Mục lục bài viết
Bạn muốn Fake IP để an toàn khi lướt net? Fake IP như thế nào là tốt nhất? Bài viết dưới đây sẽ giáp đáp các thắc mắc đó giúp bạn.
Có một điều dễ nhận thấy rằng người ta càng ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo vệ sự riêng tư cá nhân. Điều này đặc biệt đúng trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Việc để thông tin cá nhân bị lộ đôi khi sẽ vô cùng tai hại.
Nhưng thường không nhiều người biết rằng địa chỉ IP cũng có thể được hacker tận dụng để khai thác thông tin cá nhân. Đó chính là lý do hiện nay ngày càng có nhiều người quan tâm đến vấn đề Fake IP.
Dù rằng bạn không thể ẩn danh một cách tuyệt đối trên internet bằng cách fake IP. Tuy nhiên, với đa số trường hợp, như thế là quá đủ để bạn an tâm rồi.
Phương pháp 1: Sử dụng VPN
VPN là viết tắt của Virtual Private Network. Nghe thì hầm hố thế thôi chứ ý nghĩa của nó khá đơn giản. Về cơ bản, khi dùng VPN bạn sẽ kết nối đến một máy chủ. Tiếp đến bạn lướt net, thông tin sẽ được gửi nhận và thông qua máy chủ này. Thế nên mọi hoạt động của bạn trông nó sẽ giống như là được xuất phát từ máy tính kia chứ không phải từ IP nhà bạn.
Nói một cách khác, khi bạn kết nối đến một VPN tức là bạn đang ẩn địa chỉ IP của mình dưới một địa chỉ IP khác. Mọi thông tin gửi và nhận sẽ đều đi qua máy đó trước khi đến máy của bạn.
Tốt nhất là bạn nên sử dụng các dịch vụ VPN có thu phí. Bởi lẽ, khi sử dụng các dịch vụ miễn phí có một vài rủi ro nhất định. Liệu nó có thực sự bảo vệ IP của bạn không? Lỡ nó lấy dữ liệu của mình đem bán thì sao? Điều này có thể lắm chứ. Với những dịch vụ miễn phí thì khó có thể đòi hỏi gì cao được, phải không nào.
Đa phần các dịch vụ VPN có thu phí đều mã hóa rất mạnh. Mọi thông tin gửi và nhận đều được mã hóa. Đảm bảo chống được việc đánh cắp dữ liệu của bạn.
Cách sử dụng VPN
ExpressVPN và NordVPN là hai dịch vụ có thu phí khá tốt bạn có thể tham khảo. Nếu không ưng, bạn có thể Google nhẹ một cái là sẽ có rất nhiều nhà cung cấp cho bạn lựa. Về cơ bản, các dịch vụ này đều có cách sử dụng giống hệt nhau. Bạn chỉ việc tải một ứng dụng về, bật nó lên và thế là bạn sẽ tự động kết nối vào VPN. Rất dễ phải không?
Ngoài việc giúp bạn ẩn danh ra, VPN còn rất hữu dụng trong mùa cá mập cắn cáp nữa. Nếu bạn đang vào Facebook không được hoặc rất chậm, hãy thử VPN xem. Bạn sẽ thấy khác biệt ngay lập tức đó.
Phương pháp 2: Sử dụng Web Proxy
Web Proxy có cách thức hoạt động khá giống VPN: bạn kết nối đến một server, rồi từ đó mọi thông tin gửi nhận sẽ qua server này. IP của bạn vẫn được ẩn giấu phía sau IP của Web Proxy Server.
Tuy nhiên có hai điểm khác biệt rất lớn giữa proxy và VPN.
Thứ nhất, Web Proxy thường không được mã hóa. Cho nên, dù rằng IP của bạn đã được ẩn sau IP của proxy, nó vẫn có thể bị phát hiện. Thậm chí, một số trang web vẫn có thể biết được địa chỉ IP thật của bạn thông qua một vài đoạn mã JavaScript hoặc Flash.
Thứ hai, Web Proxy chỉ dùng cho các trình duyệt. Để sử dụng bạn phải vào phần thiết lập và cài proxy cho nó. Bạn chỉ được coi là đã fake IP khi sử dụng trình duyệt thôi nhé. Các ứng dụng khác sẽ vẫn sử dụng địa chỉ IP thực của bạn.
