Mục lục bài viết
Khi các hãng điện thoại đẩy mạnh cải tiến và nâng cao chất lượng camera trên smartphone cũng chính là lúc mở ra cánh cửa mới cho công nghệ chụp ảnh bằng điện thoại.
Dù không thể thay thế các dòng máy ảnh chuyên nghiệp nhưng nó đáp ứng được sự tiện lợi, nhỏ gọn cho nhiều người yêu thích chụp ảnh và không đòi hỏi chất lượng phải thật xuất sắc.
Mời các bạn tham khảo một số thủ thuật đơn giản để nâng cao kỹ năng chụp ảnh bằng smartphone trong bài viết dưới đây.
1. Chụp ảnh từ trên xuống:
Khuôn mặt của chúng ta sẽ được tôn lên vẻ thon gọn và ưa nhìn hơn khi chọn góc chụp từ trên xuống, như thế hạn chế được nọng cổ và xuất hiện những đường cong bất thường trên khuôn mặt. Và đừng quên hạ thấp vai của mình xuống nếu bạn muốn lấy cảnh vật phía sau.
2. Điều chỉnh tốc độ màn trập:
Rất ít người chú ý đến điều này, nhưng việc điều chỉnh tốc độ màn trập phù hợp có thể giúp bức ảnh của bạn hoàn hảo hơn.
Vậy tốc độ màn trập là gì?
Tốc độ màn trập quyết định thời gian phơi sáng của cảm biến camera. Với tốc độ nhanh, màn trập giúp nắm bắt chuyển động rõ ràng hơn và đóng băng tất cả các chi tiết. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc ISO bị đẩy lên cao (sẽ nói nhiều hơn về điều này sau), và làm cho hình ảnh bị nhiễu.
Mặt khác, việc giảm tốc độ màn trập sẽ giúp các chuyển động được chụp mượt mà và ít bị nhiễu hơn. Để tăng độ hoàn hảo cho bức ảnh, bạn không nên giảm tốc độ màn trập thấp quá, vì nó sẽ làm các chuyển động trong bức ảnh bị mờ đi. Đồng thời, hãy chắc chắn rằng mình không bị rung tay hoặc nên sử dụng chân máy cho smartphone để chống rung và giữ độ nét cao nhất cho bức ảnh.
3. Bố cục:
Có nhiều yếu tố để quyết định một bức ảnh đẹp, nhưng bố cục chính là yếu tố quan trọng nhất. Trong đó, “quy tắc 1/3” được xem là quy tắc cơ bản nhất trong nhiếp ảnh.
Quy tắc này khá đơn giản. Bạn chỉ cần chia khung hình làm ba phần cả chiều dọc và chiều ngang, sau đó đặt chủ thể ở một trong các vị trí 1/3 khung ảnh, hoặc ở các điểm mà chúng giao nhau. Với “quy tắc 1/3”, bức ảnh sẽ có thêm sự cân bằng và thu hút hơn, nhưng lưu ý rằng không nên để nhiều không gian chết xung quanh chủ thể.
Chú ý:
Hầu như các điện thoại thông minh hiện đều cho phép bật lưới như ảnh, bạn tìm trong tùy chỉnh ở máy ảnh và chọn mục Grid
4. ISO:
Mới nghe đến thì nó như một khái niệm phức tạp chỉ dành cho giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Thực ra, ISO đơn giản là xác định độ nhạy của cảm biến hay film, quyết định lượng ánh sáng camera phải chụp. Bức ảnh sẽ có hiệu ứng đẹp khi hạ thấp ISO, lúc đó camera bắt ánh sáng ít hơn, độ nhiễu giảm, đồng nghĩa thời gian phơi sáng sẽ lâu hơn.
Khi ISO được tăng lên, hình ảnh sẽ bị nhiễu, vì thế bạn nên tăng tốc độ màn trập hoặc điều chỉnh góc chụp lấy được nhiều ánh sáng hơn.
5. Panorama:
Hiện các dòng smartphone đều đã tích hợp chế độ chụp Panorama trong máy. Với Panorama, từ nay bạn không cần phải đi thật xa để lấy hết khung cảnh vào bức ảnh nữa. Chế độ Panorama giúp bạn chụp liên tục theo khung hình rộng và tự động ghép chúng lại thành một tấm ảnh.
6. HDR:
Để bức ảnh có ánh sáng đồng đều giữa các điểm sáng tối khác nhau, bạn hãy chọn chế độ chụp HDR. Với khả năng cân bằng sáng, HDR vô cùng hữu ích khi chụp ngược sáng hoặc nơi thừa sáng và thừa tối.