Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, giờ đây không cần những thiết bị cao cấp, chỉ với một chiếc smartphone tầm trung là bạn đã có thể sử dụng tính năng chụp ảnh 3D của Facebook.
Tính năng chụp ảnh 3D của Facebook được giới thiệu lần đầu năm 2018. Công nghệ này có khả năng thêm hiệu ứng 3D vào chủ thể chính của ảnh, tạo cảm giác trung tâm bức ảnh đang chuyển động trong không gian ba chiều khi người dùng nghiêng điện thoại hoặc cuộn Bảng tin (News Feed). Vào thời điểm đó, tính năng thú vị này đã tạo thành xu hướng mới trong cộng đồng mạng. Tuy nhiên, chỉ những mẫu smartphone cao cấp có 2 camera trở lên và hỗ trợ tính năng chụp ảnh xóa phông (portrait mode) mới có thể sử dụng công nghệ này.
Giờ đây, với sự trợ giúp của AI, Facebook cho biết họ có thể chuyển hình ảnh 2D thông thường thành ảnh 3D ngay cả khi điện thoại không có chế độ chụp xóa phông. Để làm được điều này công ty đã đào tạo một mạng lưới thần kinh (neural network) chuyên “ước tính khoảng cách cho mỗi điểm ảnh”. Về cơ bản, hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán dữ liệu chiều sâu của bức ảnh, cho ra chuyển động 3D hoàn chỉnh mà không cần điện thoại phải có nhiều camera như trước.
Hiện tại tất cả thiết bị đều có thể xem ảnh 3D trong News Feed, nhưng khả năng đăng ảnh chỉ mới khả dụng cho iPhone 7 trở lên, một số mẫu điện thoại Android tầm trung, cả Samsung Galaxy Note 8, Note 9 và toàn bộ dòng Google Pixel, trừ Pixel 3A. Facebook chưa cung cấp thông tin về những dòng điện thoại tương thích, vì vậy bạn phải chờ trong vài ngày để xem thiết bị của mình có hỗ trợ tính năng này hay không.
Thực ra Facebook không phải hãng đầu tiên sử dụng công nghệ này. Trước đây Google từng áp dụng kỹ thuật tương tự cho chế độ chụp xóa phông của điện thoại Pixel. Tuy nhiên, điểm khác biệt là phiên bản của Facebook hỗ trợ chỉnh cả những bức ảnh đã chụp trước đó. “Gã khổng lồ mạng xã hội” cho biết công nghệ của họ có thể tạo hiệu ứng 3D cho các bức ảnh selfie mới chụp gần đây, và cả những hình ảnh chụp từ hàng chục năm trước.
Ngoài ra, Facebook còn đang có kế hoạch áp dụng kết quả nghiên cứu vào video. Điều này có thể mở ra một số khả năng thú vị cho công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (VA).