Tanmay Bakshi là lập trình viên, chuyên gia AI và phụ trách toàn bộ mảng công nghệ của IBM. Em đã tạo nhiều ứng dụng, xuất bản sách, tổ chức 1 buổi TEDx Talk và thuyết trình tại các hội nghị IBM Watson trên toàn thế giới bao gồn Phần Lan, New Zealand, Đan Mạch và Úc.

Thiếu niên tự học lập trình AI, được các tập đoàn công nghệ săn đón

Tuy nhiên điểm khiến Bakshi trở nên đặc biệt là em hiện chỉ mới 14 tuổi.

Bakshi thu hút sự chú ý của IBM khi mới 11 tuổi, tuy nhiên em đã bước chân vào công nghệ từ rất sớm. Trong khi bạn bè đồng trang lứa đang chơi Lego và trốn tìm, Bakshi đã học code vào năm 5 tuổi.

 

Cha của em, Puneet Bakshi, là lập trình viên có kinh nghiệm lâu năm. Khi làm việc ở nhà, cậu con trai luôn say mê xem ông viết code.

“Thật tuyệt vời khi thấy máy tính có thể làm được mọi thứ”, Bakshi trả lời phỏng vấn với CNBC Make It. “Tôi muốn tìm hiểu cách thức hoạt động đằng sau đó và tìm hiểu cách chúng ta điều khiển máy tính”.

Cảm thấy sự tò mò chớm nở này, người cha đã dạy em cách lập trình. Từ đó, Bakshi bắt đầu sử dụng internet và đọc sách để học lập trình.

Khi 7 tuổi, Bakshi tạo 1 kênh YouTube để đăng các hướng dẫn viết code và xây dựng website. Với mỗi video tải lên, em nhận được hàng ngàn câu hỏi từ mọi người trên khắp thế giới. Bakshi đã đưa ra mục tiêu cho kênh YouTube của mình là giúp 100.000 trẻ em và người mới tham gia học code. Ngày nay, kênh của cậu đã có được hơn 200.000 người theo dõi.

Lúc 8 tuổi, Bakshi tự học cách lập trình ứng dụng iOS. 9 tuổi em đã có ứng dụng đầu tiên của mình và được Apple Store duyệt.

Nhưng dần dần, Bakshi mất hứng thú với lập trình. Em luôn cảm thấy công nghệ có rất nhiều hạn chế và dễ lỗi thời. Bước ngoặt xảy ra ở khi 11 tuổi, em tình cờ đọc được tài liệu trên máy IBM Watson và cách chơi Jeopardy.

Đây là lần đầu tiên Bakshi biết đến trí thông minh nhân tạo và thoát khỏi sự nhàm chán. Trong vòng 1 tuần, em đã tạo ra ứng dụng Watson đầu tiên của mình và đặt tên là “Ask Tanmay”, một ứng dụng trả lời câu hỏi bằng cách xem xét câu trả lời tốt nhất trước khi đưa ra đáp án.

Thời gian ngắn sau đó, Bakshi biết đến dịch vụ của IBM là Document Conversion, một ứng dụng chuyển đổi định dạng các tài liệu ví dụ từ PDF sang HTML – đang trong quá trình thử nghiệm alpha. Sau vài phút tìm hiểu, em đã phát hiện một lỗi và đăng lên trang web lập trình cùng tài khoản Twitter của mình. Một số nhân viên IBM đã liên lạc, 2 trong số đó sau này trở thành cố vấn của Bakshi và hỗ trợ em trong việc hợp tác với IBM.

Cậu bé 14 tuổi tự học lập trình để trở thành chuyên gia AI của IBM

Kể từ đó, “gã khổng lồ công nghệ” đã tạo điều kiện cho em tham gia các cuộc thảo luận tại những hội nghị mà công ty tổ chức. Tại Interconnect Conference, Bakshi là diễn giả chính thức trước 25.000 người, và tại IBM Developer Conference tại Ấn Độ, em đã thuyết trình trước 10.000 người. Dù không làm việc và nhận lương từ IBM, nhưng Bakshi vẫn tiếp tục hợp tác với công ty trong nhiều dự án khác.

Khi đó, Bakshi đã gây ấn tượng mạnh với một số nhà quản lý tại IBM. Đặc biệt trong đó có cố vấn hiện tại của em, Rob High, giám đốc công nghệ của IBM Watson. Cả 2 đã tổ chức nhiều buổi đàm thoại bằng Facebook Live. Gần đây nhất buổi trò chuyện được tổ chức tại AI World ở Boston, thảo luận về việc ứng dụng AI để phân tích mạng xã hội được giới trẻ quan tâm và tham dự.

Bakshi cho biết mình thực sự đam mê AI và vui mừng khi có cơ hội chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Chuyên môn về AI của em đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Sau hội nghị 2017 Knowledge Summit diễn ra ở Dubai, Bakshi đã nhận được giải thưởng Đại Sứ Tri Thức từ quỹ Mohammed bin Rashid Al Maktoum Foundation của đức vua Dubai. Em cũng trở thành nhà vô địch và là cố vấn danh dự của IBM Cloud.

