Những vi hạt nhựa này có thể đã thâm nhập vào cơ thể của con người khiến họ có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe.

Lần đầu tiên tìm thấy vi hạt nhựa trong chất thải con người

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Vienna và Cơ quan Môi trường Áo đã tìm thấy vi hạt nhựa (Microplastics) trong chất thải của con người. 8 người tình nguyện tham gia vào cuộc nghiên cứu đến từ Anh, Phần Lan, Italy, Hà Lan, Ba Lan, Áo, Nhật Bản và Nga.

Những người này không ăn chay, đồng thời giữ một cuốn nhật ký thực phẩm trước khi được lấy mẫu phân. Nhật ký cho thấy các tình nguyện viên đều sử dụng thức ăn được bọc trong nhựa hay uống nước đóng chai. 6 trong số này đã ăn cá biển.

Mẫu thử của tám đối tượng đã gởi đến một phòng thí nghiệm ở Vienna và được phân tích bằng thiết bị đo hồng ngoại tuyến biến đổi quang phổ Fourier (FTIR). Kết quả cho thấy, có đến 9 loại nhựa khác nhau trong tổng số 10 loại được phát hiện, với kích thước từ 50 đến 500 micromet.

Như vậy, trung bình mỗi 10gr phân sẽ có 20 vi hạt nhựa. Trong đó, Polypropylene và Polyethylene Terephthalate là loại nhựa phổ biến nhất được tìm thấy.

Dựa vào nghiên cứu trên, tác giả chỉ ra rằng hơn 50% dân số thế giới có thể có vi hạt nhựa trong chất thải của mình. Mặc dù họ nhấn mạnh cần tiến hành những cuộc nghiên cứu có quy mô lớn hơn để chứng tỏ điều đó.

Phillipp Schawabl, người đứng đầu cuộc thử nghiệm cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên về vi hạt nhựa và chứng thực điều mà chúng ta đã nghi ngờ từ lâu, rằng cuối cùng nhựa cũng đến được ruột của con người. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với chúng tôi, nhất là những bệnh nhân bị bệnh đường tiêu hóa”.

Trước đó, những nghiên cứu về động vật cũng phát hiện ra nhựa có trong đường ruột, các vi hạt nhựa nhỏ nhất có thể xâm nhập vào máu, hệ bạch huyết và thậm chí là gan. Ngoài ra, hạt còn được tìm thấy ở các mẫu nước đóng chai trên toàn thế giới và trong đại dương.

Ông Schawabl nói: “Đây là bằng chứng đầu tiên về việc nhựa có trong ruột của con người. Do đó, cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu xem liệu điều này có ý nghĩa gì đối với sức khỏe”.

Việc sử dụng nhựa trở nên phổ biến trong đời sống hiện nay. Vì thế, để loại bỏ là điều vô cùng khó khăn. Cứ mỗi phút lại có một triệu nước đóng chai được mua trên toàn thế giới. Dự kiến, con số này sẽ tăng thêm 20% vào năm 2021.

Hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào tìm hiểu tác động thực tế của nhựa đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc tích hợp các hạt này trong cơ thể dù ít hay nhiều cũng gây ảnh hưởng.

Mới đây, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu cho dự luật cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như tăm bông, dao nĩa, ống hút, đồ dùng thực phẩm. Nếu Ủy ban châu Âu phê chuẩn và được thông qua từng quốc gia thành viên của Liên minh, dự luật sẽ sớm thành luật vào năm 2021.

Theo The Guardian

Góc quảng cáo