Apple vừa gỡ bỏ HKmap Live, ứng dụng bản đồ được người Hồng Kông dùng theo dõi các cuộc biểu tình và hoạt động của cảnh sát địa phương khỏi App Store.
Đại diện Apple tuyên bố họ đưa ra quyết định sau khi tham khảo ý kiến chính quyền địa phương và nhấn mạnh HKmap Live đã vi phạm quy tắc của công ty vì được sử dụng cho mục đích xấu. Cụ thể, hãng cho rằng nhiều người đã lợi dụng ứng dụng bản đồ này để phục kích và tấn công cảnh sát, gây hại cho cư dân ở những khu vực không có nhân viên thực thi pháp luật.
Nhà phát triển HKmap Live phản bác lý do này, họ cho rằng thông báo Apple đưa ra hoàn toàn không có căn cứ. Trên thực tế nhà sản xuất iPhone đã không dẫn bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cáo buộc của mình. Hiện tại phiên bản web của HKmap vẫn có thể truy cập trên các thiết bị của Apple.
Đầu tháng này Apple từ chối cấp phép HKmap Live vì cho rằng ứng dụng “tạo điều kiện, cho phép và khuyến khích hoạt động bất hợp pháp”. Sau khi bị cộng đồng và các tổ chức nhân quyền lên án, hãng đã phê duyệt cho ứng dụng bản đồ này hoạt động trên iOS.
Ngay sau đó, hành động của Apple đã bị chính phủ Trung Quốc chỉ trích gay gắt. Nhiều tờ báo chính thống của Bắc Kinh gọi HKmap là “ứng dụng độc” và cáo buộc Táo Khuyết đồng lõa với phong trào biểu tình ở Hồng Kông.
Hôm nay Apple đã chính thức thông báo xóa ứng dụng HKmap khỏi App Store. Hãng thông báo với nhà phát triển rằng họ gỡ bỏ ứng dụng vì “HKmap Live được sử dụng để gây nguy hiểm cho các cơ quan thực thi pháp luật và cư dân tại Hồng Kông”.
Đại diện nhà phát triển lại một lần nữa cho rằng quyết định của Táo Khuyết là bất công và “không phù hợp với quy trình kiểm duyệt ứng dụng thông thường”. Trong khi đó, một số ứng dụng bản đồ thời gian thực khác, ví dụ như Waze của Google cũng cung cấp chức năng tương tự, hỗ trợ người dùng tránh các trạm kiểm soát của cảnh sát nhưng vẫn được tiếp tục hoạt động trên iOS.
“Hiện tại không có bằng chứng nào từ Cục phòng chống tội phạm công nghệ và an ninh công nghệ Hồng Kông cho thấy ứng dụng bản đồ HKmap Live được sử dụng để phục kích và tấn công cảnh sát, đe dọa an toàn công cộng, hoặc bị tội phạm lạm dụng để gây nguy hiểm cho cư dân ở những nơi không có sự hiện diện của người thực thi pháp luật”, nhà phát triển HKmap Live tuyên bố.
Khi Apple phê duyệt cho HKmap Live, hãng đã bị lên án mạnh mẽ từ truyền thông Trung Quốc. People’s Daily – cơ quan ngôn luận Bắc Kinh – cho rằng hành động cấp phép cho “ứng dụng độc hại” này là sự phản bội lại lòng tin của người dân Trung Quốc dành cho Apple.
HKmap Live không phải ứng dụng duy nhất bị xóa khỏi App Store. Hôm qua, Quartz đã rút khỏi iOS để tiếp tục đăng các bài viết ủng hộ phong trào biểu tình ở Hồng Kông, bởi vì những nội dung này được xem là “bất hợp pháp ở Trung Quốc”.
Trung Quốc là thị trường màu mỡ mà tất cả doanh nghiệp đều muốn giành thị phần. Tuy nhiên, để có thể kinh doanh tại đây, các công ty luôn phải tìm cách cân bằng giữa tự do ngôn luận và áp lực của chính quyền Bắc Kinh.
Một trường hợp khác, hình ảnh cờ Đài Loan đã bị cấm ở Trung Quốc từ năm 2017. Khi phát hành bản cập nhật iOS 13.1.1 hồi tháng trước, nhà sản xuất iPhone đã loại bỏ biểu tượng cảm xúc cờ Đài Loan khỏi bàn phím mặc định trên những thiết bị bán ở Hồng Kông và Macau. Hành động này của Nhà Táo đã khiến người Đài Loan vô cùng phẫn nộ.
Không chỉ Apple, TikTok cũng là một trong hãng công nghệ nhún nhường chính phủ Trung Quốc để được tiếp tục hoạt động tại thị trường đông dân nhất thế giới. Hồi tháng 8, Quartz báo cáo ứng dụng TikTok chặn những nội dung về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông trên nền tảng của mình.
Trước đây, Apple từng chấp nhận một số yêu cầu khác của chính quyền Bắc Kinh như xóa ứng dụng VPN khỏi App Store Trung Quốc để hạn chế người dùng truy cập các trang web nước ngoài. Ngoài ra, Táo Khuyết còn chặn các ca sĩ Hồng Kông trên nền tảng Apple Music ở Trung Quốc.
Những trường hợp trên cho thấy rằng Apple, TikTok và nhiều công ty khác đang lựa chọn khuất phục trước chính quyền Bắc Kinh để có chỗ đứng tại thị trường tỷ dân, kể cả khi những quyết định họ đưa ra có bất công và độc đoán. Ngay cả Apple, hãng công nghệ luôn tuyên bố xem trọng bảo mật và quyền riêng tư, cũng đang đi ngược lại triết lý của mình để đổi lấy quyền lợi.
Theo The Next Web