Từng là một trong những công ty lớn nhất nước Mỹ, Xerox giờ đây phải nương tựa vào tập đoàn Fujifilm Holdings của Nhật Bản để tìm lối thoát cho riêng mình.

Thương vụ Xerox-Fujifilm và sự đắng cay của quy luật đào thải
Máy copy của Rank Xerox năm 1963. Rank Xerox là liên doanh giữa Xerox và Rank Organization of Britain.

Theo trang The New York Times, khi Xerox giới thiệu các máy photocopy nổi tiếng của họ năm 1959, sự thần kỳ, sự kinh ngạc mà chúng mang lại có thể nói là giống hệt như lúc Steve Jobs cho ra mắt chiếc iPhone đầu tiên. Chúng thật hiện đại, thật tiên tiến, giống như những sản phẩm đến từ tương lai hay bước ra từ các bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, quy luật đào thải là vô cùng nghiệt ngã và không bỏ qua bất cứ ai. Cũng giống như cách họ khiến giấy carbon trở nên lỗi thời và lạc hậu, những iPhone, Google Docs và đám mây đã khiến Xerox trở thành công ty của quá khứ.

Vào ngày 31/1 vừa qua, sau 115 năm kinh doanh độc lập, Xerox tuyên bố họ sẽ sáp nhập với tập đoàn Fujifilm Holdings của Nhật Bản. Thương vụ này cũng là cột mốc đánh dấu hồi kết buồn của một công ty từng là “siêu cường” của nước Mỹ.

David B. Yoffie, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard chia sẻ: “Xerox là một ví dụ điển hình của các doanh nghiệp công nghệ độc quyền thất bại trong việc chuyển đổi sang thế hệ công nghệ mới”. Đây cũng là một lời nhắc nhở, rằng dù một công ty có lớn mạnh như thế nào cũng có thể sụp đổ trước những đột phá mới của công nghệ. Xerox sẽ gia nhập “câu lạc bộ” của các công ty như Kodak hay BlackBerry, những ông lớn công nghệ đã mất đi khả năng đổi mới.

Chi tiết của thương vụ giữa Xerox và Fujifilm là khá phức tạp, khi liên doanh Fuji Xerox (Fujifilm sở hữu 75%) sẽ bỏ ra 6 tỷ USD để mua cổ phần của Fujifilm tại J/V và sau đó Fujifilm sẽ dùng 6 tỷ USD này để mua lại 50,1% cổ phần của Xerox. Công ty mới được thành lập sau thương vụ này sẽ có giá trị khoảng 18 tỷ USD. Trong khi đó, các công ty tham gia thương vụ này hy vọng rằng từ nay tới năm 2022 họ sẽ cắt giảm được khoảng 1,7 tỷ USD chi phí hoạt động. Ngoài ra, Fujifilm dự kiến sẽ sa thải khoảng 10.000 nhân viên trên toàn cầu.

Sự sụp đổ của Xerox là một thứ mà các chuyên gia quản lý gọi là “competency trap” – khi một tổ chức trở nên quá giỏi ở một điều gì đó, nó sẽ không thể học được cách làm bất kì điều gì mới.

Thương vụ Xerox-Fujifilm và sự đắng cay của quy luật đào thải
Trẻ em Mỹ sử dụng Alto, nguyên mẫu máy tính cá nhân mà Xerox phát triển những năm 1970

Xerox có nguồn gốc là công ty M. H. Kuhn, được thành lập năm 1903. Tuy nhiên, một phát kiến được xây dựng trong một phòng thí nghiệm tạm thời tại Queens những năm 1930 – tiền thân của các nhà để xe ở Silicon Valley mà những người như Steve Jobs thường sử dụng – đã thay đổi hướng đi của Xerox.

Phát kiến đó, được xây dựng bởi Chester Carlson, một luật sư về bằng sáng chế, đã dẫn tới sự ra đời của máy copy hiện đại. Ông thậm chí còn nghĩ ra một thuật ngữ cho quá trình đó: “Xerography” (tiếng Hy Lạp nghĩa là in khô). Vào năm 1959, Xerox – công ty giành được quyền khám phá công nghệ này – đã đưa máy copy văn phòng trở thành xu hướng của thời đại. Chỉ trong một thời gian ngắn, các máy copy của Xerox tưởng như xuất hiện ở mọi không gian văn phòng làm việc. Các cỗ máy cao cấp của Xerox – những chiếc máy tính xử lý giấy tinh vi – đã trở thành biểu tượng của công nghiệp hiện đại lúc bấy giờ.

Trong những ngày hoàng kim của mình, Xerox rất chú trọng đầu tư vào công nghệ mới. Vào những năm 1970, họ đã thành lập một trung tâm nghiên cứu ở Palo Alto, California, cách rất xa các trụ sở chính tại Bờ Đông, với mục đích phát minh ra công nghệ văn phòng trong tương lai. Các chuyên gia công nghệ tại phòng thí nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu Xerox Palo Alto, tuy không phát minh ra chuột máy tính và giao diện đồ họa người dùng (GUI), nhưng họ đã cải tiến chúng và xây dựng thành công một mẫu máy tính cá nhân có thể sử dụng được, với tên gọi Alto. Hơn 1.000 chiếc Alto đã được sản xuất và đưa vào hoạt động, thậm chí một số chiếc còn được đưa vào Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Jimmy Carter.

Vào năm 1979, Steve Jobs đã có một chuyến đi tham quan phòng thí nghiệm của Xerox. Những ý tưởng mà ông nhìn thấy đã được áp dụng và tạo ra chiếc Apple Macintosh huyền thoại.

