Hiện tượng những thanh thiếu niên trẻ tuổi dành nhiều thời gian bên máy tính để tìm hiểu, thực hiện những kỹ thuật tấn công (hack) và bẻ khóa phần mềm (crack) không xa lạ gì đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Những đối tượng mới chập chững vào nghề này thường được gọi là script kiddies hay newbie.
Sau khi trải qua quá trình rèn luyện bền bỉ, họ sẽ trở thành những hacker, cracker trong giới UG (hay còn được gọi là Underground, thế giới ngầm của các hacker).
Trên thế giới, có nhiều tổ chức hacker với quy mô lớn và hoạt động rất rầm rộ. Như ở Mỹ, hàng năm giới hacker sẽ tổ chức một hội thảo tên Defcon, không chỉ có sự tham gia của những hacker tại Mỹ mà còn quy tụ những hacker đến từ các nước khác. Hay như ở châu Âu, giới hacker cũng đứng ra tổ chức hội thảo thường niên có tên CeBit.
Không ngoại lệ, tại Việt Nam cũng tồn tại một thế giới ngầm của các hacker. Song, những tổ chức này hoạt động có mục đích nhất định hay chỉ là sự liên kết lỏng lẻo giữa những thanh thiếu niên muốn thể hiện trình độ của mình, vẫn là một dấu chấm hỏi lớn đối với nhiều người.
Vòng xoáy Underground
Như đã nói ở kỳ 1, chúng tôi có cuộc trò chuyện (bí mật) với L.T.Đ (27 tuổi), một trong những hacker khá nổi trên các diễn đàn tại Việt Nam, anh cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đã xuất hiện tương đối nhiều website bàn về hack và crack do giới trẻ lập nên”.
Anh cũng nêu rõ nhận định rằng, đây hầu hết là những website “tự phát”, bắt nguồn từ “ý thích” của một người hoặc một nhóm người nào đó. Họ bỏ công thiết kế và sau đó thuê một máy chủ tại nước ngoài để đặt website, sau đó quảng bá liên tục để thu hút thành viên. Nói chung, những website thu hút được nhiều thành viên đa số là nhờ có người quản trị giỏi, kiến thức về hack và crack phong phú.
“Tuy nhiên, chỉ có 3 website của giới hacker Việt Nam thu hút được nhiều thành viên nhất là Hackerpro, Whitehat và Owlerhacker. Có thể coi đây là 3 tổ chức hacker có mạng lưới hoạt động rộng khắp và nổi trội. Cả 3 trang này đều có số lượng chuyên mục khá phong phú, cung cấp các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao”, L.T.Đ chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hackerpro là website quy tụ được hơn 2.000 thành viên, trong đó có khoảng 100 – 150 thành viên chủ chốt. Microsoftvn (33 tuổi), một trong những người đứng đầu website Hackerpro, từng tuyên bố tại Đại hội Hacker Việt Nam lần 1 (tổ chức vào ngày 1.11.2002) rằng có thể hạ được tất cả các website có tên miền .vn trong vòng 1 ngày, vì đã nắm được mật khẩu ftp của các site này đặt tại máy chủ của VDC và FPT. Thậm chí, Microsoftvn từng lớn tiếng khẳng định anh sẵn sàng làm công tác bảo mật cho VDC và FPT với cái giá khởi điểm là 10.000 USD, lúc bấy giờ Microsoftvn chỉ mới 19 tuổi.
Thân thế thật sự của các hacker “khét tiếng”
Nói về cách kiếm tiền từ những lần hack hoặc crack, L.T.Đ cho biết, những chiếc máy tính cá nhân thông thường sau khi bị hack và điều khiển từ xa, được những hacker gọi bằng rất nhiều tên lóng như: “robot”, “bots”, “cừu” hoặc “nô lệ”. Nhiều bots kết nối với nhau, như của L.T.Đ, tạo thành “botnets” và đây chính là công cụ kiếm tiền của gần như toàn bộ hacker.
Botnets được dùng để chuyển tiếp và phát tán hàng triệu thư rác, và thậm chí còn là vũ khí để các botmaster (người nắm quyền điều khiển mạng botnets) hăm dọa, tống tiền bằng những vụ “tấn công từ chối dịch vụ”.
Song, L.T.Đ khẳng định, bản thân anh chưa hề sử dụng mạng botnets của mình để gây khốn đốn cho doanh nghiệp nào. Thay vào đó, Đ. cùng một số lượng botmaster kiếm tiền từ việc cấy spyware (hay còn gọi là adware) vào trong botnet của mình.
“Một khi được cài đặt vào máy tính, adware sẽ kích hoạt cho các cửa sổ quảng cáo nhảy xổ ra màn hình, hoặc lén lút theo dõi thói quen lướt web của người dùng. Sâu máy tính thì nguy hiểm hơn, do chúng tập hợp và đánh cắp những dữ liệu nhạy cảm hơn nhiều từ máy tính nạn nhân, bao gồm mật khẩu, địa chỉ email, số Bảo hiểm xã hội và thậm chí là thông tin của thẻ tín dụng”, anh cho biết.
Đa phần thành viên của các website hacker Việt Nam đều rất trẻ. Họ là các sinh viên, học sinh đang theo học các trường kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, không ít hacker có xuất thân từ các trường khoa học xã hội, điển hình là L.T.Đ, cựu sinh viên một trường khối xã hội.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến các hacker là những nhân vật “có tầm cỡ”, địa vị xã hội cao và hiện đang làm cho các công ty trong và ngoài nước.
“Những người này hoạt động rất âm thầm lặng lẽ. Họ không thích để lộ tung tích vì điều đó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho công việc của họ. Trình độ của những hacker này thực sự rất đáng thán phục, vì hầu hết đều đi lên bằng thực lực, tài năng… Thậm chí có nhiều hacker mũ trắng còn làm nhân viên an ninh mạng cho các công ty công nghệ thông tin hàng đầu”, hacker mũ trắng Phạm Văn Khánh nói.