Cục Viễn thông vừa có văn bản đề nghị các nhà mạng trong nước xem xét việc tăng lưu lượng băng thông với giá cước không đổi, nhằm đảm bảo chất lượng Internet trong suốt thời gian người dân ở nhà chống dịch Covid-19.

Chính phủ vừa thông báo bắt đầu thực hiện quy định cách ly toàn xã hội, yêu cầu người dân ở nhà chống dịch Covid-19 trong suốt 15 ngày từ 1/4/2020. Trong thời gian đó, nhu cầu sử dụng mạng Internet chắc chắn sẽ tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ truy cập mạng ở nhiều địa phương. Để hạn chế vấn đề này, Cục Viễn thông vừa có văn bản gửi đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước, yêu cầu tăng lưu lượng băng thông nhưng vẫn giữ nguyên giá cước để hỗ trợ người dân.

Nhà mạng cân nhắc tăng lưu lượng truy cập Internet trong thời gian dân ở nhà chống dịch Covid-19

Theo đó, tốc độ truy cập Internet trong nước và đi quốc tế đều phải ổn định, tránh trường hợp bị nghẽn mạng, khó truy cập như nhiều ngày qua. Ngoài ra, Cục Viễn thông còn đề nghị các nhà mạng đầu tư, mở rộng băng thông Internet trong nước thông qua kết nối trực tiếp ngang hàng và kết nối tới trạm trung chuyển quốc gia VNIX.

Không chỉ đảm bảo tốc độ truy cập trong nước, nhà cung cấp dịch vụ Internet còn phải tăng cường khả năng kết nối mạng tới các quốc gia trong khu vực và thế giới. Giữa bối cảnh nhu cầu truy cập các dịch vụ trực tuyến tăng cao, một số ý kiến cho rằng đề nghị này của Cục Viễn thông sẽ tạo nên “cuộc chiến” mới về tốc độ giữa các nhà mạng trong nước. Mặt khác, sau khi nâng cấp cơ sở hạ tầng, việc tăng băng thông truy cập Internet tối thiểu của Việt Nam lên mức cao hơn sẽ thúc đẩy chỉ số phát triển ngành Thông tin và Truyền Thông trong nước.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, các nhà mạng đã gửi đi 13 tỷ tin nhắn đến từng thuê bao di động để góp phần tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19. Nhà mạng và nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình phòng chống dịch bệnh trên toàn quốc.

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo