Telegram có thể đã thoát được đe dọa lệnh cấm của Nga, nhưng tại Indonesia hãng phải chịu trận khi các quan chức nước này quyết định cấm dịch vụ nhắn tin mã hóa nói trên.

Vào Chủ Nhật vừa rồi, nhà sáng lập của ứng dụng nhắn tin mã hóa miễn phí Telegram, ông Pavel Durov đã đăng trên kênh Telegram của mình rằng công ty đã loại bỏ “tất cả các kênh công khai có dính líu tới khủng bố” trên ứng dụng mà trước đây đã bị tố cáo bởi Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông Indonesia.

Telegram chặn "các kênh liên quan đến khủng bố" sau lệnh cấm của Indonesia

Động thái xảy ra sau khi các nhà chức trách Indonesia đã cấm dịch vụ nhắn tin này vào thứ Bảy, bày tỏ những quan ngại về việc các tổ chức khủng bố sẽ sử dụng ứng dụng như một nền tảng truyền thông. Theo tuyên bố, lệnh cấm Telegram sẽ không ảnh hưởng tới các nền tảng mạng xã hội khác.

“Chính phủ đã phát hiện ra sự hiện diện của hàng ngàn hoạt động liên lạc giữa các nước (trên Telegram) dẫn tới các hoạt động khủng bố”, trích lời Tổng thống Joko Widodo. “Hiện vẫn còn hàng ngàn kẻ xấu đã trốn thoát”.

Tuy nhiên, Durov lại nói ông “không hay biết gì” việc trước đó Indonesia yêu cầu dịch vụ của ông phải xóa bỏ các kênh này, cho rằng đây là một sự “hiểu lầm”.

“Telegram được mã hóa đến tận răng cũng như hoạt động với phương châm tôn trọng quyền riêng tư, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng tôi đồng ý tiếp tay cho khủng bố”, ông nói.

Đây không phải lần đầu tiên Telegram nhận chỉ trích vì đã cung cấp một nền tảng bảo mật an toàn cho những kẻ khủng bố bí mật lên kế hoạch tấn công. Tháng trước, các dịch vụ an ninh của Nga đã tuyên bố họ có “nguồn tin đáng tin cậy” cho rằng Telegram đã được dùng để lên kế hoạch vụ đánh bom liều chết tại Saint Petersburg.

Cùng với việc loại bỏ các kênh bị tố cáo, Durov nói rằng một kênh liên lạc trực tiếp với các nhà chức trách Indonesia đã được thiết lập để giải quyết vấn đề cũng như thành lập một đội ngũ “chuyên biệt” thông thạo ngôn ngữ và văn hóa Indonesia để có thể xử lý các nội dung tố cáo liên quan đến khủng bố “nhanh và chính xác hơn”.

Không chỉ riêng Telegram, các công ty mạng xã hội nói chung đều đã phải đối mặt với chỉ trích từ các chính phủ tin rằng họ đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán tư tưởng cực đoan. Đáp lại, Facebook, Twitter và cả YouTube đã công bố một sáng kiến chung, có tên Global Internet Forum to Counter Terrorism (Diễn đàn Internet Toàn cầu để Chống lại Khủng bố) nhằm loại bỏ những nội dung liên quan đến vấn đề này vào tháng trước.

Nguồn: ICTnews

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo