Xem nhanh
- Thời kỳ khởi nguyên với Windows Mobile
- Thời kỳ thiết kế sáng sủa và chắc chắn hơn
- Sự ra đời của kiểu thiết kế công nghiệp chắc chắn
- Những ngày đầu với liên minh mã nguồn mở
- Dành những gì tốt nhất cho Microsoft
- Khi người hùng xuất hiện
- Thời kỳ của sản phẩm One
- Dòng máy tầm trung hấp dẫn
- Lần xung trận cuối cùng của vỏ kim loại
- Đi theo xu hướng
Tuy đang ở buổi xế chiều, nhưng HTC là một trong những hãng có sự thay đổi về thiết kế cho điện thoại rất lớn.
Có một sự thật là đa phần mọi người sẽ đều ngay lập tức phán xét một chiếc điện thoại dựa trên thiết kế của nó. Trong cuộc sống cũng vậy, cái gì có ngoại hình hấp dẫn cũng thường ngay lập tức gây cảm tình từ cái nhìn đầu tiên.
Nếu trông nó xấu xí, hay đơn giản là rẻ tiền, thì quan điểm của người nhìn cũng phản ánh luôn điều đó. Ấn tượng ban đầu, không cần thắc mắc gì cả, là vô cùng quan trọng. Vậy nên có một thiết kế tốt chính là điều kiện căn bản nhất để một chiếc điện thoại được ghi tên mình vào tâm trí người sử dụng.
Qua nhiều năm, HTC luôn được khen ngợi cho những thiết kế ấn tượng với những điện thoại của mình. Dù công ty vẫn đang trên đà tụt dốc về thị phần trong vài năm gần đây, nhưng triết lý trong thiết kế của họ vẫn tiếp tục gây được tiếng vang tốt. Chỉ trong một thập kỷ trở lại đây, công ty Đài Loan này đã làm ra không biết bao nhiêu mẫu điện thoại với thiết kế đẹp, đáng nhớ. Một vài thiết kế trong số này thậm chí đến giờ vẫn còn được sử dụng, vẫn được đứng ngang hàng với những đối thủ cạnh tranh mới.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua lại quá trình tiến hóa trong thiết kế của điện thoại HTC, trong lúc chờ thông báo mới nhất về một mẫu điện thoại cao cấp sắp xuất hiện của họ. Công ty đã có một lịch sử phát triển thiết kế lâu dài, thế nên rất khó để có thể đánh giá lại thiết kế của từng mẫu điện thoại một, nhất là khi trong số đó có rất nhiều tượng đài lớn. Vậy nên chúng ta sẽ chỉ điểm qua một vài thiết kế nổi bật nhất qua các năm.
Thời kỳ khởi nguyên với Windows Mobile
HTC có một khởi đầu rất khiêm tốn với nền tảng Windows Mobile của Microsoft, một trong những nền tảng mạnh mẽ trong những năm 2000. Quay lại đầu những năm 2000, rất nhiều mẫu điện thoại của HTC đều không được dán nhãn. Những mẫu này được đổi tên lại theo từng nhà mạng bán mẫu đó. Lấy HTC Apache làm ví dụ. Khi được Sprint bán, nó có tên là Sprint PPC6700, trong khi ở Verizon nó lại có tên là Verizon XV6700
Những mẫu thiết kế đầu tiên của điện thoại Windows Mobile đều trông kém hấp dẫn. Chúng thường được thiết kế theo kiểu PDA, với một phần nhô ra cho ăng-ten, nhưng phần thân nhựa màu bạc thường khiến người ta nghĩ đến thiết kế cũ kỹ của những chiếc máy để bàn từ thập niên trước.
Cho đến giữa những năm 2000, những chiếc HTC Wizard, Tytn và P3600 Trinity vẫn được thiết kế theo lối này. Trong kỷ nguyên của những chiếc điện thoại gập, lý do giúp những mẫu HTC này sống sót chính là kích cỡ lớn kèm màn hình cảm ứng rộng.
Từ trái sang: HTC Wizard, HTC Tytn, và HTC P3600.
Thời kỳ thiết kế sáng sủa và chắc chắn hơn
Ngôn ngữ thiết kế của HTC bắt đầu thay đổi từ năm 2007 với sự ra mắt của HTC Touch. Không rõ liệu rằng việc Apple tiết lộ thiết kế của iPhone có làm ảnh hưởng đến sự chuyển hướng trong thiết kế này không, nhưng HTC Touch đã đưa ra một ngôn ngữ thiết kế hoàn toàn mới khiến người dùng phải chú ý.
Với những mẫu HTC đầu tiên, bạn có thể nói rằng họ đang cố mượn thiết kế của những chiếc laptop, bằng chứng rõ ràng nhất là bộ bàn phím cứng và rất nhiều nút khắp trên điện thoại. Tuy nhiên, HTC Touch đã đơn giản thiết kế này đi với ít nút bấm hơn và đưa phần còn lại vào giam diện cảm ứng.
Hơn hết, đây chính là lúc chúng ta bắt đầu thấy sự chuyển mình trong thiết kế. Phần vỏ nhựa bạc quê mùa thống trị bao nhiêu năm đã được thay thế bởi các vật liệu mới hấp dẫn hơn. Thí dụ như phần thân vỏ mềm của HTC Touch chẳng hạn. Không chỉ có vậy, những mẫu thiết kế mới này đã mỏng hơn, gọn hơn.
Ngôn ngữ thiết kế mới này đã phát triển rất mạnh trong năm 2007 với một loạt các mẫu khác kế thừa được ra mắt. Có thể kể đến vài cái tên như Touch Dual, HTC Touch Cruise, và HTC Phoebus (hay còn gọi là T-Mobile Shadow).
Từ trái sang: HTC Touch Dual, HTC Touch Cruise và HTC Phoebus, bộ ba sử dụng ngôn ngữ thiết kế mới
Sự ra đời của kiểu thiết kế công nghiệp chắc chắn
Mức độ nhận diện thương hiệu của HTC vẫn tăng trưởng đều cho tới 2008. Đây chính là thời điểm bước ngoặt, khi HTC bắt đầu được nhắc đến như một nhà thiết kế điện thoại hàng đầu.
Thuật ngữ kiểu dáng công nghiệp bắt đầu xuất hiện, đó một phần là nhờ vào sự xuất hiện của một vài mẫu điện thoại HTC mới trong năm 2008. Có thể kể đến cặp đôi nổi tiếng HTC Touch Diamond và HTC Touch Pro.
HTC Touch Diamond và Touch Pro mở ra thời kỳ với ngôn ngữ thiết kế mới bóng bẩy vào năm 2008
Những mẫu máy này vẫn chạy Windows Mobile. Tuy nhiên chúng được mang thiết kế đẹp đáng ngạc nhiên, không giống với bất kỳ mẫu điện thoại nào cùng thời. Thiết kế kiểu dáng công nghiệp này gồm có phần vỏ được làm bóng, khung kim loại rắn chắc và các góc cạnh khắp thân máy.
Kiểu thiết kế này chính là thứ mà các mẫu điện thoại khác không có. Sự lột xác này cũng giống như cách mà chiếc Motorola RAZR trước đây đã làm thay đổi thiết kế điện thoại gập vậy. Thời đó, thiết kế mới của chiếc RAZR được đánh giá là rất cá tính, trơn láng và rất “sexy”. HTC cũng đã làm được điều tương tự với mức độ tỉ mỉ và chau chuốt cao với những mẫu điện thoại mới của họ.
Những ngày đầu với liên minh mã nguồn mở
Một điểm rất thú vị là những thiết kế đẹp mắt của HTC không được đem hoàn toàn sang các điện thoại Android khi hãng này bắt đầu bắt tay với Google. Dù cho mẫu T-Mobile G1 (hay còn gọi là HTC Dream) và mẫu điện thoại tiếp theo, HTC Magic, đã giúp HTC hiện diện trong danh sách các nhà sản xuất điện thoại Android, hai mẫu điện thoại này có thể nói là trông hơi cù lần. Điều này sẽ thấy rất rõ khi đem so sánh với các mẫu điện thoại chạy Windows Mobile ra đời trước đó.
