyết triệt để những rào cản trong công tác cải cách hành chính hiện tại, tạo ra kết quả đột phá cho cả chính quyền lẫn người dân.