Mục lục bài viết
- Hành trình của chiếc iPhone bị giật và những bài học bảo mật
- Vậy chiếm Gmail để làm gì? Để đọc email của mình?
- 1. Không cung cấp email và SĐT tự do trên mạng:
- 2. Khoá SIM:
- 3. Luôn bật bảo mật 2 lớp cho tất cả tài khoản:
- 4. Khi đã sử dụng bảo mật 2 lớp thì phải lưu mother code “code gốc”.
- 5. Không bao giờ tin vào tin nhắn thông báo
Nếu bạn bị giật chiếc iPhone đang sử dụng, thật ra điều đó đôi khi cũng không đáng lo bằng việc kẻ cắp sẽ đưa hacker để khai thác lấy tài khoản Apple ID của bạn.
Trong bài viết này, xin gửi đến bạn một chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của một người dùng có nick Vũ Dino về việc anh vừa bị giật chiếc iPhone vào hôm qua.
Hành trình của chiếc iPhone bị giật và những bài học bảo mật
Như mọi người đã biết, hôm qua mình bị giật điện thoại. Giờ mình sẽ nói về số phận của chiếc iPhone sau khi bị giật và những vấn đề bảo mật liên quan.
Hầu như ai cũng rõ việc iPhone là một trong những chiếc điện thoại phổ biến có tính bảo mật rất cao. Có một thứ khiến trộm cướp khá ngán iPhone hoặc khiến người dùng yên tâm khi sử dụng đó chính là iCloud.
Mỗi chiếc iPhone được gắn với một tài khoản iCloud và cũng coi như là chứng minh quyền sở hữu với thiết bị này. Tài khoản iCloud này không chỉ gắn chặt với iPhone mà còn với tất cả các thiết bị khác trong hệ sinh thái của Apple, từ đồng hồ, máy tính đến iPad.
Quay trở lại với cái iPhone của mình sau khi bị giật, mình đã khoá iCloud của điện thoại đưa điện thoại về chế độ “bị mất” – Lost mode. Có nghĩa là khi nào máy lên mạng (online) Apple sẽ tự động thông báo địa điểm của điện thoại về cho mình.
Và một khi iPhone bị khoá iCloud, nghĩa là tên trộm không thể truy cập vào dù có reset máy, cài lại phần mềm hoặc làm bất kì cái gì, không có mật khẩu iCloud chính chủ thì cái máy đó là đồ bỏ. Hay nói cách khác chiếc điện thoại 20 triệu chỉ có cách rã máy ra bán linh kiện, chứ không được bán như là một chiếc điện thoại hoàn chỉnh nữa. Vậy nên khi đã mất điện thoại, bảo vệ tài khoản iCloud là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, tay cướp điện thoại của mình không phải dạng vừa. Sau khi giật được hắn lập tức tắt điện thoại, trong khi mình mất khá nhiều thời gian để xử lý do đang ở ngoài đường, làm lại SIM phải về nhà lấy giấy tờ tuỳ thân, chưa kể hôm đó là chủ nhật. Rồi mình không thể đăng nhập được bất kì mạng xã hội hay email vì không còn số điện thoại bên mình.
Nói chung rất bế tắc, mình mất 5 tiếng lòng vòng ngoài đường để mua điện thoại mới, làm lại SIM bắt taxi vì không có điện thoại gọi Uber (lúc này mới nhận ra mình phụ thuộc vào điện thoại nhiều quá!). Mình bị giật lúc gần 1 giờ chiều, đến hơn 6 giờ tối mình mới có đầy đủ SIM điện thoại và máy để check lại.
Trời ơi! bọn trộm quá chuyên nghiệp!
Mình phát hiện ra gmail của mình đã bị đổi mật khẩu (password) và mình không có thiết bị nào bên người nên không biết. Sau một buổi tối suy luận, điều tra và thử mình kết luận hành trình phá máy của tên trộm như sau:
Bước 1: Giật điện thoại. Dĩ nhiên.
Bước 2: Hắn sẽ lấy sim ra khỏi điện thoại, cắm vào máy khác gọi điện thoại cho một máy khác mục đích để biết được số điện thoại của mình là gì.