T-Mobile G1 the HTC Magic lại không được thừa hưởng ngôn ngữ thiết kế đẹp mắt của HTC
Những mẫu máy mới chạy Android không thực sự tiên tiến hay có thiết kế trông cá tính, mà ngược lại, chúng khá đơn điệu. Rất thú vị khi ta nhận thấy rằng HTC suýt chút nữa là đi ngược lại quá trình phát triển trong thiết kế với hai mẫu điện thoại này. Có nhiều ý kiến cho rằng, HTC không chú trọng vào thiết kế vì muốn người dùng chú ý nhiều hơn đến ngôi sao thật sự: hệ điều hành Android.
Dành những gì tốt nhất cho Microsoft
Trong khi sản xuất những mẫu điện thoại chạy Android có thể coi là một chuyến khởi hành đầy khó khăn, những máy chạy Windows Mobile được tung ra vào năm 2008 và 2009 tiếp tục được đẩy đến giới hạn của nó. Đỉnh điểm là HTC Touch Diamond 2 và HTC Touch Pro 2 đã cho thấy sự phát triển của phong cách thiết kế này.
Để nó thêm ấn tượng, HTC đã đưa vào một bàn phím thiết kế vô cùng tinh xảo cho một vài mẫu. HTC Touch Pro 2 đã có một bàn phím trượt ngang tuyệt đẹp như thế. HTC cũng cho thấy họ cũng có thể thiết kế một bàn phím QWERTY dạng đứng bỏng bẩy không kém với HTC Snap.
HTC Touch Diamond2, Touch Pro2, và Snap đã trưng ra thiết kế đẹp nhất của hãng thời kỳ Windows Mobile
Thời điểm này dù cái chết đang đe dọa hệ điều hành của Microsoft, HTC đã để dành tất cả những gì tốt nhất lại cho một mẫu điện thoại huyền thoại – HTC HD2. Kích thước khi ấy của chiếc điện thoại này thật khổng lồ. Nó biến tất cả những chiếc điện thoại khác trở thành người lùn khi đứng cạnh.
HTC HD2 có thiết kế bo tròn bốn góc, nhựa mềm mờ và phần vỏ kim loại đem đến cảm giác trên tay rất cao cấp. Với sự tinh tế đó, HTC HD2 đã giúp HTC kết thúc chặng đường sánh vai cùng nền tảng của Microsoft một cách đáng nhớ.
Khi người hùng xuất hiện
Hai mẫu máy chạy Android đầu tiên của HTC đã không hề truyền tải được chút triết lý thiết kế nào của các mẫu máy Windows Mobile tiền nhiệm. Nhưng điều này đã thay đổi khi hãng tung ra chiếc Android thứ ba.
Mùa hè 2009, hãng đã tung ra HTC Hero. Chiếc HTC Hero này đã sử dụng một vài nét thiết kế đã nổi tiếng với các dòng điện thoại trước đó. Hơn thế nữa, mọi góc cạnh của HTC Hero đều rất đặc biệt, từ lớp phủ Teflon cho đến phần cằm nhô ra.
Năm sau đó, người dùng được chứng kến một cột mốc khác với thiết kế của HTC. Đó là chiếc Nexus One, được sản xuất và bán độc quyền bởi Google. Chuyên môn của HTC một lần nữa lại được khẳng định với mẫu máy này.
Dù nó đã lược bỏ đi một vài góc cạnh so với thiết kế trước, ngoại hình bo tròn hơn được thiết kế gồm phần khung kim loại và hai mặt nhựa cùng cao su. Cách mà hai loại vật liệu này được khớp với nhau đã góp phần làm nổi bật lên thiết kế cao cấp cho chiếc Nexus One này.