Qua nhiều năm, tuy Apple cũng có những giai đoạn thăng trầm của mình, nhưng bất cứ khi nào Steve Jobs cảm thấy có một thứ gì đó mới mẻ chuẩn bị diễn ra, ông luôn tìm được cách sốc lại công ty và chuyển hướng sự tập trung của công ty vào thứ mới mẻ đó. Ông không bị rơi vào “competency trap”, và giờ đây Apple là công ty có giá trị nhất thế giới.

Thương vụ Xerox-Fujifilm và sự đắng cay của quy luật đào thải

Tại Xerox, khi các nhà quản lý doanh nghiệp tiếp quản dự án máy tính cá nhân của họ và cố gắng thương mại hóa Alto với cái tên mới Xerox Star và mức giá 16.000 USD, họ đã thất bại thảm hại. Xerox Star có mức giá giống một chiếc máy copy văn phòng đắt tiền hơn là một chiếc máy tính cá nhân. Năm 1981, năm chiếc Xerox Star được đưa ra thị trường, IBM cũng giới thiệu máy tính cá nhân cho doanh nghiệp của họ với mức giá chưa đến 1.600 USD. Ba năm sau, Apple Macintosh cũng chỉ có mức giá khoảng 2.500 USD khi lên kệ.

Vào những năm 1980, khi các bằng sáng chế về máy copy của mình hết hiệu lực, Xerox phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các hãng giá rẻ đến từ Nhật Bản như Canon và Ricoh. Mảng kinh doanh phải chịu nhiều áp lực, Xerox đã quyết định “lấn sân” sang dịch vụ tài chính, với việc mua lại công ty bảo hiểm Crum & Forster và công ty quản lý đầu tư Van Kampen Merritt. Tuy nhiên, Xerox không có được kết quả khả quan ở lĩnh vực này và phải chấp nhận bán đi toàn bộ vào những năm 1990.

Kể từ đó, Xerox đã liên tục phải vật lộn với sự phát triển của email và sự thay đổi của các văn phòng trên toàn thế giới: gửi và chia sẻ tài liệu một cách trực tuyến. Doanh số giấy và máy copy ngày càng đi xuống, lợi nhuận của Xerox cũng vì thế mà giảm theo.

Trong những năm gần đây, Xerox chuyển sang làm nhà cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nhiều hơn, giúp các công ty quản lý dòng chảy tài liệu và làm việc trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nhân sự và tài chính. Họ cũng giành được một số hợp đồng “béo bở” – như vận hành hệ thống máy tính và thanh toán của đường cao tốc E-ZPass. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là chưa đủ để công ty bù đắp cho sự thua lỗ của mảng kinh doanh máy copy. Carl C. Icahn, một trong số các cổ đông của công ty cho biết: “Chúng tôi tin rằng Xerox vẫn có tiềm năng, nhưng nó sẽ đi theo vết xe đổ của Kodak nếu những sự thay đổi lớn không được đưa ra”.

Các lãnh đạo của công ty cũng thừa nhận tình cảnh mà công ty đang mắc phải. Năm 2012, bà Ursula Burns, Giám đốc điều hành của công ty lúc bấy giờ từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với trang NPR: “Thế giới đang thay đổi, và bạn sẽ bị kẹt lại ở phía sau nếu không chịu thay đổi công ty của mình”.

Thương vụ Xerox-Fujifilm và sự đắng cay của quy luật đào thải
Ông Joseph C. Wilson, Giám đốc điều hành của Xerox lúc bấy giờ, cầm trên tay số giấy copy được chỉ trong một giờ vào năm 1964.

Tuy nhiên, Xerox không bao giờ đón đầu được làn sóng kỹ thuật số, và những ngày tháng hoàng kim trong quá khứ cũng không bao giờ có thể lấy lại được nữa.

Trong thương vụ được công bố vào ngày 31/1 vừa qua, Xerox sẽ trở thành một phần của liên doanh Fuji Xerox, chuyên bán các sản phẩm và dịch vụ văn phòng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Theo thỏa thuận, công ty sẽ phát hành tổng cộng 2,5 tỷ USD cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông. Công ty được sáp nhập dự kiến sẽ có doanh thu hàng năm là 18 tỷ USD và sẽ tiếp tục giao dịch trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York theo ký hiệu của Xerox, XRX.

Ông Shigetaka Komori, Chủ tịch và là Giám đốc điều hành của Fujifilm khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng khả năng thúc đẩy sự thay đổi và kinh nghiệm thành công của Fujifilm sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Fuji Xerox mới”.

Fujifilm vẫn sẽ sản xuất phim, nhưng công ty đã phân nhánh khá đáng kể, sử dụng công nghệ hóa học và hình ảnh của mình vào các sản phẩm đa dạng như các thành phần trong mỹ phẩm và thiết bị y tế. Tuy nhiên, Fujifilm cho biết vẫn có những thách thức đang đón chờ họ ở phía trước. Công ty đã giảm doanh thu dự kiến đi gần 30%, nói rằng môi trường của Fuji Xerox “đang ngày càng nghiêm trọng” và “một sự cải cách cơ cấu sẽ được thực hiện”.

Cổ phiếu của Xerox, vốn rất ế ẩm trong những năm gần đây, đã tăng 12% trong tháng trước nhờ những tin đồn xung quanh việc sáp nhập. Theo ông Ben Gomes-Casseres, giáo sư tại Trường Kinh doanh Quốc tế Brandeis, Xerox được hưởng lợi từ những công nghệ và bí quyết mà đối tác Nhật Bản chia sẻ khi liên doanh với Fuji từ những năm 60, và sáp nhập là con đường tốt nhất (và duy nhất) của công ty ở thời điểm hiện tại.

“Họ có thể đã thất bại từ cách đây nhiều năm nếu không có Fuji”, ông nhận định.

Nguồn: VnReview

Góc quảng cáo