Apple Store khi mở cửa tại Việt Nam có thể bán tốt được iPhone, MacBook, nhưng hệ sinh thái sản phẩm khác sẽ phải đánh đổi doanh số.
“Những diễn biến gần đây cho thấy Apple đang đặc biệt quan tâm đến người dùng Việt Nam” – đại diện một hệ thống bán lẻ đã chia sẻ với truyền thông. “Với tốc độ phát triển như hiện tại, Việt Nam có thể đạt điều kiện trở thành thị trường ưu tiên ở mức cao nhất vào năm 2024. Khi đó, hãng sẽ mở Apple Store và bắt đầu bán iPhone cũng như các sản phẩm khác cùng thời gian với các thị trường quan trọng như Mỹ, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Australia…”.
Tuy nhiên, nhận định này được đưa ra chỉ là mục tiêu mà phía Apple hướng tới, chưa phải là kế hoạch chính thức. Tin đồn Apple sẽ mở cửa hàng chính thức tại Việt Nam không phải là điều gì mới, dù vậy nhiều tín hiệu gần đây cho thấy việc Apple Store mở cửa sẽ sớm trở thành hiện thực.
Thách thức doanh số không hề nhỏ khi Apple Store mở cửa tại Việt Nam
Apple Store được điều hành, quản lý trực tiếp bởi công ty. Cửa hàng này không chỉ bán tất cả những sản phẩm từ apple.com mà còn đảm nhiệm việc bảo hành, hậu mãi. Ngoài những yếu tố đặc biệt, Apple Store thu hút người dùng bởi trải nghiệm hậu mãi đặc trưng mà hiếm có một cửa hàng kinh doanh sản phẩm công nghệ tương tự nào có được.
Chính vì vậy, doanh số bán hàng sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho Apple Store tại Việt Nam. Trên thế giới, Apple Store tại các quốc gia đang vận hành không có chiết khấu giá bán hấp dẫn so với các mô hình đại lý uỷ quyền (AAR, APR).
Lấy ví dụ, chiếc iPhone 13 dung lượng 128GB có giá bán được Apple Việt Nam công bố là 24.990.000 đồng. Tại đại lý uỷ quyền AAR của Apple là Di Động Việt, người dùng có thể sở hữu máy chỉ với mức giá 19.000.000 đồng. Với mức giá chiết khấu lên đến hơn 20%, đại đa số người dùng sẽ cân nhắc để lựa chọn tại đại lý uỷ quyền thay vì tìm đến Apple Store với giá niêm yết.
Bên cạnh đó, các sản phẩm phụ kiện được bày bán trong Apple Store chắc hẳn cũng sẽ chịu áp lực không nhỏ. Những sản phẩm độc quyền từ các hãng đối tác quen thuộc như Belkin, Mophie… sẽ vấp phải sự cạnh tranh từ những thương hiệu khác vốn có giá tốt hơn rất nhiều.
Đại đa số người dùng có thể chọn mua dây sạc chính chủ của Apple, nhưng họ sẽ cân nhắc nhiều khi thấy những lựa chọn tương tự có giá cao hơn của các hãng khác trong Apple Store.
Sự khác biệt của Apple Store hướng đến những trải nghiệm dịch vụ
Nếu không thể tạo ra một doanh số như kỳ vọng, Apple Store chắc hẳn sẽ hướng đến một nhóm người dùng mua sắm đặc trưng rất riêng biệt. Đây là những người từng có những trải nghiệm tốt khi họ đến với Apple Store tại các quốc gia khác, hay sẵn sàng ‘móc hầu bao’ cho những sản phẩm từ Apple mà không đặt nặng chi phí lên hàng đầu.
Với một chiếc Apple Watch gặp trục trặc khi mua tại Apple Store, chủ sở hữu có thể ngay lập tức được hỗ trợ đổi sản phẩm mới. Tương tự, một cục pin dự phòng Mophie giá có thể lên đến gần 4 triệu đồng cũng dễ dàng được đổi mới trong thời hạn bảo hành.
Để có được những đặc quyền trên, Apple hoàn toàn có thể hạn chế chính sách chăm sóc khách hàng dành cho những sản phẩm bán ra từ các đại lý uỷ quyền. Từ tháng 04.2021, Apple không còn áp dụng chính sách 1 đổi 1 cho iPhone chính hãng. Vì vậy, Apple Store khi mở cửa tại Việt Nam vẫn nên áp dụng chính sách này để tạo được doanh số nhất định.
Việc Apple Store có mặt sẽ tạo nên những cảnh xếp hàng chờ mua những chiếc iPhone mới nhất. Người dùng Việt có thể sớm sở hữu những sản phẩm ‘hot’ của Apple từ sớm, tương tự như thị trường Singapore hay Thái Lan. Đây là điểm nhấn tạo sự khác biệt khi so sánh với các đại lý uỷ quyền ở cấp dưới thường có hàng ở đợt bán sau đó.
Cuối cùng, Apple cũng đồng bộ kênh bán hàng trực tuyến dành cho thị trường Việt Nam trên apple.com. Từ đó, những tín đồ ‘Táo khuyết’ tại Việt Nam sẽ tận hưởng được toàn bộ những dịch vụ tốt nhất từ thương hiệu mà họ yêu thích. Apple Store cũng hứa hẹn sẽ là một địa điểm du lịch thu hút khách quốc tế khi nằm ở một vị trí đẹp tại Tp. Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
Tham khảo: VnExpress