Sử dụng ngôn ngữ thiết kế này làm cơ sở, suốt năm sau đó nó đã trở thành đặc điểm phong cách của HTC với một vài thay đổi nhỏ cho mỗi mẫu. HTC Desire, Smart, EVO 4G, Droid Incredible và Wildfire là một vài mẫu đã kế thừa rất tốt ngôn ngữ thiết kế này.
Cũng trong thời gian này, hãng đã tung ra mẫu máy kế nhiệm Hero, đó là chiếc máy vỏ nhôm nguyên khối HTC Legend. Ngoài việc đã tối giản hóa trong thiết kế, rõ ràng mẫu máy này đã có vay mượn vài thiết kế đặc sắc từ chiếc Google Nexus One.
Cả ba chiếc The HTC Desire, EVO 4G, và Droid Incredible đều kế thừa thiết kế của Google Nexus One
Thời kỳ của sản phẩm One
Cuộc tiến hóa tiếp theo của HTC xuất hiện năm 2012, khi polycarbonate bắt đầu trở thành vật liệu được hãng sử dụng cho chiếc điện thoại cao cấp HTC One X. Chiếc One X cho cảm giác trên tay rất chắc chắn dù được làm đa phần từ nhựa và phần khung vòng bằng kim loại mà HTC tận dụng từ các mẫu máy trước.
Một lần nữa, chủ nghĩa tối giản chính là thứ đã làm nên sự nổi bật cho mẫu máy này. Một cách tự nhiên, ngôn ngữ thiết kế mới này đã trở thành tiêu chuẩn cho các mẫu máy của HTC trong năm 2012, có thể kể đến là HTC EVO 4G LTE, Desire V, Desire X, One X+, và One VX.
HTC One X đã sử dung khung polycarbonate, kiểu thiết kế này cuối cùng cũng đã được dùng cho HTC EVO 4G LTE và Desire V.
HTC đã bị mắc kẹt với cái tên “One” một thời gian, nhưng đây thực sự là bước chuyển mình lớn nhất trong thiết kế của hãng. Điều này được thể hiện ngay ở năm sau, mẫu máy kế nhiệm của One X được tung ra vào 2013 – HTC One (M7).
Mẫu máy này đã cho thấy một thiết kế đẹp chưa từng có. Đây được coi là kiểu thiết kế máy đẹp nhất mọi thời đại. Được đánh giá cao tại thời điểm ra mắt, HTC One M7 bao gồm kiểu thiết kế đối xứng với vỏ nhôm, cạnh được vát và phần lưng hơi cong. Mọi thứ về mặt thiết kế đều đẹp đáng kinh ngạc, đó là một minh chứng cho sự khéo léo của các nhà thiết kế của HTC.
HTC One M7 đã giành được rất nhiều lời khen ngợi từ người dùng. Thế nên cũng chẳng ngạc nhiên gì khi thiết kế cao cấp này tiếp tục được sử dụng cho những máy khác cùng họ. Có thể kể đến vài cái tên như HTC One mini và One Max.
Với hai người kế nhiệm tiếp theo là One M8 và M9, HTC đã tiếp tục cải tiến thêm thiết kế từ M7 thêm một chút. Về tổng quan thì phần vỏ kim loại được giữ lại, một vài tiểu tiết nhỏ được đưa ra, nhưng tựu chung lại thì không có thay đổi gì đáng kể.
Dòng máy tầm trung hấp dẫn
HTC không chỉ tập trung làm ra các máy cao cấp chất lượng cao, họ còn thử nghiệm nhiều vật liệu khác cho các dòng máy khác nhau của họ. Dòng Desire, thực tế đã có một nâng cấp căn bản vào năm 2013.
Bắt đầu với chiếc Desire 600 với phần vỏ hoàn toàn bằng nhựa. Các máy khác dùng dòng như Desire 700, 816 và 820 cũng đi theo thiết kế này. Dù những máy này không được cao cấp với thiết kế như vậy, nhưng chất lượng cũng rất hấp dẫn đặc biệt là với nhóm người dùng trẻ tuổi. Cụ thể hơn, việc sử dụng nhiều màu sáng trong thiết kế đã giúp dòng máy này gây được sự chú ý.