Cậu bé 14 tuổi tự học lập trình để trở thành chuyên gia AI của IBM

Thiếu niên tuổi teen này không chỉ dành thời gian cho các cuộc hội nghị và tích lũy các giải thưởng. Em đang nỗ lực cải thiện cuộc sống của nhiều người khác.

 

Bakshi đang làm việc với mạng nơ-ron, một hệ thống máy tính mô phỏng não người và hệ thần kinh. Em nhận thấy mạng thần kinh nhân tạo rất hữu ích trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và cần được tăng cường bởi trí thông minh nhân tạo.

Bakshi giải thích rằng con người dễ bị sai sót trong ngành công nghiệp y tế khi làm việc với hàng tấn dữ liệu, một khi có sai sót sẽ làm hàng loạt quy trình y tế khác chậm theo. Em cũng cho thấy AI nâng cao đời sống của con người thông qua dự án mình đang tham gia có tên gọi là Cognitive Story.

Dự án được dẫn dắt bởi các đối tác kinh doanh của IBM Darwin Ecosystem, một công ty chuyên thiết kế trí thông minh nhân tạo, công ty nhận thức điện toán Not So Rocket Science và cố vấn của em là Rob High.

Bệnh nhân đầu tiên của dự án là Boo, sống tại phía bắc Toronto và không thể nói chuyện. Để giúp Boo giao tiếp, nhóm nghiên cứu xây dựng thiết bị quét sóng não của cô. Nhiệm vụ của Bakshi là sử dụng các thuật toán học sâu (deep learning) để hiểu sóng điện não của Boo và chuyển đổi sang ngôn ngữ tự nhiên.

https://vimeo.com/210497456

Cho đến nay, nhóm dự án đã giúp Boo giao tiếp bằng mã nhị phân để trả lời các câu hỏi theo dạng “Đúng” hoặc “Sai” và dự định sẽ mở rộng thêm nhiều câu trả lời hơn khi thu thập đủ dữ liệu. Bakshi cho biết việc giúp nhiều người có thể giao tiếp trở lại là điều không thể nếu không có AI và Deep Learning.

Các bác sĩ cũng đã nhận thấy sức mạnh của AI, với ví dụ mỗi tuần lại có hàng loạt tài liệu mới về ung thư. Ngay cả khi các chuyên gia có khả năng đọc xong 1 trang trong vòng 1 phút thì cũng không thể đọc hết toàn bộ tài liệu đã được công bố trong thời gian cho phép, giả sử đã đọc xong thì cũng phải mất rất nhiều thời gian hơn để tổng kết, hiểu và áp dụng nó vào điều trị.

Việc này nằm ngoài khả năng của con người, nhưng với AI và Deep Learning việc xử lí hàng triệu tài liệu chỉ mất chưa đến 1 giây. Bakshi cho biết đây là công cụ vô cùng hữu ích và chuyên nghiệp, giúp các bác sĩ tăng cao hiệu quả làm việc và cứu được nhiều người hơn, thực tế mà nói, ngành y phụ thuộc vào dữ liệu và tài liệu như vậy. Những khả năng vô tận của AI trong y tế đã truyền cảm hứng và thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu cho Bakshi.

Tuy nhiên em cũng thừa nhận từ hiểu biết và chuyển sang tiến hành là quá trình dài đầy khó khăn, nhưng Bakshi cam đoan sẽ chinh phục nó thông qua nỗ lực học hỏi không ngừng nghỉ.

Thiếu niên 14 tuổi này đang có dự định học lên đại học. Các trường đại học lớn như MIT, Stanford, Harvard cũng đã để ý đến cậu qua những việc làm tuyệt vời. Ngoài ra, Bakshi cũng đã nghĩ đến việc tham gia các nhóm nghiên cứu và phát triển tại những tập đoàn lớn như IBM, Google, Microsoft và Apple, nhưng lại không muốn bản thân bị gò bó. Vì vậy cậu cũng phân vân trong việc thành lập công ty riêng để tập trung vào nghiên cứu và phát triển AI.

Cậu bé 14 tuổi tự học lập trình để trở thành chuyên gia AI của IBM

Bakshi đã xuất bản 1 quyển sách là: “Hello Swift!: iOS app programming for kids and other beginners,” (Lập trình ứng dụng iOS dành cho trẻ em và người mới bắt đầu), quyển thứ 2 viết về Watson đang trong quá trình biên soạn.

Ở lứa tuổi 14, em đã cho bố mẹ thấy những thành tựu của bản thân, những người luôn hỗ trợ, giúp đỡ và tự hào về mình.

“Họ tạo điều kiện tiếp xúc và tài nguyên khi tôi cần, nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, tôi sẽ không được như ngày hôm nay”, Bakshi cho biết.

Theo CNBC

Góc quảng cáo