Cách cài đặt Web Proxy
Trước hết bạn phải tự kiếm cho mình một địa chỉ Proxy đã nhé. Bạn có thể sử dụng trang PremProxy hoặc Proxy List cũng ổn. Thường thì sử dụng proxy có vị trí địa lý càng gần thì sẽ có tốc độ càng nhanh. Tuy nhiên, sử dụng proxy ở khu vực khác có thể giúp bạn xem các nội dung bị chặn theo từng khu vực.
Nếu bạn dùng Firefox
Từ menu chính, bạn chọn Option > Advance > Network. Dưới phần Connection, chọn Setting. Bạn chọn Manual proxy configuration, sau đó nhập vào địa chỉ của proxy và port là xong.
Nếu bạn dùng Edge
Từ menu chính bạn chọn Setting > View advance setting > Open proxy setting. Ở phần Manual proxy setup bạn bật Use a proxy server. Sau đó bạn nhập địa chỉ proxy và port vào là OK.
Nếu bạn dùng Chrome, Opera hay Vivaldi
Ở menu chính bạn chọn Setting. Sau đó ở ô tìm kiếm bạn gõ “proxy” vào, chọn Open proxy setting. Tới đây bạn chọn LAN Setting rồi nhập proxy và port vào như hình trên nhé.
Chrome, Opera, Vivaldi và các trình duyệt khác dựa trên nền tảng của Chrome đều không có cơ chế sử dụng proxy riêng. Tất cả đều sử dụng proxy chung của cả hệ thống.
Tuy nhiên, vẫn có các add on cho phép bạn sử dụng proxy riêng cho trình duyệt. Ví dụ như Proxy Switcher hay SwitchyOmega chẳng hạn. Trong số các trình duyệt trên, Opera thậm chí còn có riêng cho mình một hệ thống VPN nữa.
Phương pháp 3: Sử dụng WiFi công cộng
Thay vì việc ẩn danh dưới một địa chỉ IP nào đó, bạn có thể truy cập luôn vào một mạng nào đó một cách trực tiếp luôn. Cách dễ nhất là sử dụng các WiFi công cộng.
Hơi buồn cười một cái là, đây là cách duy nhất để bạn ẩn IP ở nhà của bạn một cách tuyệt đối. Chẳng có cách nào để dò ra IP ở nhà của bạn khi mà bạn đang dùng một mạng wiFi ở chỗ khác cả. Hơn nữa, những WiFi công cộng này có rất nhiều người dùng. Cho dù bạn làm gì thì hoạt động của bạn cũng sẽ bị chìm, lẫn vào trong một đống các hoạt động khác.
Tuy nhiên, bạn phải thật cẩn thận khi sử dụng WiFi công cộng.
Mặc định thì các WiFi công cộng không có mật khẩu đều không được mã hóa. Mọi hoạt động trong mạng này đều có thể bị nhìn thấy chỉ bằng vài kỹ thuật đơn giản. Mật khẩu của bạn cũng rất dễ bị đánh cắp nếu như sử dụng WiFi dạng này. Chưa kể, nguy cơ bị dính malware cũng sẽ cao hơn khi bạn sử dụng wifi công cộng nữa.
Về cơ bản, sử dụng WiFi công cộng giúp bạn giấu được IP ở nhà của mình. Tuy nhiên những bất lợi nó đem lại thì lại còn nhiều hơn. Xem xét cho cùng, cách này hoàn toàn không đáng tin cậy bằng việc sử dụng VPN. Thậm chí, các chuyên gia bảo mật còn khuyên nên càng ít sử dụng wifi công cộng càng tốt.
Kết luận
Chắc hẳn sẽ khá bất ngờ nếu nói rằng chính bản thân bạn mới là nguy cơ lớn nhất cần đề phòng khi online. Đa số chúng ta đều thường không để ý đến việc bảo vệ thông tin cá nhân. Chúng ta chia sẻ số điện thoại, địa chỉ, hình ảnh lên mạng một cách thỏa mái vì nghĩ rằng nó vô hại. Thực tế điều này lại rất có hại.
Bên cạnh việc trang bị giải pháp kỹ thuật như trên, để đảm bảo an toàn cho bản thân một cách tuyết đối, bạn cũng cần phải thay đổi thói quen của mình nữa nhé. Hạn chế đưa các thông tin cá nhân lên mạng là cách tốt nhất để bảo vệ mình trước thế giới mạng đầy nguy hiểm.
Theo MakeUseOf