Trên mạng Internet, nhất là mạng xã hội, đang tràn lan đủ loại tin tức về virus Corona như cách thức hoạt động và lây nhiễm, số người nhiễm bệnh và tử vong, phương pháp chữa khỏi… nhưng rất nhiều trong số đó chỉ là thông tin sai lệch.
Sự gia tăng của những bài viết sai sự thật hoặc gây hiểu lầm về virus Corona đang một lần nữa thách thức khả năng kiểm soát tin giả của các công ty truyền thông xã hội. Maarten Schenk của Lead Stories, một tổ chức kiểm tra tính xác thực đang hợp tác với Facebook, cho biết nhóm của ông đã theo dõi việc chia sẻ thuyết âm mưu trên nhiều nền tảng xã hội khác nhau về nguồn gốc của virus Corona.
Theo ông, có rất nhiều nhà lý luận đang cố ý tung ra những thông tin sai lầm rằng virus là do chính phủ Mỹ tạo ra. Mặt khác, số lượng người mắc bệnh và chết do virus Corona cũng bị thổi phồng lên, vượt xa ước tính hiện tại từ những nguồn tin chính thống. Một số trang tin còn trích dẫn “nguồn tin quân sự bí mật” nào đó thực chất không hề tồn tại.
Khi cả thế giới đều đang lo sợ virus Corona bùng phát một cách không thể kiểm soát được thì những thông tin như trên rất dễ lèo lái dư luận, khiến nhiều người hiểu lầm và hoang mang.
Phát ngôn viên Facebook cho biết công ty đang làm việc với các đối tác kiểu tra tính xác thực để nhanh chóng gỡ bỏ những bài viết sai sự thật về virus Corona. Nếu những bài đăng hoặc liên kết của Facebook bị phát hiện đưa tin giả thì hệ thống sẽ giảm phân phối bài viết, đồng thời những người đăng, đọc, tương tác hoặc chia sẻ sẽ được thông báo rằng thông tin đó là sai sự thật.
Google đã chỉ ra một số thay đổi trong chính sách của nền tảng video YouTube. Theo đó, giao diện ứng dụng được thiết kế hiển thị trong tin từ các nguồn có thẩm quyền (authoritative source) ở đầu kết quả tìm kiếm. Google, cũng như Facebook, không khóa hoàn toàn những khiếu nại sai phạm trên nền tảng của mình.
Trên Twitter, người dùng tìm kiếm “coronavirus” tại Mỹ và một số nước khác như Hong Kong, Brazil, Úc… sẽ được khuyến cáo truy cập những kênh chính thống để cập nhật tin tức về virus Corona. Ví dụ, tại Mỹ, Twitter hướng người dùng đến Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh. Đại diện mạng xã hội này cho biết công ty không thấy gia tăng lượng tin giả liên quan đến virus Corona. Trong vòng 4 tuần qua, thống kê cho thấy có hơn 15 triệu bài viết về loại virus này trên Twitter.
Không chỉ những hãng công nghệ Mỹ quan tâm đến vấn đề tin giả trên mạng xã hội, ứng dụng TikTok cũng đang xem xét cách xử lý tin tức giả về virus Corona. Đại diện công ty cho biết: “Nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi không cho phép đăng thông tin sai lệch có nguy cơ gây hại cho cộng đồng TikTok nói riêng và cả dư luận”.