Không chỉ thường xuyên tự ý khóa các tài khoản quảng cáo, Facebook còn bị cộng đồng Marketing tại Việt Nam đánh giá tệ về mức độ hỗ trợ.
Anh Nguyễn Đức, một người chuyên chạy quảng cáo trên Facebook (Facebook Ads) cho biết thời gian qua mạng xã hội này xảy ra tình trạng lỗi nhiều, gây ảnh hưởng đến các chiến dịch marketing. “Lỗi thường xuyên, trong khi lượng tiếp cận bị “bóp” lại và tài khoản thì liên tục bị khóa”, anh Đức chia sẻ.
“Về Facebook Ads bây giờ có rất nhiều vấn đề gây bức xúc, họ thích là sẽ khóa tài khoản không cần báo lý do cụ thể, và đã khóa thì không chắc sẽ tha. Nếu bạn liên hệ với đội hỗ trợ Facebook vùng phụ trách Việt Nam, câu trả lời cũng là không thể giúp”, anh Đức bức xúc nói.
Theo anh Đức, trong nhiều trường hợp xảy ra gần đây, không ít tài khoản bị khóa với dòng thông báo vỏn vẹn “vi phạm điều khoản cộng đồng”, còn điều khoản nào thì không ai biết và cũng không có lời chỉ dẫn nào thêm. Nếu tài khoản hoặc thẻ thanh toán chạy quảng cáo bị Facebook liệt vào danh sách khả nghi, người chạy Ads cũng không biết đã vi phạm vào mục nào, điều nào trong chính sách của hãng mà có tên trong danh sách này. “Họ thích là khóa tài khoản, bạn không có cơ hội sửa chữa, không thể tìm hiểu mình sai ở đâu và khi đã bị khóa rồi thì việc sau đó thế nào Facebook không quan tâm”, theo anh Đức.
Nạn nhân của thói “tiền trảm hậu tấu” không chỉ là những tài khoản nhỏ lẻ, chạy Ads thông thường, mà kể cả các tài khoản quản lý doanh nghiệp – vốn được xem là “bất khả xâm phạm” – cũng chịu chung số phận. Bất kể việc chi hàng tỉ đồng quảng cáo mỗi tháng, chỉ cần trong danh sách quản lý có tài khoản bị liệt vào danh sách vi phạm, tài khoản quản lý doanh nghiệp cũng có thể…”bốc hơi” – một đi không trở lại.
Trong khi doanh nghiệp, cá nhân chạy dịch vụ quảng cáo trên Facebook gặp khó, bộ phận hỗ trợ xử lý lại liên tục bị phản ánh làm việc tắc trách, hờ hững trong việc giúp đỡ chính những người đang góp phần tạo ra doanh thu cho mạng xã hội này.
“Nếu nói Facebook không tôn trọng người làm Ads, marketing thì phải nhìn vào sự hỗ trợ của họ mới thấy hết. Mỗi lần xảy ra chuyện, người dùng kháng nghị phải đợi 2 – 3 ngày mới có phản hồi, họ đòi cung cấp đủ thông tin rồi lại hẹn mấy ngày sau có kết quả giải quyết. Nhưng một là “quên” luôn, hai là chẳng thể hỗ trợ được gì”, đại diện một đại lý quảng cáo tại TP.HCM cho hay.
Không ít trường hợp khi liên hệ chỉ nhận được những câu trả lời từ hệ thống máy tự động lập trình sẵn. Với những khách hàng không thể giao tiếp bằng tiếng Anh, mọi chuyện còn trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Rõ ràng, Facebook đang là một trong những kênh quảng cáo, tiếp thị hàng đầu Việt Nam với lượng người sử dụng cao. Tuy nhiên việc các doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào nền tảng này, trong khi không được đối xử bình đẳng đang gây không ít khó khăn cho việc kinh doanh.
“Những người chạy Facebook Ads phải chuẩn bị tâm lý “bão” tới bất cứ lúc nào, phải có trường hợp dự phòng chứ chờ hỗ trợ “được vạ thì má đã sưng””, anh Đức tư vấn.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định, để phụ thuộc quá nhiều vào một kênh là sai lầm của các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ. Lãnh đạo VECOM cũng đánh giá Facebook là kênh bán hàng mà người dùng không thể kiểm soát hết 100%, do vậy sẽ không tránh khỏi khó khăn nếu phụ thuộc vào đây quá nhiều.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của Facebook cũng như những hiệu quả có được từ quảng cáo trên nền tảng này, ông Tuyến cho rằng chủ các đơn vị kinh doanh vẫn cần các kênh quảng bá khác, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh và không nên phụ thuộc một nền tảng cố định, dù hiệu quả cao để tránh rủi ro.
“Tôi tin rằng doanh nghiệp cần có ít nhất 2 kênh quảng cáo chủ lực để đảm bảo hiệu quả và tối ưu hoạt động của mình”, người đứng đầu VECOM chia sẻ.
Nguồn: Thanhnien