Facebook, cách đây không lâu, là ông vua mạng xã hội. Facebook đè bẹp mọi đối thủ khác trên mọi đối tượng người dùng. Có thể trang web này đang mất điểm dần dần với thanh thiếu niên, nhưng nhiều người trong số họ chỉ đơn giản là chuyển sang sử dụng các tài khoản khác thuộc sở hữu của công ty, như WhatsApp và Instagram.
Theo nghiên cứu mới đây của Pew Research, chỉ có 51% thanh thiếu niên sử dụng Facebook – giảm 20% so với năm 2015. Mark Zuckerberg có lẽ nên chuẩn bị kỹ cho cú sốc này.
Cũng theo nghiên cứu, sở hữu smartphone trở thành một yếu tố không thể thiếu ở tuổi teen, với 95% trong độ tuổi từ 13 đến 17 đã sở hữu hoặc thường xuyên có quyền sử dụng điện thoại thông minh.
Việc di chuyển giữa các nền tảng đã diễn ra được một thời gian, nhưng những biến cố gần đây của Facebook đã đẩy nhanh quá trình này hơn, khi vài năm gần đây thanh thiếu niên bỏ rơi các nền tảng như Facebook và Twitter để đến những nền tảng thân thiện với tuổi teen hơn như YouTube hay Snapchat. Đây cũng là hai đối thủ đang gây phiền toái nhất cho Zuckerberg.
Cụ thể, báo cáo cho biết khoảng 32% thanh thiếu niên sử dụng YouTube thường xuyên và nhiều hơn bất kỳ mạng xã hội nào khác, trong khi con số này đối với Snapchat là 35%. Chỉ có 10% nói rằng họ sử dụng Facebook thường xuyên nhất. Và trong khi 51% thanh thiếu niên cho biết sử dụng Facebook thường xuyên hoặc thỉnh thoảng, với những đối thủ cạnh tranh như Snapchat (69%), Instagram (72%), và YouTube (85%) thì con số này là quá ít ỏi.
Nhưng số liệu không cho thấy được tần suất thanh thiếu niên sử dụng các mạng xã hội này, vì vậy khó để có thể nói rằng Facebook đã chết trong cuộc sống của giới teen.
Mặt khác, số liệu cũng không thể làm rõ được liệu có bao nhiêu người từ 13 đến 17 tuổi thuộc 51% kia vẫn thực sự sử dụng Facebook, hay chỉ làm bước đệm để đăng nhập vào các dịch vụ khác như Instagram hoặc Messenger.
Với Facebook, những con số này không hề bất ngờ. Zuckerberg biết mạng xã hội của anh đang mất người dùng độ tuổi thiếu niên trong ít nhất 5 năm gần đây. Hãng này thậm chí đã thực hiện một vài chiến dịch trong vài năm qua để giành lại người dùng, chẳng hạn như copy trắng trợn của tính năng phổ biến nhất của Snapchat là Stories – một tính năng hiện là chủ lực của Facebook.
Ngoài ra, mạng xã hội này cũng có những bước đi vào các mảng như streaming, gaming và nội dung video. Không hẳn Facebook đang thất bại với các tính năng mới – công ty đã tạo ra hơn 8 tỷ lượt xem video trung bình hàng ngày vào năm 2015, một con số chắc chắn tăng theo cấp số nhân. Nhưng không có tính năng nào thực sự hướng đến đối tượng thanh thiếu niên, những người thích các ống kính của Snapchat, bộ lọc của Instagram và sự ngẫu nhiên của YouTube.
Niềm hy vọng lớn nhất của Facebook dường như là những hoạt động của họ ở các nước đang phát triển. Đưa internet tới 1 tỷ người dùng tiếp theo chắc chắn sẽ củng cố vị thế của Facebook.
Các sáng kiến do Facebook dẫn đầu như Free Basics chắc chắn là bước đầu tiên. Nhưng không may cho các cổ đông của Zuckerberg, phiên bản sơ bộ của dự án này đã gặp một vài khó khăn ở các thị trường quan trọng như Ấn Độ – nơi có 1,3 tỷ người dùng tiềm năng. Facebook đã đóng dự án này vào năm 2016.
Theo: The Next Web