Dù những mẫu máy HTC đầu bảng vẫn tiếp tục nhận được sự tán dương không dứt vì thiết kế đẹp, một trong những phàn nàn hay gặp nhất mà hãng hay phải nghe đó là thiếu tính năng chống nước. Tính năng quan trọng này đã được Samsung và Sony đưa vào các mẫu máy của họ từ rất lâu.
Cuối cùng, HTC cũng đã chịu tung ra HTC Butterfly 2, một phiên bản nhánh của M8. Mẫu máy có toàn thân được thiết kế bằng polycarbonate này có thể không được nhớ đến nhiều, nhưng dù sao thì nó cũng đã đem đến tính năng chống nước cho thiết kế của HTC.
Lần xung trận cuối cùng của vỏ kim loại
Với sự cạnh tranh ngày một cao, HTC đã tung ra chiếc điện thoại cao cấp thứ 10, chiếc HTC 10. Lược bỏ “One” khỏi cái tên, HTC 10 vẫn không làm thất vọng với thiết kế cao cấp của mình. Dù cho thiết kế này đã bị đánh giá thấp đi khá nhiều do vị thế của HTC giờ không còn được như trước.
Đây cũng là mẫu máy cao cấp cuối cùng của hãng có sử dụng thiết kế toàn bộ bằng kim loại. Cũng kế thừa những gì đã làm nên dòng One nổi tiếng, HTC 10 nối gót với phần thân máy toàn bộ bằng nhôm, đi cùng với phần cạnh vát phía sau.
Khi nhìn lại thời điểm HTC bắt đầu với điện thoại chạy Android, như chiếc HTC Hero hồi 2009 chẳng hạn, cho tới những gì hãng đã làm được với HTC 10, có 2 điểm dễ nhận thấy luôn xuất hiện với các mẫu máy đầu bảng này.
Thứ nhất đó là thiết kế với vỏ kim loại, giúp máy có chất lượng cao cấp hơn những dòng máy khác. Thứ hai, kiểu dáng thiết kế công nghiệp rất tinh xảo, không thể bị sao chép bởi các đối thủ, đã khiến những mẫu máy này trở nên rất độc đáo. Đó có lẽ chính là lý do khiến các thiết kế của HTC luôn nhận được nhiều lời khen.
Đi theo xu hướng
Tới 2017, xu hướng chung của điện thoại đã chuyển qua việc kết hợp giữa kính và kim loại. Xu hướng này đã được nhiều hãng lớn tham gia. HTC cũng đã nhảy vào cuộc chơi với chiếc HTC U Ultra, một chiếc điện thoại to tới mức lố bịch với thiết kế kim loại và kính kết hợp.
Máy được khen có màu sắc bóng loáng, nhìn khá rực rỡ ở một vài góc nhất định, nhưng lại vấp phải sự chê bai cho thiết kế không tối ưu, lãng phí không gian lớn. Với một máy to như vậy mà vẫn bị thiếu đi jack tai nghe và pin thì chỉ có 3000 mAh.
Tung ra HTC U11 và U11+, thiết kế không còn mang phong cách đã từng có của HTC mà trông không khác gì các đối thủ cạnh tranh khác. Phía trước và phía sau của máy là mặt kính, phần kim loại được kẹp như bánh sandwich ở giữa, U11 và U11+ cũng chỉ như mọi mẫu máy khác đang đi theo xu hướng này.
Trong thời gian tới, có vẻ như đây sẽ vẫn là kiểu thiết kế mà HTC sẽ tiếp tục sử dụng. Nhưng ai biết, một ngày nào đó, có thể hãng sẽ làm người dùng phải ngạc nhiên với cái gì đó mới hơn.
HTC đã lựa chọn đi theo xu hướng chung, vỏ kim loại và kính, với ba mẫu HTC U Ultra, U11, và U11+.
Theo PhoneArena