Bước 3: Khi có được số điện thoại, hắn sẽ Google số điện thoại của mình để tìm kiếm thông tin cá nhân và hắn tìm được ra địa chỉ email của mình (hoàn toàn có thể ra Facebook này nữa). Vậy là ở thời điểm này hắn có số điện thoại và địa chỉ email của mình trong tay.
Bước 4: Reset Gmail. Đa phần mọi người đều dùng Gmail và mọi người đều hiểu cách Reset Gmail. Sau khi yêu cầu đổi mật khẩu, Google sẽ gửi một tin nhắn về sđt đã đăng kí để xác thực. Và hắn có đủ điều kiện trong tay nên hắn đã chiếm được Gmail của mình.
Vậy chiếm Gmail để làm gì? Để đọc email của mình?
Không! Thông thường mọi người và mình cũng vậy, chỉ sử dụng 1 email cho tất cả mọi việc, nên hắn nghiễm nhiên có được Gmail của mình có nghĩa là có được tên tài khoản iCloud vì mình dùng chính Gmail này đăng kí. Sau khi chiếm được Gmail, hắn cố gắng chiếm luôn cả Apple ID nhưng bị tắc ở điểm này. Có cả email và số điện thoại nhưng vẫn chưa đủ. Cảm ơn Apple rất nhiều.
Bước 5: Reset tài khoản iCloud.
Thông thường có được Gmail của iCloud sẽ rất dễ. Vì chỉ cần vào website của Apple kêu là mất mật khẩu iCloud của tài khoản Gmail đã đăng kí. Yêu cầu mật khẩu mới, Apple sẽ gửi email vào Gmail đó.
Vậy là hắn có ngay Apple ID và sẽ dễ dàng gỡ iCloud ra khỏi máy của mình và đem đi bán, và mình hoàn toàn thua bọn trộm. Câu chuyện sẽ kết thúc ở đây với rất nhiều người. Tuy nhiên Apple có một tính năng bảo mật rất hay mà mình đang sử dụng được gọi là 2 factors authentication. Tính năng này hiệu quả với người sử dụng nhiều thiết bị của Apple.
Khi bạn đăng nhập iCloud trên một thiết bị mới, bạn sẽ cần xác thực từ một trong các thiết bị cũ. Hoặc khi bạn reset mật khẩu bạn cũng cần xác thực từ một trong những thiết bị khác đã có iCloud đó. Và dĩ nhiên tên trộm không thể reset mật khẩu của mình vì hắn chỉ có iPhone của mình trong tay.
Ngoài ra còn một cách khác giống Google, đó là gửi tin nhắn xác thực về điện thoại. Hắn đã chọn cách này để reset iCloud. Nhưng bất hạnh thay cho hắn, mình có đăng kí Master Card của mình vào Apple ID nên Apple rất cẩn thận. Muốn reset password cần thêm cả thông tin Master card (hình mình hoạ).
Đến đây hắn chịu, không có cách nào truy cập được vào Icloud của mình nữa. Và đến thời điểm này mình cũng đã có SIM mới nên SIM cũ bị khoá. Tuy nhiên đến ngày hôm nay, hắn sử dụng bước 6.
Bước 6: Phising – tấn công giả mạo.
Hắn gửi cho mình một tin nhắn từ nước ngoài với nội dung đại loại là “iPhone của bạn đã được định vị, hãy đăng nhập để xem vị trí của iPhone” và dẫn liên kết đến một trang web với giao diện y hệt Apple.
Nếu nhẹ dạ cả tin thì bạn sẽ đăng nhập vào để xem điện thoại của mình ở đâu và dính chưởng ngay, vì bạn đang tự cung cấp mật khẩu cho hắn. Và dĩ nhiên đến nước này mình không ngu nữa rồi.
Bài học rút ra là:
1. Không cung cấp email và SĐT tự do trên mạng:
Hoặc không sử dụng email và SĐT để đăng kí tài khoản quan trọng chung với email và SĐT giao dịch.
