Chỉ vì ngưỡng mộ Apple và muốn làm việc tại đó, một thiếu niên người Úc đã đánh cắp 90 GB dữ liệu nhạy cảm của khách hàng.
Theo Tòa án thiếu nhi, cậu bé ở Melbourne (Úc) đang phải đối mặt với các cáo trạng hình sự vì có hành vi đánh cắp thông tin từ máy chủ của Apple. Thiếu niên 16 tuổi này đã truy cập trái phép vào hệ thống Táo khuyết và tải xuống 90 GB dữ liệu cá nhân khách hàng.
Nguồn tin cho biết, Apple đã báo cáo cuộc tấn công vào máy chủ của hãng cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Sau đó, FBI đã phối hợp với Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) để tiến hành điều tra vụ việc.
Tại nhà cậu bé, cảnh sát thu được hai máy tính xách tay có số seri trùng khớp với số seri của thiết bị truy cập vào hệ thống Táo khuyết. Họ phát hiện ra rằng nhiều tệp tin bị đánh cắp và tài liệu hướng dẫn được lưu vào một thư mục với tên “hack hack hack”.
Bên cạnh đó, một số phần mềm mà cậu bé đã dùng để tấn công hệ thống mạng của Apple cũng được tìm thấy. Ngoài ra, họ còn thu được một chiếc điện thoại di động, và một ổ cứng.
Với kiến thức sâu rộng, hacker 16 tuổi đã đột nhập vào mạng lưới máy chủ của Apple rất nhiều lần trong năm qua. Dường như thiếu niên người Úc nhận được “khóa ủy quyền” để truy cập vào cơ sở dữ liệu. Mục đích là kết nối từ xa với hệ thống nội bộ của công ty.
Các công tố viên thừa nhận, Apple “rất nhạy cảm” khi phải công khai vụ việc. Một phần có thể là do Apple từng bị tin tặc tấn công khiến người dùng iPhone và iPad tại Úc bị đánh cắp tài khoản. Họ bị hacker bắt trả tiền chuộc nhằm lấy lại tài khoản của mình.
Hiện thiếu niên 16 tuổi này đã nhận tội và sẽ bị kết án vào tháng tới khi thủ tục hoàn tất. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những dữ liệu bị đánh cắp có rò rỉ hay cung cấp thông tin cho bên thứ ba hay không. Bởi trước đó, hacker đã sử dụng WhatsApp để khoe chiến tích của mình về sự xâm nhập.
Bên cạnh đó, ngoài việc 90 GB dữ liệu nhạy cảm bị đánh cắp, không rõ mức độ xâm nhập vào hệ thống mạng của Táo khuyết là bao nhiêu. Đồng thời vụ việc có ảnh hưởng đến khách hàng của Apple trên toàn thế giới hay chỉ người dùng ở Úc.
Đây không phải lần đầu tiên Apple bị tin tặc tấn công lấy cắp dữ liệu nhạy cảm của khách hàng. Hầu hết các hacker thường nhắm vào đối tượng là những người nổi tiếng.
Năm 2014, nhiều tài khoản iCloud của người nổi tiếng bị tấn công khiến cho những hình ảnh nhạy cảm bị tung lên mạng. Vấn đề ở chỗ, khả năng bảo mật của khách hàng yếu chứ không phải do lổ hổng bảo mật.
Hay gần đây nhất, một gia đình tội phạm Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định 200 triệu tài khoản iCloud đang nằm dưới sự kiểm soát của họ. Tin tặc đã yêu cầu Apple đưa ra tiền chuộc tương đương 75.000 USD nhằm ngăn chặn việc xóa dữ liệu trong các tài khoản iCloud.
Tuy nhiên, Apple đã thẳng thừng từ chối lời đe dọa này. Đồng thời cho biết sẽ báo cáo vụ việc cho nhà chức trách.
Theo Neowin