Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ rút lại sự chấp thuận ban đầu với thương vụ TikTok nếu ByteDance giữ lại cổ phần và các công ty Mỹ không nắm phần kiểm soát.
Sau hơn hai tháng đầy biến động nhưng thương vụ TikTok vẫn chưa ngã ngũ. Cuối tuần trước, ứng dụng video ngắn nổi tiếng thông báo Oracle sẽ trở thành nhà cung cấp công nghệ, chịu trách nhiệm lưu trữ toàn bộ dữ liệu của công dân Mỹ, trong khi Walmart sẽ đóng vai trò là đối tác thương mại tại Mỹ của công ty. Thỏa thuận sẽ dẫn đến việc thành lập một công ty mới gọi là TikTok Global, chỉ chuyên phụ trách hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Thông báo được đưa ra chỉ một ngày trước khi lệnh cấm TikTok hoạt động của chính phủ Mỹ chính thức có hiệu lực. Hiện tại chi tiết về thương vụ ba bên vẫn chưa được tiết lộ cụ thể, bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều thông tin trái chiều về việc ai là người nắm quyền kiểm soát công ty mới.
Cuối tuần qua, ByteDane tuyên bố thỏa thuận sẽ cho Oracle và Walmart 20% cổ phần trong công ty mới (lần lượt là 12,5% và 7,5%). TikTok Global sẽ cung cấp dịch vụ cho người dùng Mỹ và chạy trên dịch vụ điện toán đám mây của Oracle. ByteDance sẽ giữ lại 80% cổ phần của TikTok Global cho đến khi công ty chính thức phát hành cổ phiếu (Hiện tại các nhà đầu tư Mỹ đang sở hữu khoảng 40% ByteDance).
Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ không chấp thuận thương vụ mua bán này nếu ByteDance, công ty mẹ của TikTok, vẫn nắm giữ cổ phần.
Ông Trump muốn Oracle và Walmart phải có quyền kiểm soát hoàn toàn. Nếu hai công ty này không sở hữu đủ cổ phần để nắm quyền kiểm soát, ông sẽ không phê chuẩn thỏa thuận.
Ken Glueck, giám đốc điều hành của Oracle, vừa cho biết ByteDance sẽ không có cổ phần trong công ty mới: “Khi thành lập TikTok Global, Oracle và Walmart sẽ đầu tư, cổ phần của TikTok Global được phân phối cho chủ sở hữu của cả hai công ty, người Mỹ chiếm đa số và ByteDance không có quyền sở hữu TikTok Global”.
Đại diện TikTok cho biết đề xuất hợp tác giữa ba bên sẽ giải quyết mối lo ngại về an ninh của Nhà Trắng, đồng thời giải đáp những câu hỏi xung quanh tương lai của TikTok tại Mỹ. Hiện tại thương vụ TikTok vẫn còn chờ sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc mới hoàn tất.
Mạng xã hội TikTok đã trở nên phổ biến tại thị trường Mỹ sau khi ByteDance mua lại nền tảng chia sẻ video Musical.ly năm 2017 và đổi tên thành TikTok. Khi quan hệ Mỹ – Trung Quốc trở nên ngày càng căng thẳng, Tổng thống Trump tuyên bố mạng xã hội TikTok, ứng dụng nhắn tin WeChat nguồn gốc Trung Quốc là rủi ro an ninh quốc gia. Nhiều quan chức cấp cao của Nhà Trắng lên tiếng chỉ trích những nền tảng này thu thập dữ liệu từ công dân Mỹ và chuyển về cho chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên cả hai công ty đều nhiều lần phủ nhận cáo buộc trên.
Chính phủ Mỹ đã ban hành hai lệnh hành pháp liên quan đến TikTok. Một vào ngày 6/8, tuyên bố sau 45 ngày sẽ cấm mọi giao dịch giữa các doanh nghiệp Mỹ với ByteDance để bảo vệ an ninh quốc gia. Quy định dự kiến hiệu lực từ Chủ nhật. Lệnh hành pháp thứ hai được ban hành vào ngày 14/8, yêu cầu ByteDance bán các hoạt động tại Mỹ trước ngày 12/11. Thứ Bảy vừa qua, ông Trump trả lời phóng viên rằng ông đã “ban phước lành” cho thỏa thuận.
Theo The New York Times, các cơ quan tình báo Mỹ xác nhận chính quyền Bắc Kinh có thể thu thập dữ liệu công dân thông qua ứng dụng TikTok. Wall Street Journal báo cáo phiên bản Android của TikTok đã âm thầm t thu thập các số nhận dạng thiết bị (hay còn gọi là địa chỉ MAC)
Những lệnh cấm Tổng thống Trump nhắm vào TikTok và ByteDance đã gây thiệt hại khá nghiêm trọng cho mạng xã hội gốc Trung Quốc này. Giám đốc điều hành TikTok Kevin Mayer vừa từ chức hồi cuối tháng 8 chỉ sau 3 tháng tại vị. Trong email nội bộ thông báo rời công ty, ông viết rằng sự thay đổi trong cấu trúc công ty, những áp lực Mỹ áp xuống TikTok tác động tới vai trò quản lý toàn cầu mà ông đang đảm nhận. Sau khi Mayer rời đi, Vanessa Pappas, Tổng giám đốc của TikTok tại Mỹ, tạm thời thay thế vị trí của ông.