Apple một khi đã khoá máy thì sẽ không dễ dàng hiện ra email của iCloud. Vì email sẽ được hiển thị dứoi dạng d*******@*****.com tên trộm sẽ không biết được cả email của mình.
Tại sao hắn lại tìm ra được email? Cái này là do mình. Ngày xưa hồi bé suy nghĩ rất ngây thơ, chả ai quan tâm đến thông tin cá nhân của mình đâu, nên bừa phứa cho số điện thoại và email lên các diễn đàn, rồi sử dụng cả 2 cái đó đi bán hàng online hộ bố. Thế nên hắn dễ dàng tìm ra mình luôn. Cái này do mình ngu, và chủ quan từ xưa.
2. Khoá SIM:
Mình rất chậm chân trong việc đi khai báo mất sim, nên hắn sử dụng được số điện thoại của mình để reset email, ngoài ra còn rất nhiều nguy cơ khác khi hắn có sđt của mình như lừa đảo, tìm kiếm tài khoản ngân hàng…
Vậy nên bây giờ sau bài học này mình đã khoá PIN code của sim. Mỗi khi máy khởi động lại hoặc mỗi khi rút SIM ra khỏi máy cắm vào máy khác, sim sẽ đòi passcode để có thể sử dụng. Nhập sai 3 lần sẽ bị khoá sim. Và phải đem giấy tờ ra nhà mạng làm lại. Cái này không phù hợp với người bình thường, nhưng rất tốt trong việc bảo mật.
Để thực hiện, trong iPhone các bạn vào Setting > Phone > SIM PIN để bật pincode của SIM nhé. Khi nào cho SIM vào máy mới hoặc restart máy đều đòi PIN. Sai 3 lần sẽ khoá SIM.
Mỗi nhà mạng đều có SIM PIN mặc định riêng. Như Viettel là 0000, Vinaphone là 1111. Bạn cần biết chính xác PIN mặc định là gì mới có thể đổi thành pin của riêng mình.
3. Luôn bật bảo mật 2 lớp cho tất cả tài khoản:
Đừng nghĩ nó phiền, lúc xảy ra chuyện bạn mới thấy giá trị của nó. Gmail, Apple cái gì cũng cần bảo mật hai lớp. Có nghĩa khi bạn đăng nhập bạn cần Approve (đồng thuận) từ một thiết bị đã đăng kí từ trước đó. Hoặc cần số điện thoại để có thể đăng nhập. Khi kết hợp với bài học số 2 sẽ trở nên cực kì an toàn.
Riêng mình thật phục Apple vì với hãng này thì không bao giờ đủ. Hắn có email, có số điện thoại nhưng không thể reset nổi mật khẩu của mình. Vậy nên mình khuyên các bạn nên Add thẻ tín dụng vào Apple ID vì đó cũng là thêm một lớp bảo mật nữa cho các bạn, mình đã được cứu. Các bạn tin mình đi.
4. Khi đã sử dụng bảo mật 2 lớp thì phải lưu mother code “code gốc”.
Khi tạo bảo mật 2 lớp, bao giờ họ cũng cung cấp code gốc, bạn viết ra giấy cất kĩ đi vì lúc mất điện thoại, mất hết thiết bị, bạn sẽ cần đến nó.
5. Không bao giờ tin vào tin nhắn thông báo
Bạn phải kiếm tra đi kiểm tra lại rồi mới cung cấp thông tin như mật khẩu vào những địa chỉ được gửi đến.
Như bạn thấy link mình được gửi là dectectphone.com, đây hoàn toàn không phải địa chỉ của Apple. Apple chỉ có các địa chỉ như apple.com, icloud.com chứ không bao giờ có cái link chung chung như thế kia.
Ngoài ra khi vào một trang web được xác thực luôn có biểu tượng tin cậy ở trên trình duyệt.
Chúc các bạn không bao giờ bị giật điện thoại. Và nếu có bị giật rồi thì cũng không để cho bọn trộm đắc ý. Nếu ai cũng khiến việc tiêu thụ iPhone ăn trộm trở nên khó khăn, một ngày nào đó không xa việc ăn trộm không phải là một việc quá lời để nhiều người liều mình thế
Theo Facebook Dino Vu