Những năm gần đây, loài tảo nâu Sargassum đã phát triển đáng báo động tại khu vực bờ biển Đại Tây Dương, trải dài từ Vịnh Mexico đến Tây Phi và hại chết nhiều loài sinh vật biển. Theo các nhà khoa học, đây là hiện tượng tảo biển nở hoa lớn nhất thế giới – một tín hiệu cho thấy con người đã thay đổi hoàn toàn bề mặt Trái Đất.

Tảo nâu bao phủ 5.500 dặm Đại Tây Dương, giết chết nhiều sinh vật biển

Khối tảo nâu Sargassum khổng lồ nặng gần 20 triệu tấn đang đe dọa mội trường sống của rất nhiều loài sinh vật biển. Thông thường, Sargassum sẽ tạo ra môi trường sống cho nhiều loài động vật biển như rùa, cua, cá… và quang hợp tạo ra oxy. Tuy nhiên, quá nhiều Sargassum khiến những loài sinh vật khác khó di chuyển và bị ngạt thở.

Sau khi chết, loài tảo nâu này sẽ chìm xuống và phủ kín đáy biển, ảnh hưởng đến san hô và nhiều loài thực vật khác – làm biến động toàn bộ hệ sinh thái. Không những thế, chúng còn gây ra nhiều vấn đề trên bãi biển, khi thối rữa chúng sẽ giải phóng khí hydrogen sunfide có mùi trứng thối, gây ngộ độc và tác động xấu đến sức khỏe con người, ảnh hưởng nặng nề tới dịch vụ du lịch ở khu vực biển Caribbean và Mexico.

Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là Great Atlantic Sargassum Belt (GASB) – Vành đai Sargassum Đại Tây Dương. Theo tạp chí Science, có hai lý do chính khiến Sargassum nở hoa nhiều bất thường. Nguyên nhân tự nhiên là các chất dinh dưỡng sâu dưới đại dương dọc bờ biển châu Phi trồi lên bề mặt nơi Sargassum phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do tác động của con người, khai thác rừng bừa bãi và sử dụng nhiều phân bón trong quá trình làm nông nghiệp đã khiến chất dinh dưỡng dư thừa trong đất đi theo dòng nước ra sông Amazon vào đại dương, đặc biệt là trong mùa xuân và mùa hè.

Tảo nâu bao phủ 5.500 dặm Đại Tây Dương, giết chết nhiều sinh vật biển

Tệ hơn, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này sẽ trở nên bình thường trong vài năm tới. Nhiều nghiên cứu phân tích mô hình tiêu thụ phân bón ở Brazil cùng tỷ lệ phá rừng ở Amazon đã phù hợp với xu hướng tăng trưởng của Sargassum, bắt đầu từ 9 năm trước. Hàng năm, Mexico phải chi đến hàng triệu USD để đối phó với sự phát triển ngày càng nhiều của loài tảo nâu này.

Đây chỉ là một ví dụ cho thấy con người đã tác động xấu đến môi trường như thế nào. Năm ngoái, một loài tảo đỏ tên Karenia brevis của Nhật Bản đã phát triển hàng loạt và giải phóng chất độc giết chết hàng trăm con lợn biển, nhiều cá heo, gần 300 con rùa biển và hàng ngàn con cá ở vùng biển Florida.

Năm 2015, một loài tảo lam nở rộ ở hồ Erie (giáp ranh Ontario, Canada), giải phóng chất độc khiến nửa triệu người không có nước uống. Ở Vịnh Mexico, tảo đã phát triển trên dòng chảy sông Mississippi, hút hết oxy trong nước, biến nhiều nơi thành “vùng chết”, và cuối cùng chúng phải tự hủy diệt vì không đủ năng lượng để tồn tại.

Theo Vox

Góc quảng cáo